Đổi mới thể chế đưa Việt Nam trở thành quốc gia số
Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, với kinh tế số đóng góp 30% GDP, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
Tóm tắt:
Chiến lược chuyển đổi số Việt Nam:+ Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, với kinh tế số đóng góp 30% GDP, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
+ Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng số, khung pháp lý và các nền tảng dữ liệu quốc gia.
- Tiến độ và kết quả đạt được:
+ 100% xã, phường kết nối Internet băng thông rộng.
+ Đưa 311 cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào hoạt động; phát triển các trung tâm dữ liệu lớn.
+ Gần 27 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện.
- Các thách thức chính:
+ Yêu cầu đổi mới thể chế linh hoạt để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ.
+ Bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý thuế trong kinh tế số và giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp.
- Kinh nghiệm quốc tế:
+ Tận dụng khung mô hình Chính phủ số của Liên Hợp Quốc với các nguyên tắc như minh bạch, không phân biệt đối xử, và hợp tác.
+ Chú trọng xây dựng cơ sở pháp lý về giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu và sở hữu trí tuệ (SHTT).
- Định hướng pháp lý cho kinh tế số:
+ Hoàn thiện các luật liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng.
+ Ban hành cơ chế thử nghiệm kiểm soát cho các công nghệ mới.
+ Đẩy mạnh luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong không gian số.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra một chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số (CĐS) và đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (CPĐT), kinh tế số đóng góp 20% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau...
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Mục tiêu và tiền đề Việt Nam trở thành quốc gia số
Về mặt tổng quan, cơ sở cho các chủ trương, chính sách, khung pháp lý của Chiến lược quốc gia về CĐS được khởi động bằng Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 29/9/2019 của Bộ Chính trị. Tiếp đó là Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”; Quyết định số 942/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về một số chỉ tiêu về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS quốc gia đến năm 2030...
Mục tiêu trở thành quốc gia số cũng đã được Đại hội lần thứ XIII năm 2021 của Đảng đặt ra là: “Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về CPĐT, kinh tế số”.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao (Hình 2); Trình độ, năng lực công nghệ, của DN đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KHCN đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển CPĐT; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế; Tối thiểu có 5 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Đánh giá của chính phủ cho thấy:
(i) CĐS là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam;
(ii) phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, “đi trước về trước”, “đi tắt đón đầu”, phát huy tinh thần tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;
(iii) phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, ban chỉ đạo CĐS các cấp (xem Hộp 1).
Hộp 1: Công tác CĐS quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực từ đầu năm 2024
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 2 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thúc đẩy CĐS và triển khai Đề án 06. Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Ủy ban và các ban chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho CĐS quốc gia. Chính phủ đã ban hành 1 nghị định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Đã có 56/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Thứ ba, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. 100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước.
Trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu (CSDL) của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện).
Nhiều trung tâm dữ liệu (TTDL) lớn, hiện đại được khánh thành, đi vào hoạt động trong năm 2023-2024 (như của Viettel, VNPT, CMC...); TTDL quốc gia đang được tích cực triển khai.
Hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho DN (VNPT và Viettel) kinh doanh dịch vụ 5G.
Thứ tư, các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 DN Nhà nước.
Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Đã đưa thêm 311 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đi vào hoạt động (lũy kế đến nay có 2.398 tổng số cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoạt động).
Thứ năm, cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng;
Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023). Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Thứ sáu, kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý 1/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Hiện có 8,2 triệu
khách hàng sử dụng Mobile Money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi.Ngoài ra, có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Nguồn: Phiên họp lần thứ 8 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS
với trọng tâm thảo luận về kinh tế số, sáng 24/4/2024
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình chính phủ số cho phát triển bền vững
Báo cáo Khảo sát CPĐT của Liên Hợp Quốc năm 2024 (UN E-Government Survey 2024) đã đưa ra mô hình chính phủ số cho phát triển bền vững với những gợi mở mà Việt Nam có thể tham khảo trong việc xây dựng khung mô hình chính phủ số của mình.
Khung mô hình chính phủ số này nhằm mục đích giúp các quốc gia lập kế hoạch và thực hiện thành công và các sáng kiến chính phủ số bền vững và đảm bảo rằng chúng được trang bị để giải quyết hiệu quả với cả những thách thức hiện tại và tương lai. Theo đó, Báo cáo nhận định rằng trong bối cảnh kỹ thuật số lai đang phát triển, các dịch vụ số đã trở thành điều bắt buộc đối với chính phủ để phục vụ hiệu quả cho người dân, DN và toàn xã hội, giải quyết các nhu cầu đa dạng của cộng đồng và theo đuổi kết quả tối ưu cho phát triển bền vững.
Các hệ thống và sáng kiến của chính phủ số hiện đang rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, chiếm một phần đáng kể trong hoạt động và đầu tư của khu vực công. Sự phát triển nhanh chóng và lan tỏa toàn cầu của công nghệ số đang tác động đến hệ sinh thái của khu vực công, thúc đẩy quá trình CĐS trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ.
Để tạo ra trải nghiệm liền mạch, toàn diện cho mọi bộ phận dân số, đôi khi với nguồn lực công hạn chế, chính phủ phải áp dụng cách tiếp cận có hệ thống, chiến lược, tích hợp, toàn chính phủ đối với phát triển số được đặc trưng bởi sự thống nhất về chính sách, được hỗ trợ và củng cố thông qua quan hệ đối tác hiệu quả và được hướng dẫn bởi các nguyên tắc và động lực kinh doanh hiệu quả. Việc mang lại các kết quả và tác động mong muốn của chính phủ số đối với phát triển bền vững có thể là một thách thức, đặc biệt là khi các rủi ro và mối đe dọa không được đo lường hoặc đánh giá phù hợp.
Các quốc gia hàng đầu này đã đầu tư vào các nền tảng chính phủ số mạnh mẽ có khả năng quản lý rủi ro và đã chứng minh được tiềm năng thể hiện mức độ phục hồi cao trước những khó khăn hoặc trở ngại trong tương lai. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng số và khuôn khổ quản trị vững chắc trong việc quản lý không chỉ các thách thức hiện tại mà còn cả các thách thức trong tương lai.
Khung mô hình Chính phủ số được thiết kế để giúp hướng dẫn phát triển chính phủ số ở nhiều giai đoạn. Khung mô hình tích hợp bao gồm các lớp sau (từ dưới lên): nguyên tắc, bên liên quan, động lực kinh doanh, chiến lược và ưu tiên, số liệu, mục tiêu và kết quả (xem Hình 3).
Khung mô hình Chính phủ số cung cấp cho Chính phủ một cách tiếp cận có cấu trúc nhưng linh hoạt để theo đuổi quá trình CĐS trong khu vực công. Một tính năng “nền tảng chia sẻ” cho phép các tổ chức trên khắp các lĩnh vực và cấp độ hợp tác, tránh hoặc giảm thiểu sự trùng lặp, áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhất quán và tái sử dụng dữ liệu và các thành phần trong lĩnh vực dịch vụ số trên 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Khung mô hình được coi là một công cụ mà các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo số có thể sử dụng để theo đuổi một cách tiếp cận có hệ thống để hiểu, phân tích và triển khai các sáng kiến số, bao gồm cả những sáng kiến liên quan đến việc sử dụng AI và các công nghệ mới nổi khác.
Trong khi phát triển kỹ thuật số là một yếu tố hỗ trợ xuyên suốt trong tất cả 17 Mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030, các nguyên tắc liên quan đến Mục tiêu 16 có liên quan nhất về mặt hướng dẫn CĐS trong khu vực công. Mục tiêu 16 tập trung vào việc thúc đẩy các xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện, đồng thời xây dựng các thể chế hiệu quả, toàn diện và có trách nhiệm. Có ba lĩnh vực bao gồm tổng cộng 11 nguyên tắc, mỗi lĩnh vực có thể được liên kết với các chiến lược thường được sử dụng của chính phủ và nhiều lĩnh vực trong số đó liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính phủ số (Hình 4).
Xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số: Nền tảng cơ bản cho Việt Nam tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0
Nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0 - 4IR) xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế số được coi là động lực phát triển của mỗi quốc gia, tạo công ăn việc làm và sự phát triển cho xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều nước đã quan tâm và ưu tiên thực hiện CĐS một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, DN để phát triển kinh tế số. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với Việt Nam là phải cần hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ và chặt chẽ về kinh tế số. Trong đó, CPĐT là tiền đề để hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0.
Với mục đích vừa khuyến khích kinh tế số phát triển nhanh chóng, đúng hướng, đồng thời cũng vừa có thể kiểm soát tốt mô hình kinh tế này, tránh sự phát triển biến tướng thì khung pháp lý là một yếu tố rất quan trọng. Do vậy, khung pháp lý phù hợp, hiệu quả là nhu cầu tất yếu đẩy nhanh tiến độ quá trình chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế số. Trong đó, những quy định pháp luật về thực hiện CPĐT, giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng, tội phạm máy tính, quyền SHTT, khả năng cạnh tranh, thuế và an ninh thông tin... sẽ là những nội dung cần phải đặc biệt quan tâm khi xây dựng khung pháp lý cho nền kinh tế số.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới và sửa đổi trong nhiều năm qua trong đó có nhiều quy định tạo thuận lợi CĐS thành công và thực hiện CPĐT, hướng tới Chính phủ số như: Luật Công nghệ Thông tin (CNTT), Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Căn cước công dân, Luật Thống kê... Tuy nhiên, vẫn cần chính sách đột phá và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý để có thể hiện thực hóa mục tiêu đặc biệt quan trọng này.
Thứ nhất, đổi mới thể chế đưa Việt Nam trở thành quốc gia số cần nhiều yếu tố đột phá về nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng công nghệ, thể chế - đột phá quan trọng nhất. Đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy: CĐS không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ, mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới (như: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới). Chính vì vậy, chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số.
Theo đó, CĐS cần thể chế số. CĐS là cuộc cách mạng về thể chế (chính sách, cách làm, quy định...). Tuy nhiên, việc xây dựng thể chế để phục vụ cho công cuộc CĐS đặt ra nhiều thách thức và là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang nỗ lực đi tìm lời giải. Các thách thức bao gồm:
(i) trong việc đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ số;
(ii) những thay đổi trong mối quan hệ giữa các bên trong quá trình tham gia thị trường;
(iii) những thách thức rất lớn trong thực thi pháp luật như bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý dữ liệu xuyên biên giới, thực hiện nghĩa vụ thuế trong kinh tế số...
Thứ hai, xây dựng CPĐT được chính phủ xác định rõ là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Theo đó, hành lang pháp lý trong ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin (theo Quyết định số 714/QĐ-TTg) gồm 6 CSDL quốc gia nằm trong Danh mục này bao gồm: CSDL quốc gia về đăng ký DN (Bộ KH&ĐT), CSDL quốc gia về Dân cư (Bộ Công an), CSDL Đất đai quốc gia (Bộ TN&MT), CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về dân số (Bộ KH&ĐT), CSDL quốc gia về Tài chính (Bộ Tài chính), CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam).
Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số DVCTT thiết yếu cho DN và người dân như: Đăng ký DN, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, BHXH. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT. Nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp luật về: chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước và chế độ bảo mật thông tin...
Đặc biệt, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật CPĐT và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba, xây dựng khung pháp lý về kinh tế số tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số, ban hành, sửa đổi nhiều văn bản luật liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật CNTT, Luật Quản lý thuế, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là khi đất nước đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, các luật điều chỉnh ngày càng tỏ ra bất cập, thiếu đồng bộ đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật trong đó một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm như:
(i) Hoàn thiện pháp luật về DN, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng;
(ii) Hoàn thiện pháp luật về DN, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng;
(iii) Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt cần quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm;
(iv) Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Sửa đổi các quy định về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập DN công nghệ; các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
(v) Hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền SHTT, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam;
(vi) Hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Tạo lập hành lang pháp lý cho việc triển khai các mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với cuộc CMCN 4.0;
(vii) Bên cạnh đó, thiết lập biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN số. Cần chú trọng hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh tế số giữa các DN số với nhau, với người tiêu dùng, với người lao động... đặc biệt giữa các DN truyền thống và các DN số;
(viii) Sớm ban hành khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Kết luận
Kinh nghiệm từ các nhà lập pháp thế giới khi xây dựng khung khổ pháp luật phát triển nền kinh tế số cho thấy họ đều chú trọng vào những nội dung chính như các giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng, tội phạm máy tính, quyền SHTT, khả năng cạnh tranh, thuế và an ninh thông tin...
Có thể nói, mỗi quốc gia có những chiến lược khác nhau trong xây dựng chính sách pháp luật để đạt được đích đến thành công phát triển nền kinh tế số và tất cả đều là những kinh nghiệm quý để Việt Nam nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý phù hợp, hiệu
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 29/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị
về một số chỉ tiêu về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia đến năm 2030; .....[2]. Văn bản pháp luật: Luật CNTT, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật CCCD, Luật Thống kê... Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;....
[3]. Websites và thông tin các bài viết, nhận định trên báo
điện tử: chinhphu.vn; mic.gov.vn; baochinhphu.vn;
diendandoanhnghiep.vn; vnexpress.net; phaply.net.
vn; tuoitre.vn; vneconomy.vn; baodautu.vn; laodong.vn;
vietnamnet.vn; ...[4]. Báo cáo Khảo sát CPĐT của Liên Hợp Quốc năm 2024 (UN E-Government Survey 2024). Chi tiết xem tại
https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/
UN-E-Government-Survey-2024; Khung Chính phủ số của Singapore. Chi tiết xem tại https://
www.smartnation.gov.sg/frameworks-and-blueprints/;
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2 tháng 1+2 năm 2025)