Doanh nghiệp CNTT - TT hướng tới nền công nghiệp tự chủ, tự cường “Make in Vietnam”

Vinh Phạm| 18/11/2020 19:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) đã thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, với mức tăng trưởng dự báo tương đối cao với mức 7,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, ngành TT&TT vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp (DN) FDI, do đó cần phát triển mạnh nhóm doanh nghiệp Make in Vietnam.

DN CNTT - TT hướng tới nền công nghiệp tự chủ, tự cường “Make in Vietnam” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm Doanh nghiệp sản phẩm Công nghệ số Make in Việt Nam – Vibrand 2020.

Hội thảo và Triển lãm doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020 – Vibrand 2020 tổ chức ngày 18/11, do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện bao gồm hoạt động triển lãm các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt và hội thảo về phát huy thế mạnh doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo, nhiều giải pháp ứng dụng, sản phẩm công nghệ số như nền tảng quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov, nền tảng quản lý trường học MISA QLTH, nền tảng quản lý cán bộ MISA QLCB giúp cơ quan chủ quản, đơn vị hành chính sự nghiệp thay đổi phương thức quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu toàn ngành; Các giải pháp của Viettel như Y tế thông minh TeleHealth, Giáo dục thông minh Viettel Study, Giải pháp định danh khách hàng điện tử EKYC, Nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt Cyber CallBot; Các giải pháp phần mềm của Trung tâm Công nghệ Phần mềm Đại học Cần Thơ,…

Cần thực hiện chiến lược "Make in Viet Nam"

Năm 2019, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 112,35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu công nghiệp ICT đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Công nghiệp ICT đã đưa TT&TT trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của cả nước, với khoảng 5,59% năm 2018, đến năm 2019 là 7,55% và năm 2020 dự kiến đóng góp khoảng 7,3%. Nếu tính cả khối FDI thì ngành TT&TT đóng góp khoảng trên 16% GDP.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, cho biết: "Các con số cũng cho thấy sự phát triển thiếu bền vững khi còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Chúng ta cần thực hiện chiến lược phát triển mới đi bằng hai chân. Đối với doanh nghiệp FDI là thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, tiếp tục thu hút đầu tư FDI nhưng là FDI chất lượng cao. Ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ số, các dự án có tính lan tỏa, tạo chuỗi của doanh nghiệp trong nước... Đối với công nghiệp ICT trong nước, đó là thực hiện chiến lược "Make in Viet Nam" hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, tự cường thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ, những công đoạn có giá trị gia tăng cao".

Trong chiến lược này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tiên phong trong thực hiện đột phá chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyền đổi số. Doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm "Make in Viet Nam". Thông qua đó, doanh nghiệp công nghệ số sẽ giải quyết các bài toán Việt Nam, cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đồng đều các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống, kinh tế xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Bên cạnh việc tạo ra hàng hóa chất lượng cao, về mặt truyền thông, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng nội địa của người Việt Nam. Cuộc vận động từng bước thay đổi nhận thức và thói quen mua sắm trong tiêu dùng, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ có chất lượng của các doanh nghiệp trong nước.

Làm thế nào để đưa các doanh nghiệp CNTT - TT Việt Nam phát triển?

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Sự kiện Vibrand 2020 được tổ chức trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia và dự kiến sẽ ký ban hành Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam nằm trong top 30 cường quốc về CNTT, chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. TP. Hồ Chí Minh tích cực tiếp tục xây dựng trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2, triển khai Chương trình chuyển đổi số của Thành phố theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/07/2020 nhằm phát huy các thế mạnh của Thành phố, giải quyết các thách thức hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao sự kiện Vibrand 2020 và xem đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp, tổ chức trong nước và ngoài nước gặp gỡ trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tạo các cơ hội chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng thu hút và hợp tác đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, trong thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, thuộc lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như: sản xuất thiết bị thông minh, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, an ninh mạng, thương mại điện tử, fintech…

Song song đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G. Rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông tin tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh…

Bài liên quan
  • Vì mục tiêu chip “Make in Vietnam”
    Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đi đôi với thu hút các nhà đầu tư quốc tế, là lựa chọn mà Việt Nam có thể theo đuổi để mở ra cơ hội phát triển sôi động cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp CNTT - TT hướng tới nền công nghiệp tự chủ, tự cường “Make in Vietnam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO