Tiếp và làm việc với đoàn có ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đỗ Thị Nguyệt Tú - Giám đốc Sở TT&TT; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đại diện các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu kết luận buổi làm việc
Hiện nay trên địa bàn tỉnh 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đều có mạng cục bộ (LAN), kết nối mạng WAN và Internet. UBND tỉnh Hà Nam đã triển khai đào tạo tin học cơ bản cho hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh. Ngoài ra, đối với các phần mềm chuyên ngành, các cán bộ, công chức có liên quan đều được tập huấn và có thể sử dụng thành thạo vào công việc chuyên môn. Tỷ lệ cán bộ, công chức có thể sử dụng máy tính trong công việc là 98%. Tại mỗi sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo CNTT, Cổng thông tin điện tử do thủ trưởng cơ quan làm trưởng ban; có 01 cán bộ chuyên trách về CNTT (quản trị mạng), trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh dưới dạng điện tử (đồng thời gửi văn bản giấy) là 90%; tỷ lệ văn bản trao đổi của tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử là 60%. Tất cả các cơ quan triển khai hệ thống Một cửa điện tử, cung cấp từ 50 - 70% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 03 và có 06 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 04 để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn: Chưa có văn bản quy phạm pháp luật của trung ương quy định về văn thư lưu trữ để ứng dụng CNTT phục vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3,4; chưa có danh mục chi tiết các hoạt động ứng dụng, dịch vụ CNTT bắt buộc, khuyến khích thuê dịch vụ CNTT; thiếu các văn bản pháp lý cũng như các căn cứ để lập dự toán, thẩm định giá, phê duyệt dự toán thuê dịch vụ ứng dụng CNTT.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới Hà Nam tập trung xây dựng khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng lộ trình ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; triển khai các nội dung khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến...
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn kiểm tra đã báo cáo kết quả kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT tại Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Thanh Liêm. Theo đó, tại Sở Xây dựng, các văn bản đều đã được cơ quan xử lý trên mạng, 02 cơ quan còn lại việc ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế, mới chỉ cập nhật văn bản đến, đi trên mạng, chưa xử lý các văn bản qua mạng. Các cơ quan đầu tư kinh phí cho ứng dụng CNTT còn thấp; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức so với yêu cầu, đa phần các thiết bị đã cũ và lạc hậu; trình độ của cán bộ chưa đồng đều gây khó khăn cho việc triển khai; chưa thực hiện hết chức năng của các phần mềm ứng dụng CNTT; tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử chưa cao... Đến nay tỉnh Hà Nam vẫn chưa triển khai chữ ký số tại các cơ quan.
Cũng tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn kiểm tra cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã thẳng thắn trao đổi, bàn bạc, giải trình làm rõ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị.
Các đại biểu dự buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Vũ Đại Thắng cảm ơn đoàn đã đến kiểm tra và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong ứng dụng CNTT tại tỉnh. Tỉnh Hà Nam tiếp thu và sẽ có phương án khắc phục những tồn tại này trong thời gian tới. Hà Nam đã triển khai 50-70% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, tuy nhiên chưa có bộ hồ sơ nào đăng ký trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Bộ TT&TT tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về văn thư lưu trữ để ứng dụng CNTT phục vụ hành chính công trực tuyến mức 3 và mức 4; tham mưu các văn bản pháp lý để lập dự toán, thẩm định giá, phê duyệt dự toán, đấu thầu... thực hiện thuê dịch vụ CNTT; công bố trên Cổng Thông tin của Bộ danh sách các doanh nghiệp CNTT sẵn sàng cung cấp dịch vụ và danh mục các dịch vụ đủ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp này cung cấp; sớm có hướng dẫn về mạng truyền số liệu chuyên dùng; nghiên cứu, xem xét lại lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là mức độ 4 rất khó triển khai…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Việc ứng dụng CNTT của tỉnh Hà Nam thời gian qua đã đạt được hiệu quả cao so với kinh phí đầu tư của tỉnh về lĩnh vực này. Trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính; quan tâm đầu tư bài bản, đồng bộ và lâu dài hạ tầng CNTT; tập trung xây dựng khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường hơn nữa việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu và phần mềm của cơ quan nhà nước. Tỉnh cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin thông qua việc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, xây dựng quy trình và đào tạo nguồn nhân lực. Việc triển khai thực hiện Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy tỉnh không nên áp dụng triệt để theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg mà cần cân nhắc xem hạng mục nào cần phải đầu tư, hạng mục nào đi thuê. Liên quan đến một số đề xuất của tỉnh về lĩnh vực ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng sẽ báo cáo với Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ xem xét và giải quyết.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, buổi sáng, đại diện Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT chủ trì đã có buổi làm việc với Sở TT&TT Hà Nam./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam