Doanh nhân làm nông thời 4.0

Hoàng Nhật| 01/11/2022 14:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Dùng điện thoại di động có kết nối Internet để trồng và quản lý nông sản tại các trang trại cách xa hàng trăm km, nhưng vẫn cho năng suất cao hơn 2 - 3 lần so với trồng rau thông thường. Đây là một trong những tiện ích mà hệ thống vạn vật kết nối Internet của Đặng Xuân Trường và các cộng sự mang lại cho những người làm nông nghiệp.

Kỹ sư Bách khoa “bẻ lái” sang làm nông nghiệp//<![CDATA[//]]>//

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Đặng Xuân Trường (sinh năm 1991) chưa từng nghĩ sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với nông nghiệp. Bước ngoặt chỉ tới vào năm 2015, khi Trường có dịp trò chuyện với nhóm sinh viên ngành nông nghiệp và được nghe họ kể về những vấn đề an toàn thực phẩm. Trở về, anh nhận thấy sản xuất nông nghiệp sẽ rất hấp dẫn nếu ứng dụng công nghệ thông tin.

“Sau những lần tiếp xúc với các bạn sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tôi nhận thấy tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch vì thực phẩm không bảo đảm an toàn đang đe dọa sức khỏe người dân hằng ngày. Vậy nên, tôi muốn làm điều gì đó có thể ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giải bài toán thực phẩm an toàn tại các thành phố lớn”, anh Trường nói. 

Quyết tâm là thế nhưng phải đến khi gặp chị Hoàng Thị Yến Mai, Thạc sĩ nông nghiệp, ý tưởng này mới được thực hiện. Hai người trẻ với nhiệt huyết, khát khao khởi nghiệp sáng tạo đã thành lập nhóm khởi nghiệp với tên gọi Hachi.

Năm 2016, nhóm kết nạp thêm bốn thành viên 9X có cùng đam mê và thành lập Công ty CP Công nghệ cao Hachi Việt Nam. “Theo tiếng Nhật, Hachi có nghĩa là con ong. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cần cù của Hachi trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Nhưng cũng phải thực sự chăm chỉ và cần cù thì mới đi cùng được Haichi”, anh Trường cho biết.

Gián tiếp cung cấp 200 tấn rau sạch mỗi tháng

Sau gần một năm nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên được Hachi được giới thiệu là công nghệ thủy canh tự động vào năm 2017. Công nghệ thủy canh tự động của Hachi được ứng dụng trên thiết bị di động, gồm việc quản lý, kiểm soát các thông số môi trường về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, kích hoạt led và máy bơm phù hợp với từng loại cây. 

Doanh nhân làm nông thời 4.0 - Ảnh 1.

Với hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone). Theo đó, người dân và những người làm nông nghiệp có thể dễ dàng trồng rau sạch mà không tốn nhiều thời gian, công sức. Với hệ thống này, không cần nhiều đất, không cần ánh sáng, không tốn công chăm sóc, chỉ cần một chiếc smartphone kết nối mạng, mọi người đã có thể sở hữu những luống rau tươi, sạch tại nhà. 

TRỒNG RAU QUA SMARTPHONE

Chia sẻ cơ chế vận hành của ứng dụng Hachi, anh Trường cho biết người dùng chỉ cần tải ứng dụng trên điện thoại di động và đăng ký, đăng nhập, quét mã QR CODE trên thiết bị của Hachi rồi đăng nhập wifi để kết nối với server. Sau đó, người dùng mở ứng dụng di động đã được kết nối với thiết bị, chọn loại cây đang trồng và kích họat chế độ tự động.

“Mọi thao tác chăm sóc sẽ được thực hiện cho loại cây đó. Hệ thống áp dụng được hầu hết các loại rau ăn lá và rau gia vị”, anh Trường nói.

Với khách hàng là hộ gia đình ở thành phố, Hachi có 2 dòng sản phẩm. Thứ nhất, sản phẩm trong nhà với hệ thống sẽ tự động bật tắt LED thay cho ánh sáng mặt trời và tự động bơm dinh dưỡng từ bể chứa có sẵn.

Thứ hai, sản phẩm ngoài ban công, không cần sử dụng đèn LED vì đã có ánh sáng mặt trời. Hệ thống sẽ tự động bơm dinh dưỡng lên các máng trồng cây thủy canh, có thể điều khiển tự động hoặc thông qua máy smartphone.

Với khách hàng là trang trại, Hachi sẽ tham gia xây dựng mô hình trang trại từ bản vẽ và chuyển giao công nghệ. “Quy trình từ lúc gieo hạt đến lúc bắt đầu trồng và thu hoạch đều được bàn giao khi ký hợp đồng. Tương tự, là hệ thống tự động bơm dinh dưỡng vào các ống trồng thủy canh và kiểm soát nồng độ dinh dưỡng cũng như pH để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây”, anh Trường cho biết.

Theo anh Trường, điểm đặc biệt trong hệ thống trồng rau của Hachi là người dùng có thể trồng rau mọi lúc mọi nơi. “Người trồng không phải động tay, động chân để chăm sóc

rau và ngay cả khi người trồng đi công tác xa thì rau vẫn phát triển bình thường qua chiếc smartphone làm nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc”, anh Trường nói.

Cũng theo anh Trường, ưu điểm vượt trội của sản phẩm này là sử dụng các loại cảm biến, tự động theo dõi, giám sát điều kiện môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone. Toàn bộ dữ liệu sẽ được gửi lên server của Hachi và cập nhật trong ứng dụng di động Hachi của người dùng.

Từ đó người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra những giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng và các mức độ cảnh báo thông qua smartphone. Hệ thống sử dụng đèn LED chiếu sáng nhân tạo có thể đặt trong nhà.

Khác với cách trồng thông thường, người dùng chỉ cần bổ sung nước hai lần một tuần và thay hạt giống cây sau khi thu hoạch cây cũ. Trong trường hợp các thông số có sự biến đổi, máy chủ sẽ gửi lại yêu cầu tưới hoặc bổ sung ánh sáng cho hệ thống thực hiện. Giao diện trên ứng dụng của người dùng hiển thị chi tiết các thông số về điều kiện môi trường, dưỡng chất trong nước, nhật ký những biến đổi theo thời gian. Việc ứng dụng giải pháp này có thể giúp tăng tốc độ sinh trưởng của cây khoảng 30-50%, bảo đảm rau quả sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường sâu bệnh bên ngoài và trồng được cả những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.

Với quy mô gia đình, anh Trường cho biết mỗi bộ sản phẩm của Hachi có giá dao động trongkhoảng 3-5 triệu đồng tùy theo kích thước của giàn trồng. Hệ thống của với giàn tiêu chuẩn hai tầng 46 lỗ có thể cung cấp khoảng 5-6 kg rau mỗi vụ thu hoạch cho một gia đình. "Để đảm bảo lượng rau ổn định, người dùng có thể trồng gối vụ hoặc đặt mua cây giống con để giảm 30% thời gian thu hoạch xuống chỉ còn 10-15 ngày", anh Trường nói.

Với mô hình trang trại, chi phí có thể dao động từ 50 - 100 triệu đồng với các trang trại quy mô nhỏ hoặc 5 - 7 tỷ đồng cho các mô hình quy mô sản xuất lớn. Như vậy, so với các thiết bị từ nước ngoài với giá khoảng từ 3.000 - 30.000 USD, sản phẩm của Hachi có giá rẻ hơn khá nhiều. Điểm quan trọng nhất của hệ thống này, theo anh Trường, là việc doanh nghiệp tận dụng được lượng dữ liệu thuần Việt để đưa ra những cảnh báo phù hợp với thói quen cách canh tác của người Việt.

Ngoài ra, việc ứng dụng mô hình của Hachi sẽ giúp các gia đình tận dụng được khoảng không gian với mô hình nhà phố, có nguồn cung ứng thực phẩm sạch ngay tại nhà và thêm không gian xanh. Với các trang trại, chủ trang trại sẽ có một mô hình kinh doanh hiệu quả hơn với thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng hơn 1 năm.

Sau hơn 5 năm triển khai, mô hình trồng rau thông minh cho Trường và các cộng sự xây dựng đã triển khai gần 100 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc. Điển hình là Dự án Trang trại thủy canh giáo dục TEKY 30m2 tại Hà Nội, Trang trại thủy canh NFT Delco Eco Farm 1.000 m2 tại Bắc Ninh... 

Doanh nhân làm nông thời 4.0 - Ảnh 3.

Ngoài ra, Hachi cũng thực hiện được 1 dự án tại Melbourne, Australia. Hachi gián tiếp cung cấp 200 tấn rau sạch mỗi tháng ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động địa phương. 

Về Hiachi

Công ty CP Công nghệ cao Hachi Việt Nam thành lập năm 2016 với sự đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ Việt Nam Silicon Vallley (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hachi ứng dụng công nghệ 4.0 vào các trang trại công nghệ cao, giúp tăng năng suất, không sử dụng thuốc trừ sâu.

Sản phẩm trồng rau bằng smartphone Hachi đã liên tiếp giành nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Techfest 2016 (Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức). Giải Dự án Nông nghiệp xuất sắc nhất Startupwheel 2016. Giải Startup triển vọng Nhân tài đất Việt 2016. Giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Top 7 startup sáng tạo nhất châu Á do Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân làm nông thời 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO