Đào tạo sinh viên báo chí đa nhiệm, làm chủ công nghệ, đáp ứng chuyển đổi số
Nhà báo trong thời đại số luôn gắn hoạt động tác nghiệp với sự phát triển của ứng dụng công nghệ trong sản xuất, xuất bản sản phẩm báo chí. Với mục tiêu này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) đang đẩy mạnh đào tạo sinh viên báo chí toàn diện, đa nhiệm, làm chủ công nghệ, nắm bắt những cái mới đáp ứng công cuộc chuyển đổi số (CĐS) báo chí và CĐS quốc gia.
Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định 348/QĐ-TTg). Một trong những mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là 100% các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên. Nhân dịp năm học mới 2023 - 2024, phóng viên Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) về đào tạo sinh viên báo chí trong thời đại số và trong tiến trình CĐS quốc gia.
PV: Cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, nhiều loại hình báo chí cũng như cách thức làm báo đã có nhiều thay đổi, xin bà chia sẻ định hướng đào tạo về báo chí của Học viện nhân dịp năm học mới cũng như trong thời gian tới?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Thực tế hiện nay, số lượng người đón nhận tin tức trên nền tảng mạng xã hội (MXH), trang web và ứng dụng ngày càng tăng. Vì vậy, các tòa soạn phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, đồng thời, những người làm báo phải tìm cách tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Điều đó đòi hỏi các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số phải chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, không chỉ viết các bài báo, chỉnh sửa video, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi phân tích…, nhà báo còn phải chuẩn bị để viết về bất kỳ chủ đề nào, thể hiện đa dạng, sinh động và đăng tải tức thì.
Trước thực tế này, ngoài chương trình đào tạo bài bản truyền thống với kỹ năng báo chí cơ bản, đa diện, Học viện xác định đào tạo người làm báo trong kỷ nguyên số cần thêm nhiều kỹ năng mới. Đó là đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới. Nhà trường định hướng tập trung cải tiến nội dung chương trình đào tạo, cập nhật các môn học mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thực tiễn. Trong kỷ nguyên số hiện nay, nhà trường chú trọng đào tạo và hướng dẫn tự học về kỹ thuật, công nghệ, để làm chủ công nghệ và khai thác được các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT),… trong quản trị, sản xuất tin bài.
Ngoài ra, Học viện định hướng tiếp tục bám sát thực tiễn báo chí, vốn thay đổi từng ngày để có những điều chỉnh trong phương thức đào tạo, giảng dạy phù hợp.
PV: CĐS báo chí đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành, bà có thể cho biết công tác đào tạo CĐS báo chí được Học viện tổ chức và thực hiện như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Học viện luôn xác định đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo (đào tạo báo chí nói riêng và đào tạo giảng dạy các ngành khác) là nhiệm vụ quan trọng nhất trong mọi nhiệm vụ của nhà trường. Nhận thức và tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng này đã được thực hiện nhiều năm nay và đặc biệt chú trọng trong những năm gần đây khi chiến lược CĐS quốc gia, CĐS báo chí ra đời.
Nhà trường yêu cầu các khoa đào tạo báo chí xây dựng lộ trình đổi mới, cập nhật nội dung và phương thức giảng dạy theo hướng hiện đại từ ngay đầu mỗi năm học. Nhà trường tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng mời các chuyên gia về trao đổi, cung cấp kiến thức mới, đặc biệt là công nghệ mới như AI, big data, IoT… cho đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các Hội thảo khoa học cấp trường, quốc gia và quốc tế liên quan đến vấn đề báo chí truyền thông trong bối cảnh công nghệ số để cán bộ, giảng viên của nhà trường có thêm những ý kiến từ các nhà khoa học, từ đơn vị tuyển dụng để tham khảo trong xây dựng chương trình, thiết kế nội dung phù hợp.
Nhà trường yêu cầu 100% giảng viên nghiên cứu khoa học, tích cực xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo; xây dựng bài giảng điện tử…; tiếp tục tích cực đào tạo lý thuyết gắn thực hành, đầu tư phát triển, quản lý các câu lạc bộ nghề nghiệp báo chí… Đồng thời, nhà trường yêu cầu các giảng viên tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn, đi nghiên cứu thực tế, trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan báo chí, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước…
PV: Hệ thống các môn học về ngành và cơ sở ngành báo chí cần được thay đổi, cập nhật, thích ứng với môi trường thực tiễn hoạt động báo chí hiện đại. Vậy, hiện nay hệ thống các môn học ở Học viện là gì? Và có bổ sung thay đổi gì không, thưa bà?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Hệ thống các môn học tại Học viện đã được điều chỉnh và bổ sung để đáp ứng được những yêu cầu mới trong lĩnh vực báo chí. Trong chương trình đào tạo của Học viện các ngành đều xây dựng với khối kiến thức bao gồm: Khối kiến thức giáo dục đại cương (khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học Xã hội và Nhân văn); khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sơ ngành; kiến thức ngành; kiến thức bổ trợ; kiến thức chuyên ngành).
Tất cả các môn học được sắp xếp, phân kỳ một cách khoa học và hợp lý, môn trước là điều kiện tiên quyết, là tiền đề cho môn học sau và luôn cập nhật, bám sát xu hướng phát triển của báo chí - truyền thông trong bối cảnh CĐS.
PV: Các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang cập nhật những môn học gắn liền với các xu hướng báo chí mới như: Báo chí dữ liệu, truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội và MXH, báo chí trên di động, thiết kế đồ họa... Bà có thể chia sẻ về việc xây dựng kế hoạch và thực hiện cụ thể về vấn đề này của Học viện?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Học viện luôn không ngừng nghiên cứu, cập nhật các xu hướng báo chí mới nhất để giảng dạy cho sinh viên. Không phải tới nay mà từ cách đây nhiều năm, tất cả những môn học trên đã được đưa vào chương trình đào tạo. Ngay cả những hình thức báo chí và nội dung rất mới như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, ứng dụng AI trong hoạt động báo chí, thiết kế đồ hoạ, quản lý MXH, quản lý toà soạn hội tụ, truyền thông xã hội…
Học viện đã nghiên cứu và chính thức đưa vào giảng dạy các hệ, các cấp từ năm 2016. Các môn học này thường nằm trong khối kiến thức chuyên ngành, được giảng dạy cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4, hoặc học viên cao học, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí…
Không những thế, chúng tôi luôn có các công trình khoa học nghiên cứu bổ trợ đi kèm, đồng thời cho xuất bản các cuốn sách chuyên khảo như: Báo chí và truyền thông đa phương tiện; Truyền thông xã hội và MXH; Quản lý toà soạn hội tụ; Quản lý MXH…
Bên cạnh các xu hướng báo chí đã được được đề cập, Học viện cũng không ngừng nghiên cứu các xu hướng báo chí có thể phát triển trong tương lai và lồng ghép vào nội dung các môn học. Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho người học những kiến thức, kỹ năng cập nhật, hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc hiện nay.
PV: Để có được những bài giảng trực quan, giúp sinh viên sớm tiếp cận với công nghệ số, nhiều cơ sở đào tạo báo chí đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đầu tư và xây dựng phòng nghiệp vụ báo chí gồm: Trường quay, phòng thu âm hiện đại, hệ thống máy tính chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, thiết kế đồ họa, dựng phim... Cơ sở vật chất của Học viện hiện nay như thế nào, thưa bà?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Học viện trang bị cơ sở vật chất hiện đại, cập nhật, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu đào tạo. Tất cả các chuyên ngành báo chí do Học viện đào tạo đều có phòng thực hành nghiệp vụ chuyên sâu, như 2 studio truyền hình phục vụ chuyên ngành báo truyền hình, 1 studio phát thanh đáp ứng tất cả hoạt động thực hành của chuyên ngành báo phát thanh, 1 studio ảnh cho chuyên ngành báo ảnh, và các phòng nghiệp vụ báo mạng điện tử, báo in, phòng thực hành dựng phim, thiết kế đồ họa v.v…
Tất cả đều được trang bị tiện nghi như các cơ quan báo chí thu nhỏ, những cơ sở dịch vụ hiện có trên thị trường, để đảm bảo sinh viên được làm quen với những điều kiện gần với tác nghiệp thực tế nhất có thể. Đây cũng là một trong những lý do giúp sinh viên tốt nghiệp từ Học viện có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc ở các cơ quan, đơn vị báo chí - truyền thông.
PV: Học viện đã liên kết hệ thống các địa chỉ đỏ gồm các cơ quan báo chí, doanh nghiệp (DN), công ty truyền thông... như thế nào để giúp sinh viên đến thực tập, học tập, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, cọ sát với môi trường làm báo thực tế?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Bên cạnh việc trang bị hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động thực hành trong quá trình học tập tại trường, Học viện cũng chú trọng tổ chức các kênh kết nối đến các cơ quan báo chí, DN, công ty truyền thông, nhằm giúp sinh viên được trực tiếp học hỏi, thực tập nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn. Việc này được nhà trường triển khai bài bản, hệ thống khi đưa vào chương trình học các học phần thực tế, thực tập cố định hằng năm cho sinh viên.
Ngay từ năm thứ hai ĐH, sinh viên được tham gia các chương trình thực tế chính trị - xã hội để hiểu về đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương và thiết lập kết nối đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN tại đó, phục vụ cho công việc sau này. Đến năm thứ ba, sinh viên có cơ hội tham gia thực tập nghiệp vụ trong 1 tháng tại các cơ quan báo chí, DN, tổ chức… ở vị trí phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình.
Ví dụ, sinh viên truyền hình, sinh viên quay phim sẽ được thực tập tại các kênh, đài truyền hình với vị trí phù hợp như phóng viên, quay phim… Sinh viên báo mạng điện tử sẽ được thực tập tại các tờ báo điện tử, hoặc tại ban/phòng điện tử của cơ quan báo chí đa nền tảng v.v…
Và trong năm cuối, sinh viên tiếp tục tham gia thực tập tốt nghiệp trong khoảng thời gian dài hơn năm thứ ba (ít nhất là 3 tháng) tại các cơ quan này. Sinh viên được yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu về thực tế, thực tập là những sản phẩm báo chí cụ thể, và các báo cáo thu hoạch thể hiện mức độ thâm nhập thực tiễn của mỗi em. Các em có cơ hội thử sức mình với nhiều vị trí công việc, lĩnh vực nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên kết nối các cơ quan, đơn vị, DN thông qua các sự kiện đồng hành cùng sinh viên, các dự án truyền thông, hoặc phối hợp trao đổi chuyên môn qua hình thức mời các nhà báo, phóng viên, người làm nghề thực tế có nhiều thành tựu… để trò chuyện cùng sinh viên trong các học phần phù hợp. Đặc biệt, trong từng môn học, sinh viên đều được thực hành, tham gia hoạt động thực tiễn, trải nghiệm các quy trình sáng tạo tác phẩm, sản xuất sản phẩm báo chí.
Học viện cũng phối hợp với nhiều tổ chức, tham gia nhiều dự án để giảng viên, sinh viên có cơ hội tham gia tìm hiểu, thực hành nghiệp vụ về nhiều lĩnh vực như: Hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ba lần tổ chức thành công Giải Báo chí Lao động và Việc làm; tiến hành lồng ghép và sáng tạo tác phẩm có nội dung về lao động việc làm, xây dựng Cẩm nang Báo chí về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động và An toàn lao động; phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức các lớp tập huấn Kỹ năng viết báo về phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, xây dựng Bộ tài liệu tập huấn Báo chí điều tra về phòng chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; phối hợp với Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (VAN) truyền thông, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề tự kỉ…
Các khoa đào tạo báo chí của Học viện đều có các câu lạc bộ (CLB) nghiệp vụ hoạt động rất hiệu quả, như: CLB Sóng trẻ truyền hình (STV) hàng tuần sản xuất chương trình truyền hình và cộng tác với nhiều đơn vị để sản xuất sản phẩm truyền thông. CLB Sóng trẻ phát thanh nhiều năm nay hoạt động tốt, từ năm 2010 sản xuất một chương trình phát thanh “Sóng Trẻ” có thời lượng 30 phút, phát đều đặn trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HTV), nhằm tới đối tượng thính giả là sinh viên ở Hà Nội và các khu vực lân cận. Đây là chương trình phát thanh hiện đại nằm trong kế hoạch hợp tác sản xuất giữa Học viện với HTV.
CLB Sóng trẻ Web là nơi trao đổi nghiệp vụ và thực hành nghề báo của sinh viên chuyên ngành báo mạng điện tử và đa phương tiện, các sản phẩm của sinh viên được đăng tải trên trang web có địa chỉ www.songtre.com.vn. CLB Báo chí Trẻ ra đời từ năm 1991, xuất bản đều đặn ấn phẩm nội bộ Báo chí Trẻ - nơi đăng tải những sản phẩm, tác phẩm thực hành nghiệp vụ của sinh viên chuyên ngành báo in, báo ảnh.
CLB Báo chí điều tra IJC hướng vào các mục tiêu nâng cao kiến thức cơ bản cho sinh viên về báo chí nói chung, thể loại phóng sự điều tra và điều tra nói riêng; trang bị kiến thức chính trị xã hội cơ bản cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của một phóng viên điều tra trong tương lai; hiểu biết về luật pháp và đạo đức nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt hoạt động làm báo điều tra; rèn luyện cho các em các kỹ năng cơ bản và đặc thù trong quy trình viết báo điều tra phòng chống tham nhũng như: kỹ năng phân tích tài liệu và hồ sơ; kỹ năng giao tiếp, tiếp cận và làm việc với nguồn tin trong điều tra phòng chống tham nhũng; kỹ năng phỏng vấn; kỹ năng nhập vai; kỹ năng thu thập, thẩm định thông tin; kỹ năng viết thể loại điều tra…
Thông qua các CLB trên, các em sinh viên được cung cấp những thông tin về nghề báo, được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, được thực hành nghề nghiệp ngay từ năm thứ nhất…
Học viện cũng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên có những Giải báo chí truyền thông dành cho sinh viên báo chí - truyền thông, ví dụ như Giải báo chí Sóng trẻ, Giải báo chí - truyền thông Thắp sáng để đánh giá, trao giải cho những tác phẩm, dự án báo chí, sản phẩm truyền thông… xuất sắc của sinh viên, qua đó khuyến khích niềm đam mê, yêu thích, gắn bó thực hành, thực tiễn của sinh viên báo chí - truyền thông.
PV: Thưa bà, để một sinh viên tốt nghiệp ra trường trở thành một nhà báo hiện đại thì cần phải đáp ứng được yêu cầu và những kỹ năng số như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang: Nhà báo trong thời đại số luôn gắn hoạt động tác nghiệp với sự phát triển của ứng dụng công nghệ trong sản xuất, xuất bản sản phẩm báo chí. Do đó, khả năng sử dụng CNTT, nghiên cứu trực tuyến, xử lý dữ liệu, trực quan hóa thông tin, làm việc với phương tiện truyền thông số, hiểu biết về quyền riêng tư và an ninh mạng, và kỹ năng phân tích dữ liệu... là những yêu cầu cần trang bị, cập nhật để đáp ứng những đổi thay nhanh chóng của báo chí kỷ nguyên số.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường ngoài đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo bao gồm kỹ năng nắm bắt thông tin, viết và biên tập, giao tiếp, làm việc đa phương tiện, phân tích và suy luận, sự nhạy bén và ý thức đạo đức, kiên nhẫn và khả năng làm việc dưới áp lực... thì việc cập nhật công nghệ mới trong sáng tạo và xuất bản báo chí phải được lưu tâm. Và những nội dung, yêu cầu này, các em sẽ được rèn luyện, tích lũy trong chương trình đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền./.
Xin trân trọng cảm ơn bà!