Truyền thông

Để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận gần hơn với thế hệ Z

T.Đ.H 15:49 16/09/2023

Việc phát triển ứng dụng báo điện tử trên thiết bị di động đang được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc báo của thế hệ Z, mở ra cánh cửa để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận gần hơn với “tệp” độc giả đặc biệt này.

Sự ra đời của điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin báo chí theo xu hướng ngắn gọn, cá nhân hóa và di động. Xu hướng di động hóa là một hành vi xã hội, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ truyền thông số và văn hóa tiêu dùng của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nó làm phong phú thêm môi trường truyền thông, khẳng định vị thế, quyền lực của công chúng báo chí hiện đại và tạo ra xu hướng phát triển mới của báo chí.

Việc xây dựng các ứng dụng báo điện tử trên các thiết bị di động đã được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông tiến hành. Đây là một trong những hình thức phát triển báo chí đa nền tảng trong kỷ nguyên số, với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận với công chúng. Giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, người dùng có thể thỏa mãn mọi dịch vụ mà một tờ báo cung cấp cho độc giả. Thậm chí, những ứng dụng này còn mang đến nhiều tính năng mới giúp cho trải nghiệm người dùng được tốt hơn.

Tuy nhiên, báo chí hiện đại đang phải giải quyết bài toán thu hút một thế hệ độc giả mới với các đặc điểm tâm lý, môi trường phát triển khác biệt rất lớn với các thế hệ đi trước - Thế hệ Z (Gen Z). Trong bối cảnh đó, việc phát triển ứng dụng báo điện tử trên thiết bị di động đang được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc báo của thế hệ Z, mở ra cánh cửa để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận gần hơn với “tệp” độc giả đặc biệt này.

_2287634671_cd-822_16330938.jpg
Các cơ quan báo chí phải thay đổi để tiếp cận thế hệ Gen Z. (Ảnh: Internet)

Về “Thế hệ Z” (Gen Z)

Các cơ quan báo chí hiện nay đang nỗ lực nhắm đến đối tượng độc giả đầy tiềm năng là thế hệ Z (Gen Z) - thuật ngữ chỉ những người trẻ sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2006 (một số tài liệu cho rằng từ năm 1997 đến 2012).

Thế hệ Z là một thế hệ đông đảo, đa dạng và khác biệt nhất từ trước đến nay. Được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ: Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên của thế giới chưa từng biết đến thời kỳ không có Internet. Với lợi thế nổi trội này, các bạn trẻ Thế hệ Z thông thạo và dễ dàng bắt kịp những xu hướng mới nhất của công nghệ ngay cả khi không có trình độ kỹ thuật số quá cao. Điều này khác với các thế hệ trước đó, khi những người am hiểu kỹ thuật số thường có trình độ chuyên môn cao.

Dựa theo số liệu được Appota công bố trong bài khảo sát, cho thấy 39% các bạn trẻ Gen Z yêu thích sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động thay cho phiên bản web trực tuyến. Đây là thế hệ được lớn lên trong thời đại công nghệ và Internet được phát triển mạnh mẽ, một trong những thiết bị công nghệ luôn được ưu tiên với Gen Z là điện thoại thông minh.

Khác với các thế hệ trước hưởng ứng truyền thông một chiều như đọc báo, truyền hình thì thế hệ Z dành sự thích thú cho các nội dung 2 chiều mang tính tương tác để có thể tự do chia sẻ, cảm xúc, bình luận. Các nội dung kỹ thuật số như livestream, các hoạt động nhiều người tham gia luôn được yêu thích.

Được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu từ sớm nên có khả năng tìm kiếm thông tin tốt, đặc biệt là với việc học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Gen Z cũng được tiếp thu từ môi trường để phân loại và kết hợp những kiến thức với tư duy sáng tạo để tạo ra nội dung tốt, độc đáo.

Tuy nhiên, xuất phát từ sự quá tải thông tin do nền tảng công nghệ, mạng xã hội mang lại, Gen Z cũng hình thành những đặc điểm rất “khó chiều” như khả năng tập trung chỉ 8 giây, yêu thích sự đơn giản và hiếm có khả năng trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những người làm truyền thông khi cần xác định, nắm bắt rõ những điều mà công chúng thế hệ Z cần và muốn để tạo ra lợi thế cho phía doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, thế hệ Gen Z đang chiếm hơn ⅙ dân số với khoảng 14,4 triệu người. PwC cho biết, “Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, số lượng thế hệ Z trong độ tuổi lao động (15-24 tuổi) là khoảng 13 triệu người vào năm 2019, chiếm khoảng 19% số người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần ⅓ dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam”.

Một số giải pháp thu hút và gia tăng tương tác của công chúng thế hệ Z (Gen Z) với ứng dụng báo điện tử trên thiết bị di động

Thứ nhất, giải pháp truyền thông

Các cơ quan báo chí, truyền thông phát triển ứng dụng trên thiết bị di động đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và quảng bá ứng dụng của mình hướng đến đối tượng là công chúng trẻ tuổi thông qua các chiến dịch truyền thông bài bản, có sức hút mạnh mẽ và đánh trúng tâm lý của những độc giả trẻ tuổi.

Những hoạt động truyền thông sẽ giúp các ứng dụng có thể thông tin về lợi thế sản phẩm, qua đó thuyết phục độc giả tải ứng dụng xuống thiết bị. Các chiến dịch truyền thông cần có sự sáng tạo, giúp người dùng cảm thấy thú vị, giúp cho công chúng mục tiêu cảm thấy thân thuộc và có thêm tình yêu đối với thương hiệu, từ đó chuyển hóa thành hành động “tải app”.

Về cách thức tiến hành, truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện là một trong những xu hướng không thể bỏ qua, giúp cho các nhà phát triển có thể tiếp cận được nhiều công chúng mục tiêu hơn. Đặc biệt đối với thế hệ Z luôn tò mò với điều mới mẻ, yêu thích trải nghiệm thì việc kết hợp đa dạng các hình thức càng quan trọng. Đặc biệt, cần chú ý tận dụng các công cụ truyền thống số, nhất là mạng xã hội để quảng bá cho thương hiệu và ứng dụng của mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp phát triển ứng dụng tin tức cũng cần chú trọng truyền thông hai chiều để cung cấp các dịch vụ chăm sóc phù hợp, bởi công chúng thế hệ Z có yêu cầu tương đối cao về việc được “lắng nghe” và “chăm sóc”.

Thứ hai, giải pháp về nội dung và hình thức báo chí

Cần đa dạng hóa nội dung phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Hiện nay, các ứng dụng báo điện tử của cơ quan báo chí xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ hoạt động với mục tiêu truyền tải tin tức giống như hình thức báo mạng điện tử thì khó có thể thuyết phục độc giả sử dụng ứng dụng. Nhất là công chúng trẻ đang có nhiều cách thức thú vị hơn để nắm bắt tin tức, mà tiêu biểu nhất là thông qua mạng xã hội. Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội đang ngày càng trở thành vấn đề hóc búa đặt ra đối với các cơ quan thông tấn báo chí, dù chúng ta vẫn nắm giữ lợi thế là “đầu tàu” tin tức đáng tin cậy.

Chính vì vậy, việc đa dạng hóa nội dung trên các tờ báo là vô cùng quan trọng, là sự thay đổi về chất để không chỉ thu hút độc giả trẻ tải và sử dụng ứng dụng, mà còn để “giữ chân” khách hàng trong thời gian dài.

Đối với các bài tin tức, đảm bảo thông tin tức thời, ngắn gọn, cô đọng, khái quát cao tính chất của sự việc. Song song với đó, cũng cần gia tăng về chiều sâu nội dung trong các bài viết để nâng cao chất lượng, kết hợp sản xuất nội dung “viral”, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.

Đồng thời, cần thay đổi hình thức thông tin. Thay vì các bài viết truyền thống, giờ đây các hình thức mới như magazine, video ngày càng được ưa chuộng và tỏ ra hấp dẫn Gen Z hơn.

Thứ ba, giải pháp về ứng dụng

Gia tăng trải nghiệm người dùng thông qua tích hợp thêm các tính năng cho ứng dụng báo điện tử; tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng; thường xuyên thay đổi “bộ mặt” của ứng dụng báo điện tử; cá thể hóa trải nghiệm người dùng.

Các ứng dụng báo điện tử trên thiết bị di động đang cho thấy những hiệu quả nhất định trong việc tiếp cận công chúng nói chung và công chúng thế hệ Z nói riêng, thể hiện sự nhạy bén, năng động và tận dụng tốt lợi thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay trong các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu đọc báo và “giữ chân” được công chúng thế hệ Z sử dụng các ứng dụng này, đòi hỏi sự song hành và liên tục đổi mới của các cơ quan báo chí, của các nhà báo, các nhà sản xuất nội dung, nhà thiết kế ứng dụng, phù hợp với tinh thần “tin tức tìm đến công chúng”, “tin tức phục vụ công chúng”.

Bài liên quan
  • Đào tạo sinh viên báo chí đa nhiệm, làm chủ công nghệ, đáp ứng chuyển đổi số
    Nhà báo trong thời đại số luôn gắn hoạt động tác nghiệp với sự phát triển của ứng dụng công nghệ trong sản xuất, xuất bản sản phẩm báo chí. Với mục tiêu này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) đang đẩy mạnh đào tạo sinh viên báo chí toàn diện, đa nhiệm, làm chủ công nghệ, nắm bắt những cái mới đáp ứng công cuộc chuyển đổi số (CĐS) báo chí và CĐS quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận gần hơn với thế hệ Z
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO