Điều hành chính sách tiền tệ tốt, đảm bảo kiểm soát lạm phát

PV| 27/09/2022 14:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát nhờ nhiều biện pháp đã được triển khai, trong đó việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng có ý nghĩa quan trọng.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường, chưa từng có tiền lệ, lạm phát tăng cao và Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới liên tục nâng lãi suất khiến tỷ giá biến động mạnh. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, chịu biến động lớn của thị trường toàn cầu... Tất cả các yếu tố bất định, khó lường từ kinh tế thế giới gây khó khăn rất lớn đến kinh tế nói chung, hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất điều hành trên thế giới đang tăng rất mạnh, đến nay đã có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Đối với huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 8/2022 ước đạt 56.800 tỷ đồng, tăng 8,86% so với cuối năm 2021. Đối với hoạt động tín dụng, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8/2022 ước đạt 105.400 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cuối năm 2021.

Mặc dù đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua, theo đánh giá, NHNN vẫn giữ vững lập trường kiên định điều hành chính sách giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ; điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tiến dụng (TCTD), góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối tháng 8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01; phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tốt lạm phát - Ảnh 1.

NHNN vẫn kiên định chính sách giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các TCTD theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán…

NHNN cũng tập trung kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu đặt ra trong năm nay là 14% dù chịu rất nhiều áp lực. Đối với tỷ giá, trong mấy tháng qua, NHNN dùng nhiều công cụ để giữ ổn định tỷ giá. Đơn cử, bên cạnh việc sử dụng công cụ tín phiếu, NHNN đã bán ngoại tệ để hút tiền về. Từ đó điều tiết lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp, tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá trước áp lực mạnh từ thị trường quốc tế.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu nhìn qua các con số như tăng trưởng chỉ số phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tiêu dùng; cũng như khía cạnh khác liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có thể thấy điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khá tốt. Thu ngân sách 8 tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.

Cần tiếp tục điều hành chính sách thận trọng, linh hoạt

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù lạm phát đang được kiểm soát tốt nhưng dư địa không còn nhiều. Trong khi đó, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 - 2023; các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Những yếu tố này sẽ làm cho tổng cầu tăng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng theo.

Trong bối cảnh không chỉ Fed mà Ngân hàng Trung ương nhiều nước lớn, đối tác Việt Nam đều tăng lãi suất thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát sẽ thúc đẩy quá trình suy giảm tăng trưởng ở các nước này và tác động đến kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ...

Nêu rõ thách thức trong việc kìm giữ lạm phát trong nửa cuối năm 2022, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết hiện giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đang tăng lên, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đẩy giá sản phẩm ra thị trường tăng cao. Bên cạnh đó, một số khoản như học phí, thuế, lương cơ bản,… bắt đầu tăng từ 1/7 sẽ tiếp tục thể hiện rõ ảnh hưởng vào những tháng còn lại của năm 2022; tiền giải ngân vốn đầu tư công hay chương trình phục hồi sẽ nhanh hơn và nhiều hơn. 

Để đối phó với những thách thức này, với vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là ở bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ, vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, chính sách quản lý giá… đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung vì an toàn quốc gia.

NHNN tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điều hành chính sách tiền tệ tốt, đảm bảo kiểm soát lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO