Bạn đọc một cuốn sách để khoe rằng mình đã đọc nó, đấy là không tận tâm. Bạn đọc một cuốn sách dù bạn không thích, dù bạn không thoải mái về sức khỏe và tinh thần. Đấy là không tận tâm. Bạn đọc, rồi bỏ dở, rồi tìm cách đổ tại cho việc bỏ dở đó, đấy là không tận tâm. Bạn đọc như tiếp một người bạn thân, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi, thân thiết thoải mái, muốn gặp lại nhiều lần nữa, đấy là tận tâm.
Hồi thiếu niên, tôi đọc thật sự nhiều, đọc suốt ngày suốt đêm, cứ thấy chữ là đọc. Đi mua bánh mỳ thì đọc cái giấy gói bánh. Bộ kiếm hiệp "Thần điêu đại hiệp" (tác giả Kim Dung) dày mười mấy tập, tôi đọc chưa đến 1 tuần, cứ ra hàng thuê truyện ngày 2 lần sáng tối đều đặn.
Lên cấp 3, ngày ngày tôi "mài đũng quần" ở Thư viện Quận Hoàn Kiếm và Thư viện Hà Nội. Lên đại học, thì thực sự sướng phát khóc khi được vào Thư viện Quốc gia. Có những cái thư viện như thế giới riêng của mình, như là thư viện trường đại học, thư viện cơ quan... Đọc nhiều, khiến tôi nghĩ việc đọc là cánh cửa duy nhất để có tri thức, để hiểu biết.
MỘT SỐ CUỐN SÁCH MÀ TÔI YÊU THÍCH:
1/ Bộ tiểu thuyết "Cội Rễ" – tác giả Alex Haley - NXB Tác phẩm mới ấn hành năm 1984
Đây là bộ tiểu thuyết xuất sắc kể về chế độ nô lệ ở Mỹ. Bản dịch tiếng Việt chia làm 2 tập. Tập 1 viết rất kỹ về văn hóa, phong tục của Châu Phi, và sự xuất hiện của những kẻ săn nô lệ đến từ bên kia đại dương. Tập 2 tiếp tục mạch truyện về những người nô lệ da đen đầu tiên của nước Mỹ, sự tàn ác của những chủ nô, và quá trình đấu tranh không lùi bước của những người thèm khát tự do. Sách do một luật sư da đen viết trong quá trình lần tìm cội nguồn tổ tiên của mình 17 đời về trước. Được xuất bản vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, cuốn sách đã trở thành một cột mốc tiêu biểu của đời sống văn học nước Mỹ vì vào thời điểm đó, chủ đề người da màu vẫn được cho là nhạy cảm. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi cho đến nay Cội Rễ chưa tái bản lần nào ở Việt Nam.
2/ Tiểu thuyết "Thời gian để sống và thời gian để chết" – tác giả Erich Maria Remarque
Câu chuyện của một người lính dưới chế độ Đức Quốc Xã được nghỉ phép trong ba tuần. Vì những kỳ nghỉ trước đó của anh thường bị bất ngờ hủy, lần này anh không viết thư báo cho gia đình sợ rằng họ lại thêm một lần thất vọng. Nhưng khi trở về, anh mới biết ngôi nhà đã bị đánh bom và bố mẹ anh đã mất tích... Remaque là tác giả có tư tưởng phản chiến sâu sắc, cách viết giản dị, hóm hỉnh và đầy chi tiết sắc sảo. Những tiểu thuyết khác của tác giả này cũng rất hay, có thể kể đến Phía Tây không có gì lạ, Ba người bạn, Khải hoàn môn, Bản du ca cuối cùng của loài người đi tìm đất sống… Ở Việt Nam, mảng đề tài này tôi thích nhất Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh.
3/ Tiểu thuyết "Bố Già" – tác giả Mario Puzo
Bố già là cuốn sử thi về thế giới ngầm của Mafia tại Silicy (Italia) đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Đây là cuốn sách có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, rất lôi cuốn. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách tác giả khai thác tâm lý nhân vật cũng như lựa chọn chi tiết để khắc họa tính cách. Nó hoàn hảo đến mức, sau này chỉ cần nhắc đến tên nhân vật là người đọc có thể nhớ đến một dạng nhân cách, tính cách: Bố già thâm trầm, Sony nóng nảy hung bạo, Micheal bình tĩnh lạnh lùng quyết đoán… Ngoài những cuốn sách và các tác giả trên, tôi đọc đa dạng, theo cảm tính, thích gì đọc nấy. Như có giai đoạn tôi thích Mạc Ngôn thì dành cả năm chỉ đọc sách của tác giả này, rồi thôi.
Nhưng thực ra tri thức đâu chỉ nằm trong sách. Nó nằm ở những cung đường đầy bụi. Nằm ở những quán trà đá, hàng cơm bụi vỉa hè. Nằm trong miếng trầu các bà răng đen nhai bỏm bẻm. Nằm trong hơi thở thum thủm vì miệng khô bụng đói của các anh xe ôm. Nằm trong mùi phân trâu bò, trong khẩu âm nặng trịch từng vùng miền. Nằm trong ánh mắt thăm thẳm của một người da đen, trong cái vàng óng ả của một con mèo nằm sưởi nắng. Nằm trong từng ngọn gió, từng làn khói, từng ngọn cỏ đẫm sương.
John Steinbeck - tác giả "Chùm nho phẫn nộ" - sau khi nhận Nobel văn chương năm 1962 thì quyết định nhảy lên xe cùng con chó và đi xuyên nước Mỹ. Vì ông nói rằng, nếu ai đó hỏi ông về nước Mỹ thì ông không biết gì cả. Ông đã ngồi một chỗ quá lâu rồi. Ông không biết về những vùng đất, về những con người của nước Mỹ, để có tư cách mà nói ra. Chuyến đi đấy của J.Steinbeck có viết thành sách, đã dịch ra tiếng Việt, bạn có thể tìm đọc.
Bây giờ thì tôi nghĩ, đọc sách cũng tốt, không thích đọc thì đi va chạm cuộc sống cũng tốt, đi gặp và nói chuyện với những người hay ho cũng tốt, xem phim cũng chả khác gì đọc sách cả - đều là những câu chuyện được kể ra thôi. Còn muốn có kiến thức, thì tùy theo nhu cầu mà chúng ta sẽ dung nạp. Bạn cần thay bóng đèn thì đến lúc đó bạn sẽ học về điện, bạn cần ăn để khỏi chết đói thì tự khắc bạn sẽ trở thành đầu bếp biết dùng dao và nêm mắm muối. Thế thôi. Chỉ có 1 thứ duy nhất độc hại, ngăn cản sự mở mang của chúng ta, đó là định kiến về sự biết. Nếu đọc, hãy tận tâm và hãy thản nhiên.
4/ Ba phút sự thật – tác giả Phùng Quán
Tập ký của nhà văn Phùng Quán cho thấy việc quan tâm và kể lại các câu chuyện mang tính thân phận cần thiết và hay đến thế nào. Cuốn sách tập hợp 15 bài ký sự, bài viết về những người đồng đội và cũng là người bạn nghệ sĩ của tác giả, về nỗ lực sáng tác và tình yêu nghệ thuật trong cuộc sống vất vả, khó khăn của họ trong chiến tranh.
5/ Phải – Trái – Đúng Sai – tác giả Michael Sandel Cuốn sách này dặn người đọc hãy thận trọng trước vô vàn thông tin, lùi lại và bình tĩnh quan sát, chờ đợi trước khi đưa ra kết luận. Trong cuộc sống, điều Đúng – Sai, Phải – Trái luôn luôn tồn tại song song. Cùng 1 vấn đề đó, có người nói Đúng, người bảo Sai, người khăng khăng nói Phải, người quả quyết là Trái. Mỗi người 1 quan điểm, ai cũng có lý. Tuy nhiên, cách hành xử của mỗi người hoàn toàn khác nhau và hầu như những cách hành xử đó không hề có 1 chuẩn gọi là pháp lý hay đạo đức nào cả. Cuốn sách là một khám phá của tác giả về ý nghĩa của công lý, khai mở góc nhìn mới về những cuộc tranh luận quen thuộc.
6/ Tâm lý học đám đông – tác giả Gustave Le Bon
Cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng. Le Bon đã phác thảo xu hướng suy nghĩ của đám đông, cách họ suy luận, cách họ thể hiện cảm xúc cực đoan, cách họ hành động trước khi suy nghĩ thấu đáo và chủ nghĩa bảo thủ không khoan nhượng cực đoan của đám đôm. Ông cũng đã phân tích cách c á nhân vô thức trở thành thành viên của một đám đông và bị điều khiển để hành động.
7/ Trí tuệ của đám đông – tác giả James Surowiecki
Cuốn sách của nhà tâm lý học người Mỹ James Surowiecki, được xuất bản năm 2004 có cách nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn trái ngược với Le Bon về tác động của đám đông đến quyết định tập thể cuối cùng. Nếu như Le Bon quan tâm đặc biệt đến tính "vô thức" của đám đông dễ bị kích động tâm lý thì ngược lại, James Surowiecki chú trọng phân tích tác động "hữu thức" của đám đông dẫn đến trí tuệ tập thể.
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)