Chuyển động ICT

DN công nghệ Việt Nam tăng trưởng mạnh cùng "Xu hướng đầu tư ngược" của Nhật Bản

Trịnh Thu Trang 03/12/2024 06:35

Hơn 20 năm đồng hành, tăng trưởng đáng kể trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng và được ưu tiên lựa chọn bởi các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT.

Chiều ngày 2/12/2024, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA), Uỷ ban Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp thông tin (CNTTT) Nhật Bản và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản đã tổ chức Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) 2024.

ict-1.jpg
Japan ICT Day là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các DN CNTT Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức thường niên từ năm 2007

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác ngành CNTT giữa hai quốc gia, do VINASA phối hợp với các hiệp hội, tổ chức CNTT Nhật Bản đồng tổ chức, bao gồm: Vietnam IT Day (tại Tokyo), Triển lãm SODEC (tại Tokyo), Japan ICT Day (tại Việt Nam). Ngày CNTT Nhật Bản là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các doanh nghiệp (DN) CNTT Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức thường niên từ năm 2007.

Hơn 20 năm đồng hành, hiện có khoảng 400 DN Việt Nam hợp tác với các đối tác Nhật Bản, trong đó hơn 15 DN có quy mô trên 1000 lao động, hơn 20 DN quy mô từ 500 đến 1000 lao động, và khoảng 100 DN với quy mô từ 200 đến 500 lao động.

Khoảng 20 DN CNTT hàng đầu tại Việt Nam ghi nhận mức doanh thu tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Điều này cho thấy năng suất và doanh thu trên mỗi nhân viên của các DN này đã tăng khi làm việc cùng Nhật Bản. Trong đó, các công ty này hiện có khả năng thực hiện các dự án nâng cao hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), …

Bên cạnh đó, các DN Việt cũng đã mở rộng đầu tư sang Nhật Bản. Dòng vốn đầu tư từ Việt Nam sang đất nước mặt trời mọc có thể kể đến các khu vực như: Tokyo, Fukuoka, Yokohama,… Các DN Việt không chỉ đơn giản là hoạt động tại các thành phố lớn của Nhật, mà còn trực tiếp là nhà phát triển sản phẩm phục vụ người dùng và đáp ứng nhu cầu về CNTT của Nhật Bản.

Một vấn đề còn tồn đọng của các hệ thống CNTT tại Nhật Bản là việc đang được duy trì bởi những người lao động cao tuổi. Các nỗ lực hiện đại hóa của chính phủ nước này, bao gồm cả việc chuyển đổi là điều cần thiết để duy trì các hệ thống này. Việc hợp tác này có thể mang đến mối quan hệ hai bên cùng có lợi cho cả hai quốc gia.

Ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Quốc tế JISA cho biết: “Ngành dịch vụ CNTT Nhật Bản đạt doanh thu 200 tỷ USD với 1,17 triệu lao động vào năm 2022, tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ sự yếu kém của hệ thống CNTT cũ trong khu vực công, thúc đẩy Nhật Bản gia tăng đầu tư vào phần mềm và thành lập Cơ quan Kỹ thuật số nhằm triển khai các chính sách như Chính phủ đám mây (cloud), chợ số (digital marketplace) và DFFT (Dòng chảy dữ liệu tự do với độ tin cậy cao)".

ict-2.jpg
Ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Quốc tế JISA:“Các DN Nhật kỳ vọng vào hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nhân lực, chia sẻ kiến thức về công nghệ tiên tiến”.

Ông Junya Kawamoto cũng cho biết, thách thức lớn trong đầu tư vào phần mềm và chuyển đổi số tại Nhật Bản là sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng; khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người lao động; các rủi ro về địa chính trị như căng thẳng giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc.

Lực lượng lao động CNTT Việt Nam đang ngày càng trường thành cả về chất lượng và số lượng, với gần 400.000 nhân lực trong các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Lợi thế của các kỹ sư CNTT Việt Nam là năng lực kỹ thuật tốt với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn, tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện với khách hàng Nhật và quan trọng là trẻ và ham học hỏi công nghệ mới.

Trong khi đó, ở phía Nhật Bản, trước đây Nhật Bản đầu tư mạnh sang các nước đang phát triển để bán lại công nghệ và tận dụng chi phí nhân công giá rẻ thì hiện nay nước này đang tạo ra "xu hướng đầu tư ngược". Nhật Bản đã và đang giới thiệu nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, xoay chuyển dòng vốn về trong nước, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt đối với lĩnh vực mũi nhọn như CNTT.

Japan ICT Day 2024 cũng thảo luận 3 vấn đề liên quan đến: AI, hiện đại hóa các hệ thống cũ (legacy modernization) của Nhật Bản và sản xuất xanh, thông minh (smart green manufacture). Đây là 3 lĩnh vực tiềm năng hợp tác rất lớn, không chỉ với thị trường truyền thống, mà còn cả thị trường các DN Nhật Bản tại Việt Nam. JETRO Việt Nam hiện cũng đang hỗ trợ, cỗ vũ rất lớn cho xu hướng này để tận dụng những thế mạnh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, phục vụ chuyển đổi số DN Nhật Bản.

Japan ICT Day 2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa DN hai nước, không chỉ tại không gian Nhật Bản, mà còn cả tại Việt Nam trên các lĩnh vực tiềm năng mới bao gồm: công nghệ mới, hiện đại hóa các hệ thống cũ của Nhật và sản xuất xanh, thông minh./.

Bài liên quan
  • FPT ra mắt nhà máy AI tại Nhật Bản
    Ngày 13/11, FPT đã chính thức ra mắt nhà máy AI (AI Factory) tại Nhật Bản nhằm cung cấp các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Nhà máy AI của FPT góp phần phát triển AI có chủ quyền cho Nhật Bản.‏
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
DN công nghệ Việt Nam tăng trưởng mạnh cùng "Xu hướng đầu tư ngược" của Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO