Dự án TRVC hỗ trợ nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long
“Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - (gọi tắt là TRVC)” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV thực hiện tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang với tổng vốn hơn 22 tỷ đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, giá trị lúa gạo chưa cao do đa số vẫn canh tác truyền thống.
TRVC là dự án có tổng vốn hơn 22 tỷ đồng, do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV viện trợ, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027, với mục tiêu cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực dự án triển khai; giúp xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm, giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và rộng ra các tỉnh ĐBSCL.
Giám đốc Dự án TRVC cho biết, thông qua sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, dự án TRVC tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị, mang lại các lợi ích và đồng lợi ích về kinh tế, xã hội cũng như môi trường.
Dự án dự kiến giảm phát thải 75.000 tấn CO2 từ hoạt động canh tác lúa, giảm 30% - 40% lượng giống; giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên, đảm bảo 40%-50% lợi nhuận cho các nông hộ từ sản xuất lúa.
Dự án sẽ tiếp cận 50-60 hợp tác xã và hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000 ha. Ngoài ra, tiến hành hỗ trợ thành lập 10-20 chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm và hỗ trợ ít nhất 10 nhà sản xuất/chế biến/kinh doanh/xuất khẩu gạo chủ lực, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến
Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng khẳng định sẽ đồng hành cùng các dự án về đầu tư hạ tầng thủy lợi, tổ chức lại sản xuất theo mô hình nước mặn, lợ, ngọt và đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL trong thời gian tới.