Diễn đàn

ĐHQG TP. HCM triển khai mô hình Giáo dục Đại học số tập trung 5 nội dung

Hoàng Linh 11/09/2023 06:18

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đang tập trung 6 định hướng chính để phát triển toàn diện trong năm học mới, trong đó công tác chuyển đổi số (CĐS) là một ưu tiên trong trọng tâm trong năm học 2023 - 2024.

Cụ thể, ĐHQG-HCM tham gia vào phát triển nhân lực số, công nghệ số và hạ tầng số. Đồng thời, ĐHQG-HCM cũng tập trung triển khai đào tạo theo mô hình giáo dục đại học số với 5 nội dung trọng tâm.

Nhân dịp năm học mới 2023 - 2024, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng Ban đào tạo, ĐHQG-HCM, đơn vị thường trực về chuyển đổi số trong công tác đào tạo của ĐHQG-HCM về các nội dung liên quan.

pgs-ts-ho-quoc-bang.jpg
PGS. TS. Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng Ban đào tạo, ĐHQG-HCM

PV: Năm học mới 2023 - 2024 đã bắt đầu, xin ông có thể chia sẻ về những định hướng chính của ĐHQG-HCM trong năm học mới? CĐS trong ĐHQG-HCM có phải là một ưu tiên trọng tâm?

PGS. TS. Hồ Quốc Bằng: Trong năm học mới 2023 - 2024, ĐHQG-HCM tiếp tục phát triển toàn diện tất các nội dung của một Đại học, trong đó tập trung vào 6 định hướng chính là: (i) Nâng cao hiệu quả quản trị đại học; (ii) Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; (iii) Khoa học và công nghệ; (iv) Hợp tác phát triển và hội nhập; (v) Xây dựng và phát triển Khu đô thị đại học; và (vi) Đa dạng hóa nguồn lực tài chính.

Có thể nói, công tác chuyển đổi số là một ưu tiên trong trọng tâm của ĐHQG-HCM, nội dung chuyển đổi số đang áp dụng trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM và chuyển đổi số áp dụng hầu hết vào trong 6 định hướng chính ở trên. Trong đó có thể nói, chuyển đổi số trong công tác đạo tạo tại ĐHQG-HCM đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.

Một số nội dung chính về chuyển đổi số đang triển khai trong công tác đào tạo mà ĐHQG-HCM đang tập trung gồm:

Tiếp tục phát triển hệ thống học liệu số MOOCs tại ĐHQG-HCM và học tập kết hợp (blended learning) tại các đơn vị thành viên và trực thuộc (Đề án tăng cường năng lực chuyển đổi số, dự án Dự án Phát triển các Đại học Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQG-HCM (VUDP) kinh phí từ Ngân hàng Thế giới (WB), dự án Hợp tác Cải cách Giáo dục Đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, v.v).

Chuẩn hóa hệ thống quản lý giảng dạy học tập trực tuyến tại các cơ sở đào tạo và triển khai hệ thống quản lý các khóa học MOOCs tại ĐHQG-HCM.

PV: ĐHQG-HCM đã chủ trì nghiên cứu phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học khác tham gia xây dựng đề án Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số (tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực CNTT) thuộc tổng thể Đề án thí điểm giáo dục đại học số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông có thể chia sẻ một số kết quả trong đào tạo nhân lực số tại ĐHQG-HCM?

PGS. TS. Hồ Quốc Bằng: Trong thời gian qua, ĐHQG-HCM đã và đang tham gia vào các nội dung chuyển đổi số, cụ thể là đã tham gia vào (1) phát triển nhân lực số, (2) công nghệ số và (3) hạ tầng số.

Về đào tạo nhân lực số: Đây là lực lượng lao động trình độ cao, trực tiếp tham gia phát triển kinh tế số. ĐHQG-HCM đã xây dựng chiến lược đào tạo và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn trở thành top 15 trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về AI của khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, quy mô tuyển sinh đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) AI của ĐHQG-HCM là lớn nhất cả nước, với khoảng 2.210 sinh viên mỗi năm, cộng thêm khoảng 2.140 chỉ tiêu của các nhóm ngành khác có liên quan như Toán, Điện tử Viễn thông, Tự động hóa, Máy tính. Các chương trình đào tạo nhóm ngành CNTT đều đã được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn quốc tế (ABET và AUN), trong đó có một số chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, ĐHQG-HCM được thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nhân lực ngành CNTT - Truyền thông và AI trong khuôn khổ đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.

Về nghiên cứu phát triển công nghệ số, ĐHQG-HCM đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành như nhóm nghiên cứu về AI, Fintech (tài chính số), thương mại điện tử, công nghệ sinh học - y sinh, công nghệ năng lượng và công nghệ vật liệu tiên tiến, tập hợp được đội ngũ gần 200 nhà khoa học về CNTT có học vị tiến sĩ.

ai-dhqg-hcm.jpeg
Ảnh minh hoạ

Chiến lược nghiên cứu phát triển về AI và Khoa học dữ liệu của ĐHQG-HCM được xây dựng trên 3 trụ cột: nghiên cứu cơ bản để từng bước làm chủ công nghệ lõi, nghiên cứu phát triển để ứng dụng và từ đó định hướng khởi nghiệp.

Theo chiến lược này, đến năm 2030 sẽ có 5 chương trình nghiên cứu liên ngành về y tế, giáo dục, giao thông, tài chính và an ninh mạng; sẽ có khoảng 100 bằng phát minh sáng chế được quốc tế công nhận, có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành từ các nghiên cứu của giảng viên, sinh viên trong ĐHQG-HCM.

Về hạ tầng số, trong chiến lược phát triển của mình, ĐHQG-HCM xác định sẽ là hạt nhân của khu đô thị tương tác cao phía Đông của thành phố. Theo đó, trong khuôn khổ Dự án phát triển giáo dục đại học Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, ĐHQG-HCM sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo với tổng diện tích sàn khoảng 16.000m2. Đây là nơi tập trung các phòng thí nghiệm, các trung tâm, viện nghiên cứu liên ngành và cũng là nơi ươm tạo khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên của ĐHQG-HCM.

Ngoài ra, trung tâm còn là nơi để các công ty, tập đoàn công nghệ đặt văn phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) để sản xuất, thử nghiệm các công nghệ mới. Hiện nay, ĐHQG-HCM tiếp tục kêu gọi đầu tư để mở rộng Khu công nghệ phần mềm, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, triển khai hệ thống mạng 5G cũng như lắp đặt các hệ thống cảm biến thông minh trong khu đô thị.

he-thong-5g.jpeg

PV: Thưa ông, ĐHQG-HCM đã thí điểm giáo dục Đại học số đã có những kết quả và bài học kinh nghiệm. ĐHQG TP. HCM có những giải pháp, kiến nghị như thế nào cho Đề án triển khai giáo dục Đại học số?

PGS. TS. Hồ Quốc Bằng: Một số giải pháp và kiến nghị của ĐHQG-HCM cho Đề án triển khai thí điểm mô hình Giáo dục đại học số gồm:

- Xây dựng chương trình đào tạo (cấp bằng) hoặc các modules/học phần đào tạo (không cấp bằng) và triển khai đào tạo trực tuyến đối với một số môn học mang tính liên thông, liên ngành hoặc có nhu cầu xã hội cao.

- Triển khai và công nhận tín chỉ cho đối tượng là học sinh trung học phổ thông ở một số môn học giảng dạy theo hình thức trực tuyến thuộc khối kiến thức cơ bản

- Đổi mới và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến đối với một số môn học/học phần/modules phù hợp

ĐHQG-HCM kiến nghị giao cho chủ trì phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín cùng tham gia Đề án triển khai thí điểm mô hình Giáo dục đại học số, đối với lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.

cntt-1459811922.jpeg

PV: Ông có thể chia sẻ ĐHQG TP. HCM dự kiến sẽ triển khai đào tạo theo mô hình giáo dục đại học số như thế nào khi đề án được phê duyệt?

PGS. TS. Hồ Quốc Bằng: Mô hình giáo dục đại học số không phải tổ chức “xây dựng trường đại học mới” mà hướng đến triển khai phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại nhằm cá thể hóa quá trình học tập của người học, xây dựng môi trường học tập suốt đời thông qua ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực thông qua chia sẻ và hợp tác với các cơ sở đào tạo khác nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Cụ thể là tập trung vào: (1) Xây dựng môi trường hỗ trợ quản lý mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng công nghệ số; (2) Phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở, tài nguyên số đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy; (3) Tăng cường tương tác trong quá trình giảng dạy và học tập, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua hạ tầng công nghệ số; (4) Xây dựng các modules/học phần công nhận chuyển đổi tín chỉ tạo nền tảng cho quá trình liên thông, liên kết đào tạo trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM; và (5) Mở rộng lĩnh vực triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến/từ xa để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường lao động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
ĐHQG TP. HCM triển khai mô hình Giáo dục Đại học số tập trung 5 nội dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO