Để người dân Cao Bằng giảm nghèo thông tin
Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ viễn thông, Internet, tỉnh Cao Bằng tích cực tuyên truyền giúp người nghèo tiếp cận thông tin để nắm bắt cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vẫn còn nơi không điện lưới, đói thông tin
Hiện nay tỉnh Cao Bằng vẫn còn một số địa bàn ở vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại. Điều này đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.
Tính đến hết quý 2 năm 2024, Cao Bằng vẫn còn 83 xóm, với trên 6.700 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Phủ sóng điện lưới vẫn đang là mục tiêu của tỉnh nhằm hỗ trợ người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa giảm nghèo thông tin.
Khánh Xuân là xã vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam của huyện Bảo Lạc, cách trung tâm huyện 8km. Toàn xã có 605 hộ gồm 3.203 nhân khẩu, gồm có 4 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông) cùng sinh sống. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng do địa hình rộng lại bị núi đồi chia cắt nên cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở Khánh Xuân hiện vẫn rất thiếu và yếu. Xã còn 2 xóm chưa có đường xe máy đến trung tâm xóm (xóm Lũng Quẩy và xóm Lũng Chàm). Công trình nước sinh hoạt mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20% tổng số dân; công trình thủy lợi chỉ mới đáp ứng tưới tiêu cho 70ha trong tổng số 869,42ha đất nông nghiệp toàn xã. Đặc biệt, toàn xã chỉ có 5 xóm có điện lưới quốc gia, còn 8 xóm vùng cao chưa có điện.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo ở Khánh Xuân rất cao. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, toàn xã còn 359 hộ nghèo, chiếm 59,33% tổng số hộ; cận nghèo có 56 hộ, chiếm 9,25%.
Tỉnh Cao Bằng hiện còn một số địa bàn giống như Khánh Xuân chưa có điện lưới quốc gia. Theo số liệu của Sở Công Thương Cao Bằng, tính đến hết quý II/2024, toàn tỉnh vẫn còn 83 xóm, với trên 6.700 hộ (chiếm tỷ lệ 4,96% tổng số hộ toàn tỉnh) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó, Bảo Lâm là huyện có số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia nhiều nhất (3.260 hộ, chiếm tỷ lệ 26,39% tổng số hộ toàn huyện); xếp sau là huyện Bảo Lạc với 2.362 hộ, chiếm tỷ lệ 21,52% trên tổng số hộ toàn huyện chưa có điện lưới quốc gia.
Nguyên nhân là do nguồn vốn Trung ương bố trí cho đầu tư xây dựng các công trình điện tỉnh Cao Bằng thấp so với nhu cầu, các hộ dân sống rải rác, khoảng cách quá xa, địa hình hiểm trở nên vượt mức suất đầu tư tối đa cấp điện cho một hộ dân ở nông thôn (120 triệu đồng/hộ dân).
Tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các xóm, hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã đề xuất Trung ương cấp kinh phí tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh; với tổng nhu cầu vốn là 283 tỷ đồng theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng chỉ phủ phê duyệt
Nỗ lực đưa thông tin hữu ích đến với người nghèo
Ngoài việc nhiều địa bàn chưa có điện lưới quốc gia thì tỉnh Cao Bằng hiện có 30 xã vùng sâu, vùng xa chưa có đài truyền thanh; 169 xóm chưa có sóng điện thoại di động. Đây là những vùng trũng của tỉnh trong tiếp cận thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.
Để giảm nghèo về thông tin cho người dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh việc đưa sóng điện thoại, mạng viễn thông về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân nắm rõ và hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có 1.322 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt gần 614.582 (trong đó 603.002 thuê bao di động); 80.382 thuê bao Internet với 52.156 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt gần 50%.
Trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tuyên truyền về công tác giảm nghèo để mọi người dân Cao Bằng đều được cung cấp thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết và duy trì việc làm cho người lao động; kết nối cung - cầu lao động giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp. Có thể nói, việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách, chương trình, kế hoạch… trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Cao Bằng, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh.
Theo bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền xuống các đơn vị, địa phương, các ban, ngành trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, một số địa bàn chưa có điện lưới, chưa có đài truyền thanh, chưa có sóng điện thoại đã ảnh hưởng đến việc thông tin, tuyên truyền, nhất là trong công tác chuyển đổi số.
Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với vùng sâu, vùng xa, nhất là ở những địa bàn còn thiếu thốn cơ sở hạ tầng, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai các nội dung chính sách thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đối với những vùng chưa có điện lưới, chưa có đài phát thanh, chưa có sóng điện thoại trên địa bàn tỉnh, Cao Bằng đã triển khai chính sách cấp phát báo (Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Cao Bằng) không thu tiền. Đây là kênh tuyên truyền quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến với những nơi vùng trũng của Cao Bằng.
Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, không bỏ sót địa bàn sẽ giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được chủ trương, chính sách, tích cực tham gia các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.