Du lịch Thủ đô không ngừng đổi mới, sáng tạo để phát triển toàn diện
Những năm qua, du lịch dần trở thành một trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô. Hằng năm, ngành du lịch đóng góp tỷ lệ ngân sách lớn cho thành phố.
Những kết quả ấn tượng
Theo số liệu từ Sở Du lịch TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Thủ đô đạt hơn 14 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023). Khách du lịch nội địa đạt 10,91 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 55,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2024, du lịch Thủ đô đã khai trương 2 sản phẩm du lịch mới gồm: Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” và điểm du lịch cộng đồng bản Miền tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch mới mẽ đang tiếp tục được nâng cấp, tiểu biểu như: Sản phẩm du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử. Hà Nội cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Hướng tới những mục tiêu xa hơn
Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, ngày 31/7/2024, Sở Du lịch TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch Phát triển ngành Du lịch Thủ đô năm 2025.
Trong năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước tính thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Du lịch TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng theo Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn trên địa bàn thành phố. Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư những kỹ năng làm du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm. Tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khoẻ…
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế.
Tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào năm mới 2025, Chương trình Du xuân hữu nghị 2025, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, Festival Áo dài Hà Nội 2025. Triển khai các hoạt động, sự kiện liên kết, hợp tác với một số hãng hàng không nội địa và quốc tế. Nghiên cứu định hướng xây dựng, phát triển ngành sản xuất quà tặng phục vụ du lịch theo hướng có điểm nhấn nhằm quảng bá du lịch Hà Nội tới du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành du lịch Thủ đô thông qua các hoạt động như, ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch. Đẩy mạnh thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội.
Đồng thời nghiên cứu nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội theo hướng có tính ứng dụng cao, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như 3D, FLYCAM, Mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch.
Với kế hoạch triển khai mạch lạc cùng những mục tiêu cụ thể, Hà Nội phấn đấu phát triển ngành du lịch một cách toàn diện, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.