Dệt may đối mặt với nhiều thách thức khi gia nhập TPP

Cao Thoa| 06/11/2015 11:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Doanh nghiệp dệt may lo lắng về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu đang là rào cản cho việc hội nhập TPP.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ mở ra những thuận lợi trong phát triển kinh tế. Khi hội nhập TPP, dệt may được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhất. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng là nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu đang là rào cản cho việc hội nhập quan trọng này.

det may doi mat voi nhieu thach thuc khi gia nhap tpp hinh 0
Ngành dệt may Việt Nam lâu nay chủ yếu là làm gia công và bị phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu đến thiết kế từ đối tác (Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp dệt may, nhưng để hội nhập TPP, trực tiếp thiết kế mẫu, sản xuất luôn sản phẩm, bán thẳng cho đối tác nước ngoài thì dường như rất ít doanh nghiệp có thể làm được. Bởi lâu nay ngành dệt may chủ yếu là làm gia công và bị phụ thuộc từ nguồn nguyên liệu đến thiết kế từ đối tác. Còn khi đã vào TPP, muốn thành công, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh làm FOB, tức là chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và bán thành phẩm, hạn chế gia công. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là Việt Nam chưa có khả năng cung cấp đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và nội địa.

Ông Nguyễn Hữu Tòan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 2, cho biết: “Khó nhất là nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu làm thời trang ở Việt Nam hầu như phải đi nhập hoặc đi mua trôi nổi ở nhiều đơn vị nhập về kinh doanh. Nguồn vải thời trang trong nước sản xuất rất hiếm, không thể đáp ứng được nhu cầu”.

Lâu nay do thiếu nguyên liệu nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu hoặc mua trôi nổi trên thị trường mới đủ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi vào TPP, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sợi, nhuộm của Việt Nam hoặc từ các nước tham gia hiệp định. Nếu không đảm bảo thì phải nhập khẩu từ các nước khác, kể cả nước không nằm trong hiệp định, giá thành sẽ rất cao. Như vậy sản phẩm sẽ bị đánh thuế cao chứ không được hưởng thuế suất 0%. Đây là điểm khó nhất mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp phải.

Không chỉ gặp khó về nguồn nguyên liệu mà các khâu liên quan đến khâu dệt, nhuộm vải sợi cũng đang khó khăn khi mà khả năng về vốn, quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng đầu tư nhà máy đảm bảo về chất lượng sản phẩm và môi trường đang vượt ngoài sức của nhiều doanh nghiệp.

Ông Lý Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Nguyệt Nhân, nói: “Dệt ra vải thì phải nhuộm, nhưng đầu tư 1 nhà máy nhuộm rất lớn. Theo tôi biết, đầu tư 1 nhà máy nhuộm phải mất 10 ha đất. Đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vượt quá tầm. Vì vậy tôi đề nghị Nhà nước và các địa phương nên hỗ trợ các doanh nghiệp”.

Trước lo lắng của các doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM cho biết: vấn đề thiếu nguyên phụ liệu đã được thấy trước. Lâu nay, nguyên phụ liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% cho sản xuất và xuất khẩu. Vì vậy, Nhà nước đã và đang có chương trình hỗ trợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Các doanh nghiệp trong nước hiện đã kết nối với nhau để tận dụng những điều kiện có thể để khai thác TPP.

Trước sức hấp dẫn của TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khảo sát để đầu tư vùng nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may tại Việt Nam. Sự kết hợp này sẽ cải thiện được tình trạng thiếu nguyên liệu trong ngành dệt may thời gian tới.

Ông Phạm Xuân Hồng khẳng định: “Chúng ta đã có bước chuẩn bị cách đây một vài năm nhưng mà tốc độ còn chậm. Sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng đã mở rộng nhưng mà tỷ trọng để đáp ứng còn thấp chỉ 20-25%. Hiện nay, Nhà nước cũng đã khuyến khích đầu tư nước vào nguyên phụ liệu. Sự kết nối của hai nguồn này hy vọng sản lượng của nguyên phụ liệu sẽ tăng lên”.

Theo các chuyên gia kinh tế, dệt may đang là ngành có nhiều lợi thế của Việt Nam. Chúng ta hơn hẳn các nước Trung Á và Đông Nam Á về tay nghề và kinh nghiệm. Chính vì vậy, khi hội nhập TPP, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về TPP, hiểu rõ những vấn đề gì mà TPP đặt ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ mới và sở hữu trí tuệ, trang bị những kiến thức liên quan đến TPP phục vụ cho hội nhập.

Còn các doanh nghiệp cũng kiến nghị: Nhà nước và các ngành chức năng nên cập nhật và hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về thuế, hải quan, tiêu chuẩn của TPP để giúp các doanh nghiệp dệt may tận dụng được tốt cơ hội xuất khẩu với những ưu đãi thuế quan. Đồng thời cần có chính sách tốt để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm…Có như thế mới giúp doanh nghiệp ngành dệt may hội nhập thành công./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dệt may đối mặt với nhiều thách thức khi gia nhập TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO