Hợp tác nâng cao đào tạo CĐS báo chí
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, cho biết: Hai câu chuyện gần đây mà báo chí hay nói nhiều là câu chuyện CĐS báo chí và kinh tế báo chí. Đó thực sự cũng chính là trăn trở và nhiệm vụ mà Cục Báo chí xác định là trọng tâm của năm nay và những năm tiếp theo".
Theo báo cáo về Xu hướng báo chí thế giới của WAN-IFRA, có tới 44% những người trả lời khảo sát cho biết, thúc đẩy chiến lược CĐS là sự thay đổi quan trọng nhất mà họ cần phải thực hiện để phát triển. Trong khi đó, báo cáo "Các xu hướng và dự báo về báo chí, truyền thông và công nghệ 2021" của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho hay, có tới 76% những người tham gia khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh các kế hoạch CĐS của họ. CĐS được coi là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí cần đi nhanh và quyết liệt nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả.
Chính vì vậy, Cục Báo chí đã hợp tác với Google triển khai Sáng kiến tin tức Google (Google News Initiative) tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí, cải thiện mô hình kinh doanh, hỗ trợ các tòa soạn đổi mới công nghệ. Sáng kiến tin tức Google hiện đã hỗ trợ hơn 6000 cơ quan báo chí tại trên 118 quốc gia trên toàn cầu.
Theo đó, tại Việt Nam sẽ triển khai 3 khóa đào tạo tổng quan về CĐS báo chí vào ngày 21/9, 22/9 (tại Hà Nội) và 24/9 (tại TP. HCM), cung cấp kỹ năng số ở 4 chủ đề: phát triển độc giả, phát triển dữ liệu, doanh thu quảng cáo và doanh thu từ độc giả
Sau đó, chương trình sẽ tổ chức tiếp 2 khóa đào tạo chuyên sâu vào tháng 10, một khóa ở Hà Nội và một khóa ở TP. HCM, mỗi khóa sẽ dành cho 30 cơ quan báo chí.
Lý thuyết và nội dung chương trình đào tạo được Google xây dựng dựa trên khung tiêu chuẩn chung trên thế giới.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Google đã phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp báo chí và truyền thông, từ việc cho ra đời một loạt các trang thông tin có tốc độ truyền nhanh hơn phục vụ ứng dụng trên điện thoại thông minh, xây dựng YouTube như một "sân chơi" phục vụ đào tạo đến việc cung cấp thông tin trong bối cảnh tính xác thực của tin tức đang bị thách thức trước các luồng thông tin mở và đa dạng hiện nay.
Giới thiệu về chương trình đào tạo CĐS báo chí, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý hợp tác chiến lược ngành tin tức và xuất bản Đông Nam Á tại Google, chia sẻ trong hơn 20 năm qua Google đã dành nhiều tâm huyết và đầu tư cho báo chí. Điều này cũng phù hợp với sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Tin tức từ báo chí là một nguồn thông tin thiết thực cho xã hội.
Google đã đầu tư vào các sản phẩm hỗ trợ các cơ quan báo chí để người dùng có thể tiếp cận thông tin chất lượng cao hiện nay. Và Google tin rằng chỉ khi công dân nắm bắt được thông tin thì xã hội sẽ trở nên vững mạnh hơn.
Theo bà Dương, các mảng Google News Initiative tập trung hỗ trợ ngành báo chí đó là nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, cải tiến các mô hình kinh doanh, hỗ trợ các tòa soạn báo thông qua đổi mới công nghệ và gắn kết cộng đồng báo chí.
Google News Initiative sẽ mang chương trình CĐS báo chí đến Việt Nam với các nguồn tài nguyên và chương trình đạo tạo miễn phí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển bền vững. Để xây dựng chương trình này, Google đã cộng tác với các chuyên gia, cơ quan báo chí, các hiệp hội trong ngành để mang thông tin tốt nhất đến cho ngành công nghiệp báo chí.
Xây dựng chiến lược để CĐS thành công
Chia sẻ về việc xây dựng chiến lược để CĐS thành công, ông Trương Chí Vĩnh, chuyên gia về báo chí cho biết khi độc giả chuyển đổi lên không gian số, buộc các cơ quan báo chí phải CĐS.
Nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại, sống sót và sau đó mới có thể phát triển, thậm chí phát triển mạnh mẽ, tạo sức sống mới. CĐS báo chí không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà ở vấn đề tư duy. Tư duy CĐS không chỉ ở người lãnh đạo mà phải lan tỏa tới mọi ngóc ngách của cơ quan báo chí. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược CĐS chính là nền tảng để phát triển bền vững trong môi trường kỹ thuật số, trong đó cần xác định rõ sứ mệnh và giá trị của cơ quan báo chí.
Cũng theo ông Vĩnh, vấn đề chính của một tờ báo không phải là doanh thu mà là độc giả. Người làm chiến lược cần trả lời câu hỏi phân khúc độc giả này là ai; họ xem tức tin gì, như thế nào và khi nào; họ cần thông tin gì và họ không cần thông tin gì. Khi trả lời được chính xác các câu hỏi về chiến lược, mô hình kinh doanh thì cơ quan báo chí mới có thể tập trung vào khai thác các nội dung và thông tin cần thiết, tránh thông tin dư thừa, không hiệu quả và làm gia tăng chi phí.
"Cuộc chiến của báo chí hiện nay thực chất là cuộc chiến để thu hút độc giả. Cái sợ nhất đối với người làm báo chính là lạc hậu so với độc giả", ông Vĩnh nhấn mạnh./.