Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", sáng nay 3/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025".
Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh marketing, bán hàng; số hóa quy trình quản trị, sản xuất, công nghệ, nghiệp vụ tài chính, kế toán, nhân sự…
CĐS giúp DN vươn xa trong sự phát triển của thế giới
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực kết nối, năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa.
"Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển DN, Bộ KH&ĐT luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng DN, tiên phong đề xuất các chính sách, sáng kiến và giải pháp hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, bứt phá và phát triển", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đây là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Trong đó, việc thúc đẩy CĐS là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới sáng tạo, là con đường hiệu quả, ngắn, nhanh giúp DN Việt Nam hội nhập, bắt kịp, vươn xa trong sự phát triển của thế giới.
"Nếu DN chúng ta không chuẩn bị đầy đủ và tận dụng các cơ hội thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, thua ngay trên sân nhà. Do đó, giờ đây việc tập trung để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, CĐS phải trở thành cấp thiết hơn bao giờ", Bộ trưởng Dũng lưu ý.
Nhấn mạnh về việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, theo Bộ trưởng Dũng cần đảm bảo đạt: 100% DN được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp các giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN, hỗ trợ các nền tảng số.
"Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ Việt Nam là quốc gia có: Tỷ lệ người dân sử dụng Internet, điện thoại di động thông minh cao, hạ tầng kết nối đảm bảo, đội ngũ DN công nghệ ngày càng phát triển… Đây là một lợi thế, cơ hội của Việt Nam để CĐS thành công", Bộ trưởng Dũng tin tưởng.
USAID luôn sát cánh, đồng hành cùng DN Việt Nam
Cũng tại Lễ công bố, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam nhấn mạnh, CĐS sẽ giúp DN Việt Nam cải thiện, nâng hiệu quả, phương thức cạnh tranh, nắm bắt các cơ hội thị trường mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Việc chúng ta đảm bảo thực hiện tốt quá trình tự động hóa, số hóa các hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam không chỉ làm tăng các giá trị, đáp ứng các mong muốn của khách hàng, đây còn là chìa khóa mở ra các cơ hội mới, tăng khả năng, năng lực cạnh tranh cho các DN, giúp DN Việt Nam thành công, phát triển bền vững", Giám đốc USAID nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ann Marie Yastishock, việc Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&ĐT tin tưởng USAID, để USAID được tham gia, hỗ trợ dự án chính là một vinh dự to lớn. USAID cam kết sẽ đồng hành, tích cực góp sức để đảm bảo thúc đẩy nhanh quá trình cải cách, nâng cao năng lực kết nối, năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa Việt Nam.
"Trong thời gian sớm nhất, USAID sẽ triển khai thí điểm Chương trình CĐS cho khoảng 100 DN nhỏ và vừa thông qua 03 giai đoạn: Tiền chuyển đổi số; xác định những công cụ số để tăng khả năng thích ứng; xác lập hài hòa các hệ thống tiếp tục tăng năng suất", Giám đốc USAID cho biết.