“Đặc khu khởi nghiệp toàn cầu” của Nhật Bản kêu gọi DN công nghệ số Việt Nam đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, “Fukuoka sẽ là cửa ngõ để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, đóng góp có trách nhiệm vào sự thịnh vượng chung của Nhật Bản và thế giới”.
Fukuoka phù hợp với định hướng “go global” của DN công nghệ số Việt Nam
Trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ dồi dào và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc. Tại TP. Fukuoka, trong những năm gần đây, các DN CNTT của Việt Nam không ngừng mở rộng đầu tư sang Fukuoka. Cùng với đó các DN khởi nghiệp trong TP. Fukuoka cũng ngày càng quan tâm đến Việt Nam.
Đón nhận xu hướng này, ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, TP. Fukuoka ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với Bộ TT&TT về việc cùng hỗ trợ các DN khởi nghiệp với cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam đồng thời tổ chức Hội thảo thu hút DN đầu tư vào TP. Fukuoka.
Đây là trường hợp đầu tiên mà Bộ TT&TT Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hỗ trợ DN khởi nghiệp với một địa phương của Nhật Bản. Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ sự kiện, trường Đại học (ĐH) Công nghệ Fukuoka và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT) đã ký kết MoU.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh trong hơn 50 năm xây dựng và vun đắp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, với phương châm “chân thành, tình cảm và tin cậy”, trải qua nhiều bước tiến, hai nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất là “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước cũng như xây dựng khu vực châu Á và thế giới hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng.
Kể từ năm 1992, Nhật Bản luôn giữ vững vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, là nước cung cấp vốn ODA lớn nhất, vốn FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên phần lớn (57/63) các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: “Sự phát triển về mọi mặt của Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của các DN Nhật Bản”.
Thứ trưởng cho biết hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này vì hai lẽ: Thứ nhất, hội thảo này là sự gặp nhau của hai ý tưởng khác nhau, một ý tưởng là đi thu hút DN nước ngoài vào đầu tư, khởi nghiệp tại thành phố của mình, quốc gia của mình; một ý tưởng là đưa các DN công nghệ số của quốc gia mình, ngành mình đi ra nước ngoài.
Theo Thứ trưởng, “hai ý tưởng tưởng chừng như trái ngược nhau nhưng kỳ thực lại rất phù hợp để gặp nhau vì có cùng một mục tiêu chung đó là vì sự thịnh vượng chung của cả hai quốc gia”.
Fukuoka được Chính phủ Nhật Bản chỉ định trở thành đặc khu chiến lược quốc gia “Đặc khu khởi nghiệp toàn cầu” với kỳ vọng trở thành động lực để đưa nướcNhật trở thành quốc gia hùng cường, quốc gia của ước mơ.
Với kỳ vọng to lớn đó, Fukuoka đã nỗ lực kiến tạo các lợi thế về nguồn lực, môi trường kinh doanh cho các mô hình kinh doanh mới để thu hút các DN trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, phát triển phần mềm cho ô tô, robot/sản xuất nội dung số và nghiên cứu phát triển chất bán dẫn và nhiều lĩnh vực khác nữa đến đầu tư tại Fukuoka, Nhật Bản.
“Bộ TT&TT đánh giá những thế mạnh của Fukuoka rất phù hợp với định hướng “go global” của DN công nghệ số Việt Nam”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
1.500 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài
Bộ TT&TT đã khởi xướng chương trình hỗ trợ, đồng hành với các DN công nghệ số Việt Nam đi chinh phục thị trường nước ngoài từ năm 2023, đến nay Việt Nam đã có cộng đồng tới 1.500 DN công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tổng doanh thu ước đạt 7,5 tỷ USD.
Với quy mô như vậy, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh Fukuoka hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hợp tác của các DN công nghệ số Việt Nam.
Thứ hai, theo Thứ trưởng hội thảo này là sự gặp nhau của hai tư duy, cách làm ngược bởi lẽ một quốc gia sẽ lựa chọn các quốc gia có tiềm lực, trình độ phát triển hơn để thu hút đầu tư nhưng TP. Fukuoka - Nhật Bản lại lựa chọn Việt Nam, một quốc gia đã có nhiều DN Nhật Bản đầu tư, một quốc gia có tiềm năng đổi mới sáng tạo để thu hút các DN Việt Nam đến với Fukuoka, đến với Nhật Bản.
Cũng theo Thứ trưởng, lẽ thường thì các DN sẽ lựa chọn các thị trường dễ tính để đầu tư nhưng Bộ TT&TT thì động viên, khuyến khích, tìm cách hỗ trợ, định hướng các DN đầu tư vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao để lấy đó làm mục tiêu cao, qua đó nâng cao năng lực chính mình và tiếp tục vươn ra thế giới.
Với sự gặp nhau của hai tư duy và cách làm đặc biệt, Thứ trưởng tin tưởng các DN Việt Nam và Nhật Bản sẽ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới, đóng góp cho sự phát triển của cả 2 quốc gia như tinh thần Thủ tướng Kishida Fumio đã khẳng định trong sự kiện thông báo về quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đó là: "Nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản" và sẽ đúng như mong muốn của Bộ TT&TT khi tham dự sự kiện này, đó là “Fukuoka sẽ là cửa ngõ để DN công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới, đóng góp có trách nhiệm vào sự thịnh vượng chung của Nhật Bản và thế giới”.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định Bộ TT&TT cam kết: “Tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ, đồng hành cùng các DN công nghệ số, cùng các quốc gia, các đối tác và bạn bè quốc tế, nhất là TP. Fukuoka và Nhật Bản cùng chung tay viết tiếp những câu chuyện thành công, mở ra tương lai thống nhất trong đa dạng, dùng công nghệ số để đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới”.
Nhân lực CNTT của Việt Nam trẻ và tài năng
Cũng tại hội thảo, Thị trưởng TP. Fukuoka, ông Soichiro Takashima đánh giá cao sự quan tâm của nhiều DN Việt Nam tham dự hội thảo và Việt Nam là nơi có nguồn nhân lực trẻ, tài năng và liên tiếp các DN ra đời.
Thị trưởng Soichiro Takashima khẳng định Fukuoka là thành phố sôi động, đáng sống và dễ kinh doanh nhất khi nhiều DN Việt Nam mở văn phòng, kinh doanh tại Fukuoka, trong đó có FPT, Rikkei, VMO Japan... Fukuoka có startup cafe là nơi các DN công nghệ có thể đến để nhận được nhiều sự hỗ trợ.
Tại hội thảo, đã có 17 công ty và liên đoàn DN Nhật Bản tham dự và mong muốn hợp tác và giao lưu với các DN Việt Nam để cùng nhau mở rộng hợp tác
Theo đó, Thị trưởng Soichiro Takashima nhấn mạnh Fukuoka là thành phố hỗ trợ DN công nghệ, startup nhiều nhất và chấp nhận rủi ro cao tại Nhật Bản. Việc ký kết hợp tác với Bộ TT&TT sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho DN CNTT của cả hai nước.
Đại diện cho Hiệp hội phần mềm và DN CNTT Việt Nam (VINASA), ông Lê Quang Lương, cho biết thời gian bay từ Hà Nội sang Fukuoka chỉ 3,5 tiếng, nhanh hơn 1 tiếng so với Tokyo và Fukuoka hỗ trợ rất nhiều cho DN CNTT như Fukuoka có chương trình cấp visa kỹ sư chỉ trong 1 tháng so với 3 tháng so với Tokyo, thậm chí có DN được cấp trong 5 ngày.
Fukuoka là thành phố lý tưởng khi có vật giá, nhiều người trẻ tuổi, nhiệt tình. VINASA có hơn 600 DN CNTT, trong đó tới 20% DN đang giao dịch với khách hàng Nhật Bản và sẽ đóng vai trò quan trọng kết nối Việt Nam và Fukuoka.
Ông Lương khẳng định: “Việc giao lưu giữa các công ty Việt Nam và Fukuoka đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh hơn”.
Trong khuôn khổ sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã có buổi tiếp xã giao. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng trao đổi với Thị trưởng TP. Fukuoka, ông Soichiro Takashima về những ưu đãi của Fukuoka cho đào tạo nhân lực CNTT bằng tiếng Nhật như có những tình nguyện viên người Nhật hỗ trợ, dạy tiếng Nhật cho đội ngũ DN CNTT Việt Nam để các DN Việt Nam đến khởi nghiệp và thành công cũng như để làm các sản phẩm CNTT phù hợp.
Thị trưởng Soichiro Takashima đã đồng ý với đề xuất của Thứ trưởng Phan Tâm và cam kết với Fukuoka sẽ hỗ trợ DN công nghệ số của Việt Nam tốt nhất./.