Chuyển đổi số

Dữ liệu giúp giải quyết nhanh TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp

Nhật Minh 15:53 06/06/2023

Một trong số những nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi (CĐS) của các bộ ngành, địa phương, đơn vị chính là xây dựng, hình thành, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Và để đánh giá được những kết quả thực hiện những nhiệm vụ trên của các đơn vị, hàng tháng, Bộ TT&TT đã tổng hợp và đưa ra những đề xuất thực hiện.

Trung bình hằng ngày có khoảng 1,47 triệu giao dịch qua NDXP

Theo Bộ TT&TT, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, tính đến tháng 5/2023, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã ghi nhận có tổng số giao dịch thực là 28.045.703 (trung bình hằng ngày có khoảng 1,47 triệu giao dịch).

“Đặc biệt, thông qua hệ thống NDXP đã giúp hỗ trợ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 20 bộ, ngành và 60 địa phương. Đồng thời, hệ thống giúp kết nối, đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương...”.

Được ghi nhận là đơn vị có đóng góp tích cực trong việc kết nối CSDL quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã kết nối nối dữ liệu với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp (DN) nhà nước (EVN), 03 DN viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin.

Đến nay, trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên.

dlieu.jpg
Dữ liệu giúp giải quyết TTHC phục vụ người dân, DN ngày một tốt hơn.

"Bộ Công an cũng đã tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 03 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (đạt 83%)”,  theo thông tin tổng hợp của Bộ TT&TT.

Cũng đạt những kết quả tích cực như Bộ Công an, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 18/5/2023, cũng đã hoàn thành việc xác thực thông tin của hơn 83 triệu nhân khẩu với CSDL quốc gia về dân cư.

Đơn vị này cũng đã thực hiện việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Và đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã có gần 12,5 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt 97% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT), với hơn 25,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Hơn nữa, BHXH Việt Nam đang tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)….

Đặc biệt, các dữ liệu từ BHXH cấp huyện trở lên đang được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và ngành bảo hiểm đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công.

Cũng đạt được những kết quả số tích cực như hai đơn vị trên, tính đến ngày 22/5/2023, Bộ Tư pháp cũng đã vận hành hiệu quả Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử toàn quốc, kết quả đạt được: Dữ liệu đăng ký khai sinh đạt 35.898.836 (trong đó có 8.696.362 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4.905.771 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH); dữ liệu đăng ký kết hôn (8.810.207); dữ liệu đăng ký khai tử (5.441.461) và dữ liệu khác (9.718.669).

Cũng trong hành trình số hoá, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã đẩy mạnh việc quản lý đất đai theo hướng dữ liệu số. Ngành đã xây dựng mới CSDL cho 160 huyện và chuyển đổi CSDL cho 90 huyện, đồng thời, vận hành CSDL đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố.

Đơn vị cũng đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ CSDL đất đai quốc gia, CSDL đất đai cấp địa phương với Nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các Bộ ngành, địa phương.

Hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố; tiếp tục xây dựng CSDL 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến hoàn thành 6/2023.

Để tạo, thúc đẩy, phát triển nền kinh tế số quốc gia theo hướng bền vững, thì việc hình thành CSDL quốc gia về tài chính là rất quan trọng. Vì điều này, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng, hoàn thiện các CSDL chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính (triển khai 12 CSDL chuyên ngành). Đồng thời, đơn vị đã hoàn thành xây dựng và đã đưa vào triển khai sử dụng 10 CSDL chuyên ngành, 02 CSDL chuyên ngành đang tổ chức nâng cấp và hoàn thiện.

Các đơn vị cần chuẩn hoá chế độ báo cáo

Để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này, cũng trong báo cáo này, Bộ TT&TT đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cho các đơn vị thực hiện, tập trung cho nội dung dữ liệu: Các đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và giải quyết nhanh TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, cần chuẩn hoá chế độ báo cáo, hoàn thành xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Như vậy, có thể nói, ở bước đầu kết quả trên, chúng ta luôn có cơ sở để tin tưởng kết quả trên sẽ không dừng lại, nó sẽ ngày càng được tạo ra nhiều hơn nếu như các đơn vị thường xuyên nỗ lực, phối hợp, hỗ trợ cùng nhau.

Mặt khác, các đơn vị phải tích cực bám sát các yêu cầu, mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 17 và tập trung thực hiện tốt các đề xuất kiến nghị từ Bộ TT&TT nêu trên thì kết quả và các giá trị mong muốn sẽ được tạo dựng ngày một nhiều hơn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dữ liệu giúp giải quyết nhanh TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO