Truyền thông

Để báo chí phát triển vì một Việt Nam hùng cường

TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Thị Quỳnh Hương 02/09/2023 08:08

Một nền kinh tế phát triển là điều kiện và luôn có đội ngũ báo chí quốc gia phát triển. Đồng thời, nền báo chí quốc gia cũng cần được định hướng phát triển vì nhu cầu người dân và khát vọng hùng cường của quốc gia đó

Tóm tắt:

- Báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, toàn diện cả về lượng và chất.

- Định hướng và giải pháp phát triển báo chí vì Việt Nam hùng cường:

+ Xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển lành mạnh nền báo chí quốc gia.

+ Có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ phóng viên, cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.

+ Xây dựng những chuẩn mực chung cho đội ngũ nhà báo.

+ Các cơ quan báo chí cần đổi mới và khai thác các cơ hội đa dạng hóa nguồn thu trong kinh tế báo chí.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao và sánh vai cường quốc năm châu vào giữa thế kỷ XXI.

Báo chí Việt Nam cần tiếp tục phát triển và lĩnh hội sứ mệnh mới, khơi dậy khát vọng hùng cường và biến khát vọng này thành sức mạnh tinh thần trong thực tiễn phát triển đất nước Việt Nam...

Vai trò báo chí trong đời sống quốc gia và một số vấn đề đặt ra

Tính đến 29/12/2022, đội ngũ báo chí Việt Nam có 869 cơ quan báo, tạp chí, truyền hình (gồm 127 báo, 670 tạp chí và 72 đài phát thanh, truyền hình); tổng cộng khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình (PTTH) xấp xỉ 16.500 người, đang sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Về tổng thể, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, toàn diện cả về lượng và chất: Đa dạng hóa loại hình và sản phẩm báo chí; ngày càng nâng cao chất lượng nội dung hiện đại hóa hình thức, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật báo chí, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; mở rộng phạm vi phát hành, phủ sóng…

888.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Đặc biệt, vai trò, đóng góp và sự đồng hành của báo chí đối với công cuộc Đổi mới, phát triển đất nước và thỏa mãn nhu cầu thông tin cho người dân cũng ngày càng cải thiện.

Hiện nay, ở nước ta, báo chí không chỉ là vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, định hướng nhận thức và hướng dẫn hành động, là công cụ tham gia quản lý và giám sát xã hội cho cán bộ, đảng viên và công chúng thông qua tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, mà còn góp phần quan trọng giới thiệu kết nối đất nước, văn hóa con người Việt Nam với bạn bè thế giới góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo chí còn ngày càng tham gia tích cực vào phản ánh và định hướng cung - cầu thị trường; thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; giới thiệu và nhân rộng những mô hình kinh tế, điển hình tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh; nâng cao dân trí và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân…; tác động vào tư tưởng, tình cảm, tạo ra những nhận thức mới, những định hướng giá trị và thái độ sống tích cực, có trách nhiệm và những quyết sách quan trọng cho cuộc sống; trở thành cầu nối và một yếu tố trong việc quản lý các quá trình kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Hoạt động báo chí ảnh hưởng mạnh mẽ đến tạo lập các giá trị xã hội lành mạnh và việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đang và sẽ tiếp tục đối diện với nhiều vấn đề về kinh tế báo chí khi phải tự chủ, bươn chải trên thị trường, trong khi chính sách tài chính đối với báo chí còn nhiều bất cập; Sức ép sinh kế và hạn chế về năng lực nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp khiến phát sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động báo chí, như sử dụng thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chính xác, chạy theo mạng xã hội, hiện tượng “nhà báo hai mặt” và hiện tượng nhũng nhiễu, bảo kê, tham nhũng trong hoạt động báo chí, trực tiếp hay gián tiếp làm nhiễu loạn thông tin, dung dưỡng cái xấu, khiến nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội rơi vào “im lặng đáng sợ”…;

Không ít cơ quan báo chí nói chung giao phóng viên buộc phải “làm kinh tế” khi làm báo; khoán view để chấm nhuận bút, khoán bài PR, khoán “hợp đồng truyền thông”; tạo “doanh thu” đến từ việc “đăng và gỡ” bài; Từ đó làm tăng tình trạng sách nhiễu, “đánh hội đồng”, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự cá nhân (thường là lãnh đạo), doanh nghiệp, địa phương, Bộ ngành; nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong làng báo; nạn “làm báo” qua trang tin điện tử, mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới; nạn “Báo hóa” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích; nạn “câu view, khoán view” trên báo điện tử...

Tất cả đã hội tụ tác động tiêu cực làm suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông.

Trong số các nguyên nhân của hiện tượng đó, phải kể đến nguyên nhân về kẽ hở luật pháp và quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trong thời kỳ bước chuyển giữa cơ chế “Cũ và Mới”; những bất cập, sự tùy tiện và lạm dụng quy định, quy trình xuất bản nội bộ cơ quan báo chí; chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là sai lệch nhận thức chính trị, méo mó đạo đức nghề nghiệp và yếu kém trong bản lĩnh đối diện với các vấn đề cơm áo gạo tiền của cá nhân và đơn vị, nhất là của người đứng đầu…

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước - truyền thông vẫn tập trung chủ yếu vào quản lý nội dung thông tin, nhiệm vụ chính trị, nặng về “định tính” hơn “định lượng”; nặng về mục tiêu “Quản lý”, nhẹ về định hướng phát triển...; trong khi ít chú ý tới kinh tế báo chí, nguồn lực công thì hạn chế và chưa nhìn nhận toàn diện báo chí truyền thống trong mối quan hệ tổng quan với Hệ sinh thái truyền thông xã hội trong bối cảnh mới...

Định hướng và giải pháp phát triển báo chí vì Việt Nam hùng cường

Để báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa cái tốt, phê bình cái xấu, củng cố tinh thần đoàn kết, đồng thuận và tạo niềm tin xã hội vào chế độ, sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, tạo diễn đàn và không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách phát triển đất nước hùng cường... cần coi trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển lành mạnh nền báo chí quốc gia

Trên thực tế, môi trường pháp luật cho hoạt động và phát triển của báo chí ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Là thành viên của 7/9 Công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển nền báo chí Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, phát huy cao nhất vai trò và sứ mệnh báo chí với tư cách đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng cao đẹp vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Luật Báo chí năm 2016, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền nói lên tiếng nói của mình thông qua các ấn phẩm, tạp chí, website, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà mình tham gia.

Ngoài báo phổ thông, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều có chuyên kênh phát thanh, truyền hình hoặc xuất bản ấn phẩm dành riêng cho cộng đồng bà con dân tộc bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số, như Mông, Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Xơđăng, Cơ-ho...

Ngoài ra, theo Quyết định số 45/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm Nhà nước còn cấp miễn phí 19 tờ báo, tạp chí và các loại ấn phẩm chuyên đề, với tổng số lượng hơn 34 triệu bản dành riêng cho hơn 424.529 đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện Luật Báo chí và các chính sách liên quan, tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển lành mạnh và đúng hướng trong bối cảnh số hóa và bùng nổ Cách mạng Công nghiệp 4.0; tăng cường quản lý, giám sát, vừa khuyến khích tự chủ và vừa quan tâm đặt hàng, kết hợp cả bàn tay thị trường và bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo và hỗ trợ công nghệ báo chí, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện hình thành một số cơ quan báo chí đa phương tiện có quy mô lớn, làm đầu tầu cho báo chí Việt Nam, bảo đảm cho nền báo chí đi đúng hướng, phục vụ lợi ích của Nhân dân, đất nước. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách công tác truyền thông và phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Các Bộ, ngành cần chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí; thường xuyên theo dõi những phản ánh từ báo chí, tăng trách nhiệm giải trình và giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất; tạo điều kiện và tăng cường bảo vệ các cơ quan tòa soạn và nhà báo trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng. Sự lạm dụng hình sự hóa và ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của một số cơ quan chức năng không chỉ vi phạm luật báo chí, mà còn hạn chế năng lực và nhiệt tình của các cơ quan báo chí.

Đồng thời, cần có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ phóng viên, cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cho nhóm các nhà báo - chuyên gia để khai thác nhiều và hiệu quả hơn năng lực của họ trong hoạt động báo chí ở các lĩnh vực khác nhau...

Thứ hai, coi trọng năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội và đạo đức người làm báo

Với mục tiêu khơi dậy khát vọng hùng cường và hiện thực hóa ở Việt Nam mà Đảng đã đề ra, báo chí cần phải thể hiện vai trò to lớn và trách nhiệm xã hội trong việc đưa thông tin nhằm lan tỏa những thông điệp tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, khơi dậy những khát vọng, phát huy những giá trị truyền thống văn hiến nghìn năm, đề cao tinh thần tự trọng, tự tôn dân tộc, thúc đẩy năng lực và hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, hội tụ và lan toả sức mạnh cộng hưởng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và hơn trăm triệu dân trong nước và ở nước ngoài để xây dựng đất nước.

Báo chí cần tiếp tục đồng thuận cao, là lực lượng hậu thuẫn đắc lực, công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kênh thông tin quan trọng chính thống của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trong thúc đẩy cải cách chính sách kinh tế, tạo môi trường thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và người dân; bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, đồng hành cùng Chính phủ, tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời và trung thực dòng chảy chính của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của đất nước, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền các cấp, định hướng dư luận, góp phần quảng bá các thành tựu, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo ra diễn đàn cởi mở cho nhân dân, phát huy tinh thần dân tộc, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; định hướng, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ nền tảng tinh thần chế độ, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của quốc gia, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc vượt qua thách thức đưa đất nước ta tới bến bờ thịnh vượng, phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Phẩm chất cao quý của nhà báo cách mạng là lòng yêu Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đem cả tâm trí để cống hiến, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách chấp nhận rủi ro, dám hy sinh vì nghĩa lớn, kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước. Các nhà báo cần chủ động nâng cao bản lĩnh và năng lực chuyên môn, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” sáng tạo những tác phẩm báo chí mang sức mạnh của sự thật, sức mạnh của lòng dân để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Các cơ quan và từng người làm báo phải thật sự tiếp nhận được tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động mạnh mẽ và kiên quyết tháo gỡ những cản trở sự phát triển, xây dựng thể chế ngày càng khoa học hơn, điều hành đất nước ngày càng phát triển hơn. Tinh thần đó đã lan tỏa trong đời sống xã hội và báo giới phải cảm nhận được điều này để thể hiện qua các tác phẩm báo chí, lan tỏa mạnh mẽ, thăng hoa hơn ra xã hội.

Để thực hiện được sứ mệnh đó, cần xây dựng những chuẩn mực chung cho đội ngũ nhà báo để trở thành những người có tâm, có tầm, có kiến thức tiếp thu thành tựu khoa học mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những tiêu cực xã hội và thử thách của đời sống; đề cao ý thức “làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội trong lành hơn”, tuyệt đối không lợi dụng nghề nghiệp để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích, gây dư luận và hậu quả xấu trong xã hội. Đồng thời, cần có các chế tài đủ mạnh để sớm nhận diện và kiên quyết xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần lưu ý chủ động đổi mới và khai thác các cơ hội đa dạng hóa nguồn thu trong kinh tế báo chí, không chỉ từ quảng cáo, mà ngày càng mở rộng sang thu phí từ người dùng đọc báo điện tử; tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ truyền thông, dịch vụ công nghệ, hoặc chia sẻ dữ liệu.

Thực tiễn đã, đang và sẽ còn tiếp tục cho thấy, để đồng hành và phát triển vì đất nước hùng cường, báo chí phải nỗ lực nhiều hơn nữa, vượt qua chính mình và các thách thức trong kỷ nguyên số, vừa truyền tải thông tin vừa phải mang tính dẫn dắt, định hướng dư luận và thúc đẩy sự phát triển đúng hướng cho cộng đồng. Chính nhiệt huyết của mỗi nhà báo, mỗi tờ báo có khả năng từ tia lửa nhỏ sẽ tạo ngọn lửa lớn hơn trong xã hội, trong công chúng...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để báo chí phát triển vì một Việt Nam hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO