Diễn đàn ASEAN - ICT đầu tiên về bảo vệ trẻ em trực tuyến

Hiền Thục| 14/11/2022 20:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nước ASEAN đã tổ chức Diễn đàn ASEAN - ICT (ASEAN - ICT Forum) đầu tiên về bảo vệ trẻ em trực tuyến (Child Online Protection) tại Phnom Penh, Campuchia.

ASEAN - ICT Forum lần đầu tiên tập hợp thành công một nhóm đông đảo các nhà quản lý, các công ty trong ngành và tổ chức phi lợi nhuận để công bố các sáng kiến, chương trình bảo vệ trẻ em trực tuyến trong khu vực.

Diễn đàn ASEAN - ICT đầu tiên về bảo vệ trẻ em trực tuyến - Ảnh 1.

Các nước ASEAN đã tổ chức Diễn đàn ASEAN - ICT đầu tiên về bảo vệ trẻ em trực tuyến tại Phnom Penh, Campuchia.

Bắt nạt trên mạng và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến là một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất mà trẻ em phải đối mặt khi lướt web.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hơn 1/3 thanh niên ở 30 quốc gia là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, và 80% trẻ em ở 25 quốc gia cảm thấy có nguy cơ bị bóc lột trực tuyến.

Do đó, diễn đàn ASEAN - ICT là thích hợp để bắt đầu nghiên cứu các giải pháp đáng tin cậy và lâu dài nhằm tạo ra môi trường kỹ thuật số an toàn cho trẻ em và áp dụng các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ trẻ em từ mọi góc độ của đổi mới công nghệ, cả trong khu vực công và doanh nghiệp (DN).

Theo Điểm chuẩn hòa nhập kỹ thuật số (digital inclusion benchmark) của World Benchmarking Alliance, chỉ 27 trong số 150 công ty công nghệ số trên toàn cầu có cam kết về an toàn cho trẻ em trực tuyến. Còn với các cam kết bắt nguồn từ các nguyên tắc về quyền trẻ em, con số thấp hơn nhiều, chỉ có 8 công ty có cam kết mạnh mẽ vượt ra ngoài sản phẩm của một công ty và dựa trên các nguyên tắc về quyền trẻ em.

Các công ty công nghệ hoạt động ở Đông Nam Á đang tiến tới nắm quyền giảm thiểu tác động tiêu cực ngoài ý muốn đối với các sản phẩm và nền tảng của họ. Một ví dụ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông PLDT/Smart ở Philippines đã cập nhật các chính sách của công ty để tích hợp quyền trẻ em và thực hiện chương trình nâng cao năng lực về an toàn trực tuyến cho trẻ em.

Tại Indonesia, Bộ Nữ quyền và Bảo vệ trẻ em đang hợp tác với Meta và Ecpat (tổ chức phi chính phủ chống lại việc buôn bán trẻ em) để giáo dục cộng đồng tại vùng sâu vùng xa về sự nguy hiểm của bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến.

Mặc dù các sáng kiến nói trên là những bước tiến, nhưng việc bảo vệ trẻ em trong hệ sinh thái số nên vượt ra ngoài yếu tố "an toàn" và tính đến các yếu tố về "sức khỏe" được quy định trong "Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh" do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Hiệp ước Toàn cầu LHQ (UN Global Compact), và Tổ chức Cứu Trợ Trẻ em (Save the Children) đặt ra. Điều này đề cập đến việc các công ty công nghệ phải đảm bảo thực hiện các quy trình thẩm định trước khi phát triển các sản phẩm và dịch vụ số.

Điều quan trọng là các quy trình chuẩn hóa như vậy phải được áp dụng đối với các DN ASEAN trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.

ASEAN có thể tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyển đổi tư duy này giữa các công ty công nghệ trong khu vực bằng cách đưa ra hướng dẫn khuyến khích khu vực DN xây dựng tư duy về quyền trẻ em trong DNA của DN thông qua tư vấn và coi trẻ em là các bên liên quan.

Tiếp theo, những hướng dẫn này cần có sự tham gia của các chính phủ trong việc khuyến khích các DN đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của họ an toàn cho trẻ em, chẳng hạn như đưa ra các khuyến khích tài chính thông qua giảm thuế, dễ dàng cấp vốn và giảm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cho các công ty.

Bằng cách đó là việc tạo ra môi trường thuận lợi, mang lại lợi ích cho các công ty trong việc xác định, đánh giá, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em trong tất cả các lĩnh vực của quá trình kinh doanh và đảm bảo một hệ sinh thái số toàn diện, an toàn và lành mạnh cho trẻ em./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn ASEAN - ICT đầu tiên về bảo vệ trẻ em trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO