Đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất

Ngọc Anh| 02/06/2022 11:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 cho thấy, trong tổng Giai đoạn 2011-2020 thì năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% giai đoạn 2011- 2015 lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Trong đó, con số tăng trưởng được cho là nhờ điểm nhấn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất.

Chỉ số đổi mới sáng tạo tỷ lệ thuận với chỉ số tăng năng suất lao động

Khoa học và công nghệ thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những điểm sáng của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm qua là sự thăng hạng trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO theo từng năm. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia được xếp hạng.

Những số liệu cho thấy, trong giai đoạn 2010-2020, có sự thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo tác động làm tăng năng suất lao động. Cụ thể, giữa năng suất lao động và các yếu tố đầu vào của chỉ số đổi mới có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Nhóm chỉ số đầu vào của chỉ số đổi mới sáng tạo có sự thăng hạng thì sẽ kéo theo sự tăng lên của năng suất lao động Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam, khoa học và công nghệ thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Điều này khẳng định các doanh nghiệp Việt nhất thiết phải đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, sử dụng "đòn bẩy" công nghệ mới tạo những cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không có cách nào khác để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và hội nhập ngoài việc đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Công nghệ mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế

Năm 2021, trong sự kiện công bố các Báo cáo về đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng".

Sản xuất thiết bị tự động tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. Ảnh minh họa.

Sản xuất thiết bị tự động tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. Ảnh minh họa.

Báo cáo về đổi mới sáng tạo chỉ ra: Việc tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.

Ngoài việc định hướng lại các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Đánh giá về các Báo cáo về chỉ số đổi mới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã cho rằng: "Các báo cáo đã chỉ ra vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo".

Báo cáo là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.

Một số yếu tố cản trở đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo, đón đầu công nghệ, thúc đẩy nâng cao năng suất rất cần thiết và có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, với số liệu từ năm 2010 - 2020, thì các yếu tố đầu ra của đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để thúc đẩy năng suất. Bởi vì ngoài những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng có một số vấn đề khi đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực nâng cao năng suất.

Ví dụ thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Các trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ còn chưa phát huy hiệu quả trong thúc đẩy dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ. Các chính sách kinh tế (chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu, …) chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hoá. Đầu tư cho khoa học, công nghệ hiệu quả chưa cao. Việc xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập còn chậm.

Đầu tư để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất hạn chế. Đầu tư để phát triển khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước - quá thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Cơ chế thị trường chưa thực sự vận hành trong lĩnh vực nhân lực khoa học công nghệ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO