Truyền thông

Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số báo chí

PV 13/06/2023 20:08

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông. 

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

8.jpg
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Báo chí đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ, với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên-nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí.

Hội cũng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.242 hội viên, sinh hoạt tại 301 đơn vị cấp Hội (63 hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên Chi hội, 218 chi hội trực thuộc).

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để đông đảo hội viên, người làm báo nhận thức sâu sắc vai trò là những chiến sĩ cách mạng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

2.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh báo cáo kết quả và nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo

Hội Nhà báo các cấp tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. 

Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động báo chí, khai thác tối đa nền tảng Internet để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh. Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.

Đổi mới quản lý nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành (21/4/1950 - 21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển về số lượng và tổ chức, trưởng thành về chất lượng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. 

6.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc

"Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề mà các ý kiến tại cuộc làm việc đã nêu về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.

Làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch

Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại" như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Cùng với đó, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; Bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường tập hợp, đoàn kết hội viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đổi mới, sự phát triển của đất nước; phát huy dân chủ kỷ cương, tăng cường phản biện xã hội để đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn, đưa ý Đảng đến gần dân hơn; Làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch.

Phát huy, tôn vinh các giá trị cốt lõi của dân tộc ta như tính nhân văn, nét đẹp chân - thiện - mỹ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí và nghị lực, dám đối diện và vượt qua những khó khăn, thử thách, khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân; Khơi dậy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, đi lên từ nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế; Phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề.

Tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực, góp phần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo đường lối của Đảng và quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…

Đẩy mạnh CĐS báo chí gắn với kinh tế số báo chí

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh CĐS báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng AI, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh. Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa báo chí", chạy theo thị hiếu tầm thường.

Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn lực con người, tài chính ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, liên kết trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật để nhà báo bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm với công việc, để tâm sáng, lòng trong, bút sắc, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.

Cùng với đó, hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của người làm báo.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất trân trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong xây dựng, thực thi chính sách. Chính phủ cũng mong muốn báo chí phát huy hơn nữa tinh thần báo chí cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn như Luật Đất đai, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đại đoàn kết dân tộc…

Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn nữa trong định hướng cho đội ngũ báo chí tăng cường nghiên cứu chính sách và tích cực tham gia công tác truyền thông chính sách; thúc đẩy ĐMST về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; Tổng kết Giải Báo chí Quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm, nâng cao chất lượng giải thưởng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và tăng cường sự tin tưởng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho báo chí.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí; biên chế tổ chức Hội… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Thủ tướng giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp cùng các bộ, cơ quan liên quan, xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương khẩn trương xây dựng Đề án, kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam theo hướng thiết thực, hiệu quả, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số báo chí để nâng cao chất lượng tin tức
    Ngày 21/9, Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã phối hợp với công ty Google tổ chức khoá đào tạo "Chuyển đổi số (CĐS) báo chí", chuyên đề tổng quan về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí. Đây là lần đầu tiên chương trình đào tạo CĐS báo chí được triển khai tại Việt Nam, nhằm mục đích giúp các cơ quan báo chí tại Việt Nam CĐS thành công.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO