Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển

Hoàng Linh| 17/12/2021 13:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Internet đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người, nhất là khi đại dịch bùng phát, mọi hoạt động, tương tác đều phụ thuộc vào môi trường Internet.

Việt Nam có giá cước Internet rẻ nhất thế giới

Tại Hội thảo "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa" diễn ra ngày 15/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã chia sẻ chất lượng mạng Internet Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet đã tăng hơn 40%, cụ thể tổng lưu lượng Internet băng rộng tháng 1/2020 của Việt Nam là hơn 4.955 Petabye nhưng đến tháng 10/2021 tổng lượng này là 6.977 Petabye. Có những thời điểm giãn cách xã hội ở nhiều địa phương như tháng 8/2021, tổng lưu lượng Internet băng rộng đã đạt 7.824 Petabye.

Cụ thể, tăng trưởng lưu lượng Intrenet băng rộng di động từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021 là 95%. Tăng trưởng lưu lượng Intrenet băng rộng cố định từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021 36,68%.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có hơn 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định, với 95,34 % là thuê bao băng rộng cố định qua hình thức cáp quang FTTH. 17% thuê bao băng rộng cố định sử dụng gói cước băng thông trên 100 Mbps; 35,21% sử dụng gói cước băng thông từ 50 - 100 Mbps; 47,14% sử dụng gói cước băng thông từ 30-50 Mbps, còn lại 0,47% sử dụng gói cước dưới 30 Mpbs.

Về giá cước, ông Nhã cho biết, theo đánh giá của cable.co.uk, Việt Nam là một trong các thị trường có giá cước Internet băng rộng cố định rẻ nhất thế giới. Số liệu thống kê năm 2020, Việt Nam đứng thứ 12/211. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), đơn giá Internet cố định/bình quân thu thập đầu người của Việt Nam ở mức thấp, bằng 41% so với mức trung bình thế giới; 71% so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển - Ảnh 1.

Tính theo giá trị trung bình, tốc độ tải lên/xuống (download/upload) của Việt Nam đạt 84,12/74,42 Mbps; xếp hạng 58/181 quốc gia, ở mức độ khá. Trong khi đó, tốc độ tải lên/xuống của thế giới là 116,86/64,73 Mbps. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam kém Singapore khi nước này đạt hạng 3/181, Thái Lan là 8/181, Malaysia 46/181 và Việt Nam tốt hơn Indonesia, Phillipines, Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar.

Tính theo trung vị, Việt Nam đạt 64,67/61,52 Mbps, xếp hạng 43/181, mức độ khá tốt, thế giới là 56,09/23,56 Mbps. Trong khu vực ASEAN Việt Nam kém Singapore hạng 1/181, Thái Lan là 2/181, Malaysia 40/181 và tốt hơn các nước còn lại. Mức độ tăng trưởng tốc độ Internet băng rộng cố định trung vị trong 12 tháng qua đạt 50%, tăng từ 42,07 lên 64,67 Mbps.

Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển - Ảnh 2.

Tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động, với 89,81 % là hình thức trả trước và 10,19% là hình thức trả sau

Về Internet băng rộng di động, ông Nhã cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia có giá cước truy nhập Internet rẻ hàng đầu thế giới. Cũng theo thống kê của Cable.co.uk tại 155 quốc gia về giá cước truy nhập Internet di động trung bình cho 01 GB dữ liệu, Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất, xếp thứ 10 với 0,57 USD (khoảng 13.300 đồng). Theo thống kê của ITU, đơn giá Internet di động/bình quân thu thập đầu người của Việt Nam ở mức rất thấp, bằng 1/3 so với trung bình thế giới.

Giải pháp "nội" để bảo đảm kết nối Internet ổn định

Để đảm bảo chất lượng Internet trong nước ổn định, theo các chuyên gia, Việt Nam đã và đang phải thực hiện nhiều biện pháp với tinh thần "nội lực".

Để nâng cao chất lượng Internet băng rộng, ông Nhã cho biết có 4 nội dung cần tập trung, đó là: tiếp tục nâng cấp băng thông; nâng cấp năng lực thiết bị modem; mở rộng băng thông quốc tế, trong nước và sửa đổi quy chuẩn.

Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã: chúng ta sử dụng các phần mềm đào tạo, họp trực tuyến "Make in Viet Nam" thì không lo bị mất kết nối do dung lượng truyền dẫn trong nước đảm bảo

Theo đó, ông Nhã cho biết các doanh nghiệp (DN) viễn thông tiếp tục nâng băng thông cho các gói cước hiện hành, bổ sung gói cước tốc độ cao với mục tiêu năm 2022, gói cước 100 Mbps là đại trà ( > 70%); gói cước 200 - 500 Mbps chiếm 15 - 20%. DN Viễn thông cũng nghiên cứu, có chương trình thay thế các modem/router/access-point WiFi hiện đang dùng băng tần đơn 2,4 GHz tại nhà khách hàng sang thiết bị có băng tần kép Dual-band 2,4/5 GHz. Đồng thời mở rộng băng thông kết nối trong nước; tăng tuyến cáp quốc tế (hạn chế rủi ro đứt cáp), tiếp tục nâng băng thông kết nối quốc tế.

Cũng theo trao đổi của ông Nhã, một năm chúng ta cũng chứng kiến vài lần Internet bị ảnh hưởng do sự cố cáp quang biển. "Sự cố cáp quang biển chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng Internet. Để cải thiện chất lượng người dùng Internet trong nước, dung lượng của các nhà mạng kết nối Internet phải dư giả để khi một tuyến cáp quang biển đứt thì có dung lượng dự phòng ở tuyến khác để thay thế".

Để đảm bảo kết nối Internet thông qua cáp quang biển, ông Nhã cho biết các DN trong nước phải phải đầu tư lớn để tham gia một liên minh (consortium) về cáp quang biển. Do vậy, khi sử dụng gần hết dung lượng ký kết với liên minh, các DN phải có phương án dự phòng để khi tuyến cáp quang biển bị đứt phải chuyển sang tuyến truyền dẫn đất liền hoặc sang các tuyến truyền dẫn khác.

Ngoài ra còn có những giải pháp khác để đảm bảo kết nối Internet không phụ thuộc vào tuyến cáp quang biển là tăng "tiêu dùng" dữ liệu (data) trong nước và xây dựng các trung tâm dữ liệu để lưu giữ các dữ liệu trong nước phục vụ sự phát triển của đất nước.

Ông Nhã lấy ví dụ như đợt dịch vừa rồi chúng ta sử dụng các phần mềm đào tạo, họp trực tuyến "Make in Viet Nam" thì không phải lo đường truyền dẫn, kết nối quốc tế có bị tạm ngừng do dung lượng truyền dẫn trong nước đảm bảo. "Đây là một hướng tiếp cận dễ dàng hơn và phù hợp với điều kiện của DN Việt Nam. Chúng ta tạo ra các ứng dụng, phần mềm trong nước và tiêu dùng dữ liệu do chúng ta tạo ra trong nước".

Chia sẻ thêm quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT cho biết chúng ta sẽ thiệt thòi, mất mát lớn nếu để dữ liệu ở nước ngoài quá nhiều. "Có thể nói là chúng ta thiệt đơn, thiệt kép và thiệt ngay tại chỗ bởi nếu có sự cố đứt cáp quang biển thì sẽ ảnh hưởng ngay đến cuộc sống của chúng ta nếu nhiều người chúng ta dùng các nền tảng nước ngoài. Thay vì dùng nền tảng nước ngoài, chúng ta có thể dùng sản phẩm nội khá là đáp ứng".

Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển - Ảnh 4.

Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng: chúng ta thiệt đơn, thiệt kép nếu để dữ liệu ở nước ngoài

"Google cũng phải mất 5 - 10 năm xây dựng các sản phẩm, dịch vụ cũng ở mức cơ bản chấp nhận được, vậy tại sao chúng ta không chấp nhận dịch vụ cơ bản của Việt Nam", ông Thắng cho biết thêm.

Theo ông Thắng, vấn đề là nhận thức, niềm tin, niềm tự hào và cả ý thức của người dùng Việt Nam với sản phẩm Việt. Tinh thần là chúng ta vẫn là phải phát triển mạng Internet trong nước và việc đầu tiên là phát triển hạ tầng. Nếu không có hạ tầng thì không thể trung chuyển dữ liệu tốt được và phát triển hạ tầng mạng trong nước với giải pháp Make in Viet Nam. Bên cạnh đó là phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Để chủ động đảm bảo an toàn, chất lượng Internet Việt Nam, ông Thắng cũng cho biết VNNIC đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo hạ tầng Internet trong nước. VNNIC là đơn vị quản lý vận hành đảm bảo vận hành hai hạ tầng được gọi là "trái tim" Internet Việt Nam là đảm bảo hệ thống tên miền (DNS), Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX - Vietnam International Internet eXchange). VNNIC cũng đã làm một loạt các biện pháp để thúc đẩy Internet Việt Nam như tháo gỡ chính sách, triển khai các công nghệ, sản phẩm và chuẩn bị nhân lực với tinh thần cộng đồng.

Đến tháng 10/2021, VNNIC đã đưa 3 trạm DNS root ở nước ngoài về Việt Nam, theo đó tốc độ truy nhập tăng lên, góp phần trải nghiệm người dùng tăng lên, giảm bớt phụ thuộc vào Internet quốc tế. VNNIC cũng đẩy mạnh đổi mới căn bản VNIX theo tư duy mới là hệ thống thông suốt và tạo điều kiện truy cập nhanh, chất lượng tốt nhất cho người dùng.

Theo ông Thắng, trạm trung chuyển Internet (Internet eXchange) là xu hướng cả thế giới theo và số trạm Internet Exchange trên thế giới hàng năm tăng nhanh như Mỹ, Brazil, châu Âu có hàng trăm trạm trung chuyển. Các nước Châu Á ít hơn, trung bình mỗi nước có 1-2 trạm trung chuyển, các nước Đông Bắc Á nhiều hơn. Trạm trung chuyển Internet là giải pháp "căn cơ" đáp ứng các nhà cung cấp nội dung (CDN), DN, cơ quan, tổ chức và VNNIC nỗ lực thực hiện đảm bảo một kết nối đa hướng, đa dịch vụ mà các tổ chức trong nước đấu nối vào đều có lợi.

VNNIC cũng đã phát triển hệ thống đo lường tốc độ Internet với ứng dụng "Make in Viet Nam" i-Speed và công bố dữ liệu đo lường, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Thắng cho biết trước đây chúng ta thường dùng công cụ đo lường của nước ngoài và dữ liệu của nước ngoài hết, theo đó, cần dữ liệu thì lại phải mua lại dữ liệu khá tốn kém. Với i-Speed, người Việt Nam có thể đo và cảm nhận tốc độ Internet của Việt Nam. Các dữ liệu được thu thập từ i-Speed sẽ được phân tích, chia sẻ lại cho DN, người dân… thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam.

Với các dữ liệu Internet của Việt Nam, ông Thắng cho biết nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam cũng đã có ý thức nâng cao chất lượng dịch vụ và khách hàng được kiểm chứng chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam mà mình đang sử dụng. "Tất cả các bên cùng chung tay để thay đổi nhận thức và cùng hành động phát triển Internet Việt Nam để bứt phá", ông Thắng chia sẻ.

Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển - Ảnh 5.

Tổng Giám đốc Công ty NetNam: phát triển dữ liệu tại Việt Nam thì chất lượng dịch vụ cao hơn

Cũng đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Tổng Giám đốc Công ty NetNam cho biết việc phát triển dữ liệu tại Việt Nam thì chất lượng dịch vụ cao hơn. Đây là bài toán mà các bên từ cơ quan quản lý, công ty cùng quan tâm.

Về giải pháp của NetNam, ông Bình cho biết nhà cung cấp Internet này không có ý định đầu tư vào hạ tầng cáp biển, trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cao mà tập trung khai thác theo lĩnh vực ngành dọc để đưa các giải pháp, dịch vụ mới cho khách hàng. NetNam thuê không gian ngoại tuyến (offline) và làm hạ tầng ảo trên cơ sở của các "ông lớn" để cung cấp dịch vụ, đáp ứng dịch chuyển hạ tầng số của các công ty, tổ chức.

Từ góc độ cơ quan xây dựng chính sách, ông Nhã chia sẻ thêm mong muốn DN viễn thông cung cấp dịch vụ truy cập Internet, cộng đồng cùng chung tay xây dựng các hệ thống quy phạm pháp luật, chính sách thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam được hoàn thiện, đặc biệt là tiến tới việc sử dụng "đám mây" trong nước thay vì dùng nhiều dịch vụ "đám mây" ngoại./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để Internet Việt Nam kết nối ổn định, ít phụ thuộc cáp quang biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO