Doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi CĐS?

NK| 07/10/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo thực trạng chuyển đổi số (CĐS) ngành gỗ do Novaon Tech thực hiện, mặc dù ra đời từ lâu nhưng các doanh nghiệp (DN) trong ngành gặp nhiều khó khăn trong việc quản trị, xây dựng kế hoạch... dẫn đến khó cạnh tranh trong tương lai.

Báo cáo thực trạng CĐS ngành gỗ, do Novaon Tech thực hiện cùng sự đồng hành của Hiệp hội Internet Việt Nam, cho thấy năm 2021 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm liên quan tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá/nhóm hàng hóa tại Việt Nam với 14, 808 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2021. Các DN ngành gỗ ra đời từ lâu nhưng năng lực quản trị của các DN này còn thấp, đặc biệt là hệ thống ứng dụng CNTT trong hệ thống quản trị.

Khảo sát dựa trên 50 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh và chế biến gỗ tại Việt Nam: 70% số người tham gia khảo sát đang nắm giữ chức vụ chủ tịch/CEO/CIO; 50% số DN tham gia có doanh thu trên 300 tỷ/năm; hơn 80% DN khảo sát có số lượng nhân sự từ 200 người trở lên; hơn 60% DN có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trên 50%.

Doanh nghiệp ngành Gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi CĐS? - Ảnh 1.

Quy trình chưa cao, sử dụng nhiều giấy tờ, kiểm soát dữ liệu sản xuất là những thách thức lớn nhất mà DN ngành gỗ phải đối mặt về quản lý sản xuất.

Tỷ lệ ứng dụng CĐS vào sản xuất còn rất thấp

Phần lớn (hơn 70%) các DN ngành gỗ đang hoạt động vẫn đang sử dụng các công cụ thủ công trong khâu quản lý vận hành và gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch - tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh. DN trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu. Việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững cũng là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng với ngành chế biến gỗ Việt Nam mà còn của cả thế giới.

Cụ thể, đối với hiện trạng áp dụng phần mềm quản lý sản xuất, báo cáo cho thấy: 9,1% DN đã sử dụng phần mềm quản lý sản xuất nhưng chưa thực sự hài lòng; 18,2% đã sử dụng nhưng cần mở rộng thêm tính năng; không một DN nào sử dụng và cảm thấy hài lòng về phần mềm quản lý sản xuất. Từ những số liệu này đã cho thấy, dù là một ngành sản xuất đặc thù nhưng tỷ lệ DN ứng dụng CĐS vào sản xuất vẫn còn rất thấp.

Thậm chí, ngay cả những DN đã ứng dụng phần mềm điều hành sản xuất cũng cho thấy rất nhiều vấn đề: 40% DN đánh giá phần mềm có hiệu quả nhưng cần cải tiến thêm; 40% DN đánh giá phần mềm điều hành sản xuất chỉ đạt hiệu quả thấp. Trong khi đó, không đơn vị nào đánh giá phần mềm này hiệu quả và tác động tốt đến hiệu quả hoạt động. Việc này cho thấy, rất ít DN thực sự đầu tư vào chất lượng CĐS bên cạnh chất lượng phần mềm có thể cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.

Theo đánh giá từ phần lớn DN tham gia khảo sát, những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt đó là: vẫn đang sử dụng nhiều giấy tờ, các file theo dõi khác nhau; quy trình sản xuất hiệu quả chưa cao, chưa biết rõ các sản phẩm lỗi ở công đoạn nào; khó khăn trong việc đưa ra kế hoạch sản xuất và hoạch định nguồn lực sản xuất; kiểm soát dữ liệu sản xuất. "Đây là những khó khăn lớn nhất mà DN gỗ gặp phải, bên cạnh những thách thức khác như không cập nhật/nắm bắt được các thông tin kho hàng, không có công cụ lưu trữ dữ liệu…", báo cáo khẳng định.

Về những tính năng được quan tâm nhất trong phần mềm quản lý sản xuất, báo cáo cho thấy: 90,9% mong muốn có thể lập kế hoạch sản xuất; 100% muốn được quản lý chất lượng ngay trên nền tảng; 72,7% DN mong muốn có thể quản lý các sản phẩm hỏng hóc. Để từ đó, các DN có thể: dự toán giá thành chính xác (mục tiêu 100% đơn vị); theo dõi sát sao quy trình sản xuất, thống kê kết quả (90,9%); dự báo nhu cầu sản xuất sản phẩm (54,5%).

Doanh nghiệp ngành Gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi CĐS? - Ảnh 2.

Chỉ 8,3% DN được khảo sát cảm thấy hài lòng với phần mềm quản trị nhân sự đang sử dụng.

Bài toán về tối ưu và giữ chân nguồn nhân lực

Ngoài ra, tối ưu nguồn nhân lực cũng là một vấn đề lớn mà các DN trong ngành đang phải đối mặt. "Đây một điểm bất lợi khiến nguồn lực lao động Việt Nam đang không phát huy được hết khả năng vốn có và không thể bứt phá so với nguồn nhân sự của các nước trong khu vực nói chung và với ngành gỗ nói riêng", báo cáo của Novaon Tech nhấn mạnh.

3 thách thức lớn nhất mà các DN gặp phải trong quá trình CĐS liên quan đến nhân lực bao gồm: tuyển dụng và giữ chân nhân sự (81,3%); lạm phát khiến chi lương tăng nhanh (60,4%); hiệu suất nhân sự chưa cao (54,2%). Những khó khăn khác cũng cần đến yếu tố công nghệ để cải thiện như quản trị nhân sự còn thủ công, tốn nhiều thời gian trong khi số lượng nhân sự lớn hay xây dựng văn hóa DN, đào tạo nhân sự…

Theo báo cáo, những khó khăn này gặp phải là do DN vẫn chưa sử dụng phần mềm quản trị nhân sự hoặc vẫn sử dụng Excel (54,2%), một số đơn vị đã dùng nhưng chưa hài lòng (12,5%) hay chủ yếu ở mức độ cơ bản (25%).

Chưa kể đến, sự thiết hụt lao động cũng như giá thành lao động cao, chi phí nguyên vật liệu tăng bắt buộc các DN phải cấu trúc lại mặt hàng của mình, chọn những mặt hàng thực sự cạnh tranh.

Theo khảo sát, lượng lao động thiếu hụt của DN ngành gỗ khoảng 15-20%. Do đó, cần phải có các giải pháp để quản lý và giữ chân người lao động hiệu quả, đồng thời tạo ra các giá trị trải nghiệm cho người lao động, không chỉ đối với những nhân viên văn phòng mà kể cả các công nhân trong nhà máy sản xuất như tính năng quản lý công lương tự động (87,5% DN mong muốn), tính năng quản lý KPI, đánh giá nhân sự (79,2%) hay quản lý tuyển dụng (66,7%)…

Doanh nghiệp ngành Gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi CĐS? - Ảnh 3.

Các DN ngành gỗ ít chú trọng đến việc quản lý khách hàng vì cho rằng với số lượng nhỏ thì hoàn toàn có thể tự mình quản lý thay vì ứng dụng CNTT.

Hơn 82% DN đang quản trị khách hàng thủ công

Cũng theo báo cáo thực trạng CĐS ngành gỗ, tình hình sử dụng và triển khai phần mềm quản lý nguồn lực khách hàng còn nhiều bất cập: 23,5% đã sử dụng phần mềm và thực sự cảm thấy hài lòng, khi có thể đáp ứng được nhu cầu; 29,5% đã sử dụng và thấy rằng phần mềm cần được cải thiện để phù hợp hơn với nhu cầu; 47,1% chưa ứng dụng phần mềm và đang sử dụng Excel để quản lý tập khách hàng.

Báo cáo cho rằng thực trạng này cũng nói lên một đặc điểm của ngành khi phần lớn DN hoạt động đều là những đơn vị thuần sản xuất, các khách hàng đa phần là DN (B2B). Chính vì vậy, các công ty ít chú trọng đến việc quản lý khách hàng vì cho rằng với số lượng nhỏ thì hoàn toàn có thể tự mình quản lý. "Đây là một trong những suy nghĩ sai lầm vì ứng dụng phần mềm có thể đưa ra những báo cáo đo lượng về hành vi, vòng đời khách hàng. Từ đó giúp DN khai thác điểm chạm và nâng cao hiệu quả kinh doanh", báo cáo nhấn mạnh.

Trong đó, 4 thách thức mà phần lớn DN phải đối mặt trong việc quản lý khách hàng đó là: quản trị khách hàng thủ công, tốn nhiều thời gian và nguồn lực (chiếm 70,8% DN thực hiện khảo sát); thị trường có mức độ cạnh tranh lớn, độ trung thành của khách hàng thấp, chưa có phương án tối ưu để giữ chân (66,7%); dữ liệu khách hàng lớn nhưng bị phân tán, chưa được phân nhóm, phân loại (62,5%); quản lý KPI và hiệu suất của bộ phận bán hàng, tiếp thị, chăm sóc khách hàng (45,8%).

Báo cáo của Novaon Tech cũng chỉ ra những mục tiêu của DN sau khi ứng dụng phần mềm quản lý nguồn lực khách hàng như giữ chân khách hàng: tăng doanh thu sau bán hàng (79,2%), quản trị dữ liệu khách hàng (75%), giảm thời gian tương tác, báo cáo thủ công (58,3%)…

Đối với thực trạng CĐS dữ liệu và báo cáo điều hành (Data warehouse & BI), báo cáo cũng chỉ ra 90% DN chưa thực hiện triển khai và ứng dụng trong DN. Tuy nhiên, các DN đều có kế hoạch triển khai và ứng dụng nền tảng này trong vòng từ 2-5 năm tới.

Data warehouse & BI là một nhánh CĐS chỉ được áp dụng bởi các DN có quy mô lớn, với khối dữ lượng dữ liệu khổng lồ, cần được lưu trữ và phân loại, phân tích chuyên sâu. Từ đó đưa ra những báo cáo phân tích hữu ích dành cho lãnh đạo. Đó cũng là lý do tại sao những DN có quy mô tầm trung sẽ ít có sự quan tâm đến hạng mục CĐS này.

Nhưng trong thời gian sắp tới, Data warehouse & BI sẽ là một trong những mảng CĐS được ưu tiên hàng đầu trong ngành gỗ khi khối lượng dữ liệu từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, kho hàng, máy móc… của DN là cực lớn. Việc ứng dụng nền tảng này sẽ giúp phân tích, tổng hợp ra những báo cáo chuyên sâu, hữu ích phục vụ công tác quản trị: 88,9% kỳ vọng thực hiện báo cáo, giúp cho lãnh đạo nắm được tình hình sản xuất và kinh doanh theo thời gian thực, mọi lúc mọi nơi; 66,7% muốn năng cao khả năng ra quyết định của lãnh đạo tầm trung; 22,2% mong muốn chuẩn hóa dữ liệu của tổ chức và nâng cao năng lực cạnh tranh của cán bộ nhân viên.

Đặc biệt, 100% DN khảo sát đều mong muốn tiết kiệm chi phí và thời gian làm báo cáo khi triển khai Data warehouse & BI trong công ty./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi CĐS?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO