Học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế
Bước chân vào lớp 1 là dấu mốc quan trọng của cuộc đời mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành trên toàn quốc, nhiều địa phương đã lựa chọn phương án học trực tuyến để phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, làm thế nào để học trực tuyến chủ động, bài bản và mang lại hiệu quả đang là vấn đề khiến cha mẹ có con vào lớp 1 không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho biết: “Theo khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch.
Báo cáo cũng cho thấy 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập.
Trên thực tế, sau một năm học trực tuyến cũng có nhiều số liệu cho thấy tỷ lệ học sinh nhỏ có các vấn đề về giấc ngủ do các em sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có ánh sáng xanh bị hấp thụ hàng ngày. Những hành vi cho thấy dấu hiệu của việc này là con trẻ dụi mắt liên tục, phàn nàn nhắc mắt, cáu gắt và khó tập trung”.
Tuy nhiên, theo thầy Trần Thành Nam, đó không phải lý do để chúng ta không ủng hộ việc học trực tuyến hay xem học trực tuyến chỉ như một giải pháp tình thế và bổ trợ cho hình thức học trực tiếp.
“Trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số”, Phó Giáo sư Nam nhấn mạnh.
Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho những đứa trẻ hướng nội, những bạn nhỏ rụt rè. Trong lớp học trực tuyến chúng thường tích cực tham gia vào bài học hơn. Học trực tuyến cũng giúp chúng không phải đương đầu với sự tẩy chay hoặc bắt nạt, bêu xấu bởi những học sinh lớn ở trường.
Hiện tại, nhiều trẻ em rất bí bách trong thời gian giãn cách, học trực tuyến cũng là một cách thức kết nối xã hội, một hoạt động làm cho cá nhân trẻ trở nên bận rộn và cảm thấy có giá trị.
Do vậy, học trực tuyến nhìn ở một góc độ nào đó ngoài việc đảm bảo được kiến thức trong thời gian dịch bệnh thì đây còn là một phương pháp giúp trẻ giải tỏa lo lắng, qua đó giáo viên có cơ hội giáo dục cho các con vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tâm thần.
“Bớt một chút kỳ vọng, thêm một chút kỳ công”
Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư Trần Thành Nam khi nói đến việc đồng hành cùng học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 triển khai kế hoạch học tập bằng phương án học trực tuyến.
Theo thầy Trần Thành Nam đối với mỗi lứa tuổi đều có những đặc điểm riêng biệt về tâm sinh lý. Học sinh lớp 1 là lứa tuổi thích khám phá những điều mới mẻ nên dễ bị mất tập trung bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh.
Ở độ tuổi này, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay. Vì thế rất dễ bỏ lỡ bài học nếu phân tâm hoặc bị lúng túng bởi công nghệ.
Đây cũng là độ tuổi dễ lo lắng và tổn thương, đặc biệt là lo lắng khi bị tách khỏi người lớn, người chăm sóc. Học sinh dễ cảm thấy bất an khi không có sự chú ý từ thầy cô hoặc cha mẹ. Trong trạng thái bất an các em không thể tiếp thu được kiến thức trọn vẹn.
“Trong mỗi cá nhân học sinh sẽ có những thế mạnh và điểm yếu riêng, có trẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi học qua kênh nghe hoặc qua kênh nhìn, có em tăng động giảm chú ý, có em đang có những tổn thương về sức khỏe tinh thần. Chính vì thế giáo viên và cha mẹ cần có những trao đổi, hỗ trợ nhau để đánh giá đúng và sớm có cách thức can thiệp. Nếu không các em sẽ bị bỏ lại phía sau mà không thể theo được khi học trực tuyến”, thầy Nam lưu ý.
Ngoài ra còn có những khó khăn như thiến thốn cơ sở vật chất cho các trường học và gia đình. Không đủ điều kiện công nghệ và chi phí để chi trả cho các thiết bị đầu cuối phù hợp cho việc học trực tuyến cũng là trở ngại rất lớn trong quá trình triển khai. Việc học trực tuyến lâu dài cũng sẽ có những ảnh hưởng rõ ràng đến thị lực của con trẻ.
Vì vậy cha mẹ cần phải làm gì?
Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ, điều quan trọng nhất là tạo cho con trẻ một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều thú vị cần được khám phá. Cha mẹ cũng có thể ngồi xuống nói chuyện với con về ý nghĩa của việc đi học, chuẩn bị cho trẻ biết trước về những gì sẽ xảy ra khi học trực tuyến, xem đó là một cơ hội để có niềm vui và có nhiều bạn bè mới.
Để con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn thì cha mẹ cũng cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học.
“Đó có thể là một góc bàn nếu không gian gia đình không lớn nhưng phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để với lấy dễ dàng. Tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi... cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ.
Nếu không thể cách ly tiếng ồn trong nhà thì hãy mua cho trẻ một tai nghe trùm tai để đeo. Qua những hoạt động này, cha mẹ sẽ dần rèn được nề nếp học tập tự lập cho trẻ”, thầy Nam gợi ý.
Lớp học trực tuyến cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh. Vì vậy, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần xác định được vai trò mình là một giáo viên, huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công trong các nhiệm vụ học tập.
Cha mẹ cũng cần có thái độ cam kết đồng hành giúp trẻ sẵn sàng về thể chất, giúp con sẵn sàng về mặt nhận thức, về khả năng tập trung và sẵn sàng về mặt xã hội như tự tin tham gia hoạt động, tuân thủ quy tắc, tôn trọng quyền của người lớn. Cha mẹ phải có những biện pháp hỗ trợ cảm xúc của trẻ, giảm âu lo, xen kẽ các hoạt động học tập và thể chất… Như vậy giờ học trực tuyến mới đạt được hiệu quả cao.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhận định: “Học trực tuyến một cách chủ động, bài bản, có chất lượng là câu chuyện mà cả ngành giáo dục, các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cần thích ứng để duy trì việc học tập. Nhưng riêng với trẻ lớp 1, việc dạy học sẽ cần phải cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn cả để bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho các con. Để các con học vui, học khỏe, học ngoan, cần có sự chung tay và đồng hành của các bậc phụ huynh với các thầy cô giáo".