Đo độ an toàn của đường hàng không
Hàng loạt những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong thời gian qua đã phủ một bóng mây u ám lên ngành hàng không toàn cầu và khiến ngày càng có nhiều người sợ đi máy bay hơn. Thế nhưng, số liệu thống kê lại cho thấy hiện nay là thời kỳ mà ngành hàng không thương mại an toàn hơn bao giờ hết.
Hàng không có còn an toàn?
Các vụ tai nạn máy bay vừa qua đã làm gia tăng sự nghi ngờ về mức độ an toàn của việc đi máy bay. Một số người bảo, thôi, đi ô tô, tàu hoả, sợ máy bay rồi.
Sự lo lắng, cảm xúc như thế dễ hiểu. Tai nạn hàng không thường thảm khốc, từ số người chết cho đến hình ảnh hiện trường. Chúng cũng được báo chí đăng tải, bình luận nhiều hơn so với tai nạn của các loại giao thông khác. Từ tâm lý này khiến cho yêu cầu đặt ra cho công tác cứu hộ cứu nạn cũng phải ngày được nâng cao hơn.
Nhưng dường như mọi người đang bị cảm giác sợ hãi chi phối bởi trong khi số người chết vì tai nạn hàng không trong thời gian gần đây, mỗi năm dừng lại ở mức vài trăm người, thì theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 1,2 triệu người chết mỗi năm vì tai nạn đường bộ.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, ngày càng nhiều người trên thế giới lựa chọn đi lại bằng máy bay, với hơn 20 tỷ lượt khách vào năm 2013.
Các chuyên gia hàng không thế giới cho rằng, những vụ tai nạn nối tiếp không phản ánh đúng thực trạng xu thế an toàn ngành hàng không.
Ông Tony Tyler, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết: “Nếu chăm đọc báo trong những ngày gần đây, chắc chắn người ta sẽ đặt câu hỏi về độ an toàn của ngành hàng không. Tuy nhiên thực tế cho thấy đi lại bằng máy bay vẫn là hình thức di chuyển an toàn nhất hiện nay”.
Số liệu an toàn bay mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết năm 2013 có 90 vụ máy bay chở khách gặp nạn trên toàn thế giới, so với 99 vụ năm 2012 và 118 vụ năm 2011. Tỷ lệ tai nạn giảm xuống còn 2,8 trên một triệu chuyến bay, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi ICAO theo dõi số liệu này.
Ngay cả trong năm 2014, những con số này cũng có sự cải thiện đáng kể. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, cho đến nay mới chỉ có 70 vụ tai nạn máy bay chở khách xảy ra trên toàn cầu, so với 81 vụ cùng kỳ năm ngoái.
Một phân tích thống kê khác cho thấy xác suất một người bị chết trong một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn.
Ông James Burnley, cựu Bộ trưởng Giao thông Mỹ cho hay bốn thảm kịch hàng không gần đây không hề có bất cứ sự liên quan hay nguyên nhân chung nào. Ông khẳng định: “Thật nhầm lẫn khi đưa ra kết luận rằng an toàn hàng không đang đi xuống”.
Mặc dù các tổ chức và các hãng sản xuất máy bay có những định nghĩa và cách phân loại khác nhau về tai nạn hàng không, song các chuyên gia đều thống nhất trong nhận định rằng an toàn hàng không đang ngày càng tốt hơn.
Trách nhiệm xử lý bồi thường tai nạn hàng không được thực hiện như thế nào?
Đối với tai nạn hàng không tại Việt Nam mà hành khách bị nạn là người Việt Nam thì Luật áp dụng sẽ là Luật hàng không dân dụng số 66/2006/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006 (Luật Hàng không) và các Nghị định liên quan.
Căn cứ Điều 160 Luật Hàng không thì “Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay” với mức giới hạn trách nhiệm được quy định tại Nghị định 97/2020/NĐ-CP là: “một trăm hai mươi tám nghìn tám trăm hai mươi mốt (128.821SDRs*) đơn vị tính toán cho mỗi hành khách”, tức tương đương khoảng hơn 4 tỷ VNĐ.
Tuy nhiên, Hãng hàng không chỉ được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nêu trên trong trường hợp Hãng hàng không chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba.
Do vậy, trong đa phần các trường hợp thì trách nhiệm của Hãng hàng không sẽ được căn cứ theo thỏa thuận giữa Hãng hàng không và hành khách hoặc thân nhân hành khách trên cơ sở các thông tin cơ bản như (1) kết luận về mức độ lỗi của Hãng hàng không trong vụ tai nạn theo điều tra của Nhà chức trách có thẩm quyền (2) mức độ thương tật của hành khách trong trường hợp hành khách bị thương (3) hoàn cảnh tài chính của hành khách như độ tuổi lao động, mức lương, thu nhập, số người phụ thuộc tài chính…Trong trường hợp Hãng hàng không và hành khách không thể thỏa thuận với nhau thì vụ việc có thể được quyết định theo phân xử của Tòa án.
Sau khi thanh toán bồi thường cho hành khách hoặc thân nhân hành khách thì Hãng hàng không có thể yêu cầu Công ty bảo hiểm thanh toán bồi thường cho Hãng hàng không theo phạm vi bảo hiểm trách nhiệm mà Hãng hàng không đã mua.
Theo quy định tại Điều 163 của Luật Hàng không thì “Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách”. Tuy nhiên Luật Hàng không không quy định giới hạn trách nhiệm Hãng hàng không phải mua mà tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, đội tàu bay khai thác mà mỗi Hãng hàng không sẽ mua bảo hiểm với mức trách nhiệm khác nhau, nhưng thông thường đây sẽ là mức trách nhiệm của chung đối với 1 tàu bay trong trường hợp rủi ro cao nhất xảy ra, bao gồm cả hành khách chết hoặc bị thương, thiệt hại tài sản đối với bên thứ ba hoặc hành lý hàng hóa vận chuyển.
Ngành hàng không Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Duy trì hơn 25 năm liên tục việc bảo đảm an toàn hàng không trong vận tải hàng không thương mại; đạt được Chứng nhận của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1-mức cao nhất của Cục Hàng không Liên bang Mỹ; các hãng hàng không Việt Nam luôn duy trì chỉ số an toàn khai thác cao và được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cấp Chứng nhận An toàn khai thác./.