Make in Vietnam

Đón đầu công nghệ mới đưa sản phẩm công nghệ Việt ghi dấu thị trường quốc tế

Hoàng Hà 20/09/2023 09:18

Mục tiêu lớn của chiến lược “Make in Viet Nam” là phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ rất nhanh tại Việt Nam với khoảng 70 ngàn doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp đã khai thác và vận hành tại thị trường nước ngoài. Nhiều sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã khẳng định vị trí ở thị trường trong và ngoài nước, Việt Nam đang tự tin có thể làm chủ các công nghệ hiện đại, sớm thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2045.

anh-mivn-7.jpg

Các doanh nghiệp công nghệ số thành công với các sản phẩm “Make in Viet Nam” có thể kể đến, như: Viettel với thiết bị mạng 5G ở thị trường nước ngoài đạt doanh thu trên 3 tỷ USD; VinGroup chế tạo ô tô xuất khẩu sang Mỹ; FPT với dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ cho các nước phát triển như Nhật, Mỹ và có doanh thu trên 1 tỷ USD; Zalo, ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam có số lượng tài khoản lớn hơn cả Facebook tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã và đang truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho tương lai của công nghệ “Make in Viet Nam”.

Đạt được kết quả đáng ghi nhận này là do thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn có chiến lược rõ ràng, đặt doanh nghiệp công nghệ số là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu “Make in Viet Nam” làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt. Với quyết tâm định hướng phát triển công nghệ số, Việt Nam đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số dưới nhiều hình thức. Chính phủ đã ban hành các chính sách về cách mạng công nghiệp 4.0, về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia hướng đến một nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử, mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá; Khuyến khích các doanh nghiệp lớn tập trung vào những nền tảng, hạ tầng số, tạo bệ phóng cho người dân và doanh nghiệp nhỏ phát triển.

Thời gian qua, việc đón đầu các công nghệ mới như block-chain, siêu tự động hóa, giúp những sản phẩm công nghệ Việt dần ghi dấu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ ngày càng lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế công nghệ cao, tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ số mới, nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới.

Ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc công nghệ Cloud, FPT smart Cloud, khẳng định: "Điện toán đám mây là hạ tầng số, là nền tảng cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số, đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy nền kinh tế số. Vì vậy, chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ tốt hơn, là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp chúng tôi. Các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới đã đi trước Việt Nam nhiều năm và họ đã chiếm lĩnh được thị phần cũng như truyền thông. Việc xây dựng nền tảng Make in Viet Nam đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm làm chủ công nghệ. Doanh nghiệp chúng tôi luôn xác định cần phải xây dựng đội ngũ đủ tốt, có chiến lược phát triển dài hạn, để đủ sức cạnh tranh".

Sau 4 năm kể từ khi thông điệp “Make in Viet Nam” được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu năm sau luôn tăng trưởng cao hơn năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD. Điều này khẳng định các doanh nghiệp số Việt Nam phát huy được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Các cơ quan quản lý cũng đã liên tục có những chính sách để thúc đẩy các sản phẩm “Make in Viet Nam” cũng như các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Các chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đang triển khai như ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam; Tạo nhu cầu; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số đã tạo ra sự chuyển biến tích cực.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài. Chúng tôi đã liên kết các nhóm, tổ tư vấn để hỗ trợ về chính sách, tư vấn về luật, tư vấn về các sản phẩm có thể đưa ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đi trước, đã đầu tư thành công ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tự tin vươn ra thế giới".

“Make in Viet Nam” đã và đang được triển khai mạnh mẽ, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số; Đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số. Tương lai của ngành công nghiệp số Việt Nam đang rộng mở với quyết tâm mạnh mẽ lan tỏa từ Chính phủ đến các Bộ, ngành đến từng doanh nghiệp và người dân. Bởi, Việt Nam nhận thức rõ rằng chỉ khi người Việt Nam thực sự làm chủ các công nghệ hiện đại nhất thì mới có thể chủ động kiến tạo tương lai của chính mình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đón đầu công nghệ mới đưa sản phẩm công nghệ Việt ghi dấu thị trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO