Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn thì nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời là cần thiết.
Nền kinh tế đối mặt với những khó khăn thách thức
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, nhiều rủi ro... Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức từ nội tại của nền kinh tế.
Vấn đề thể chế, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là bài toán nan giải đối với nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu lao động có kỹ năng. Theo báo cáo của VCCI, trong năm 2024, chỉ khoảng 27% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất. Khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh qua số doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất cao, có thời điểm cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập.
Doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ do tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm. Khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức rất cao. Đối với nền kinh tế, số doanh nghiệp gần như không thay đổi nhưng năng lực sản xuất kinh doanh bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn thì nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời. Chính phủ kiến tạo lực đẩy, phát huy tối đa động lực đầu tư công. Với chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, vấn đề giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch đã có bước chuyển biến đáng khích lệ, đáp ứng về thời gian của các nhà thầu. Mặc dù vẫn có tình trang thiếu hụt nguyên vật liệu đe doạ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng Chính phủ và các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp xử lý cho từng dự án ở từng vùng.
Cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024 hoặc đến khi hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã góp phần đáng kể vào việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát huy vai trò kích hoạt, tạo không gian phát triển mới, dẫn dắt các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển. Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện; Đặc biệt đã nới lỏng quy định và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.
Những tín hiệu lạc quan
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, đã ký và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác, phủ khắp các châu lục, đưa mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường của Việt Nam ngang hàng với Singapore. Kinh tế nước ta ngày càng khẳng định và củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Trong bối cảnh triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 bấp bênh, đối mặt với khó khăn, các doanh nghiệp đã nhanh nhạy trong nắm bắt tín hiệu thị trường, chủ động tìm kiếm đơn hàng, giữ được thị trường truyền thống, mở thêm thị trường mới. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế năm 2024. Kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu là sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã minh chứng mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là cơ sở thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Nhiều giải pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như hiện nay giải ngân vốn đầu tư công, như phân bổ vốn, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, biến động giá và khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu... đang từng bước được tháo gỡ, khắc phục triệt để.
Hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI, dễ bị tổn thương do những bất ổn kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phục hồi nhẹ nhưng chưa vững chắc. Nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương dần phục hồi, tìm kiếm được đơn hàng nhưng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Cùng với đó, chính sách tiền lương, bảo hiểm và các hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động.
Bên cạnh đó, một số chính sách, giải pháp đúng nhưng thực hiện quá mức cần thiết đã gây bất ổn cho nền kinh tế. Đơn cử như chính sách giảm lãi suất huy động và cho vay là cần thiết, nhưng mức độ giảm quá mức đã không mang lại hiệu quả như mong muốn vì khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp đến từ sự suy yếu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trầm lắng, việc hạ lãi suất huy động xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua là một trong những nguyên nhân đẩy người dân mua vàng tích trữ góp phần gây biến động giá vàng. Ngân hàng Nhà nước cần tính toán liều lượng, kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hoà với nhu cầu, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị VND, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế.