Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp

Trọng Đạt| 14/12/2021 19:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam nên học kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ của Ấn Độ và Singapore. Đây là những điểm sáng về đầu tư khởi nghiệp trên thế giới.

Đó là chia sẻ của ông Đào Quang Bính - Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021 tại Hội nghị kết nối đầu tư vừa được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch CNTT Việt Nam (Vinasa). 

Ông Đào Quang Bính đã có bài phát biểu ấn tượng, thu hút sự quan tâm chú ý lớn từ các đại biểu tham dự hội nghị kết nối đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp tại Việt Nam. 

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, kinh nghiệm từ các nước thành công có thể gợi mở cho Việt Nam phần nào cách thức thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ tiên phong. 

Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp - Ảnh 1.

Ông Đào Quang Bính - Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021.

Ông Bính cho biết, trong số các quốc gia đang nổi lên như một điểm đến thu hút giới đầu tư công nghệ, Ấn Độ là nước có những điểm tương đồng với Việt Nam ở sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, lực lượng lao động năng động và tỷ lệ người dân sở hữu smartphone. 

Những năm gần đây, Ấn Độ là quốc gia có sự bùng nổ về đầu tư và hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp. Số lượng kỳ lân (startup định giá trên 1 tỷ USD) mới của nước này lần đầu tiên đã vượt Trung Quốc. 

Có một điều cần lưu ý khi số lượng kỳ lân mới của Ấn Độ chỉ tăng mạnh thời gian gần đây. Trong thập kỷ từ 2011-2019, Ấn Độ chỉ tạo ra được 22 kỳ lân. Hơn 40% số kỳ lân của Ấn Độ đã xuất hiện chỉ riêng vào năm 2021. Đây là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc áp dụng chính sách siết chặt đối với các công ty công nghệ. 

Theo Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021, các công ty đổi mới sáng tạo luôn muốn có một môi trường ổn định và thuận lợi để phát triển và mở rộng. Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ nhờ đó đã nhận được dòng vốn đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục. Nước này cũng đang nhanh chóng trở thành điểm đến đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư toàn cầu để xây dựng các công nghệ thế hệ mới. 

Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp - Ảnh 2.

40% trong tổng số các startup kỳ lân của Ấn Độ chỉ mới xuất hiện ngay trong năm nay.

Báo cáo đầu tư thế giới năm 2021 của Liên Hợp Quốc cho thấy, Ấn Độ đã trở thành quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 5 toàn cầu. Trong năm 2020, đã có khoảng 64 tỷ USD chảy vào Ấn Độ, phần lớn hướng tới lĩnh vực công nghệ. 

Một hệ thống các quy định lành mạnh, rõ ràng, mang tính hỗ trợ IPO cũng giúp Ấn Độ trở thành điểm sáng trong mắt giới đầu tư mạo hiểm toàn cầu. 

Bên cạnh Ấn Độ, Singapore là một trong các quốc gia nổi bật trong thu hút đầu tư vào các startup công nghệ. Quốc gia này từ lâu đã nổi lên như một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư ngoại và các công ty đa quốc gia.

Không phải thiên đường thuế, thế nhưng Singapore được biết đến như một quốc gia có chính sách thuế đơn giản và cạnh tranh. Quốc đảo sư tử cũng nổi tiếng là quốc gia có hạ tầng và chính phủ thân thiện, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo ông Đào Quang Bính, việc thành lập một doanh nghiệp tại Singapore rất đơn giản, chỉ mất vài ngày. Các công ty này ít chịu các ràng buộc hay hạn chế về hoạt động quốc tế. Đây chính là lý do khiến dòng vốn quốc tế liên tục đổ vào Singapore. 

Các công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore đã huy động được 11,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021. Riêng với lĩnh vực FinTech, Singapore là một trong những trung tâm của ngành FinTech toàn cầu. Dự kiến trong năm 2021, Singapore thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư cholĩnh vực FinTech. 

Singapore cũng đang muốn thể hiện vị thế là một quốc gia quan trọng đối với giới tiền số toàn cầu. Cách tiếp cận cởi mở với tiền số của Singapore đã giúp nước này thu hút được nhiều công ty tiền mã hóa đến đây đặt trụ sở. 

Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp - Ảnh 3.

Ấn Độ và Singapore là những nước mà Việt Nam nên học hỏi khi đưa ra các chính sách về lĩnh vực khởi nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Từ kinh nghiệm thu hút đầu tư của Ấn Độ và Singapore, ông Đào Quang Bính cho rằng, sự ổn định của môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Thêm vào đó, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thân thiện, tránh phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước và khối ngoại. 

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống các quy định lành mạnh, rõ ràng, mang tính hỗ trợ cho các hoạt động IPO và thoái vốn của doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia và các thành phố trên thế giới đang tăng lên từng ngày, các nước đầu phải nỗ lực hơn để thu hút các nhà đầu tư. 

Tại diễn đàn Thành phố Thông minh và bền vững do Đại học RMIT tổ chức gần đây, các chuyên gia cho rằng, trong kỷ nguyên mới, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét những yếu tố mới khi lựa chọn đầu tư. Các yếu tố này bao gồm mức độ số hóa của điểm đến, mức độ bền vững của nền kinh tế và tính chất xã hội của môi trường xung quanh. 

Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định đầu tư so với các yếu tố truyền thống như lao động chi phí thấp, tài nguyên phong phú hay quy mô dân số lớn. Do vậy, Việt Nam nên đẩy nhanh các khoản đầu tư vào lĩnh vực thành phố thông minh, tích hợp các công nghệ mới bởi đây được xem là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư FDI. 

Công nghệ luôn phát triển như vũ bão. Đây là thách thức không nhỏ cho các nhà làm chính sách. Tuy nhiên, nếu không có tư duy cởi mở vượt trội, sẽ rất khó để tạo nên hành lang pháp lý và một môi trường thuận lợi, đủ hấp dẫn cho giới đầu tư. 

Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp - Ảnh 4.

Sky Mavis - công ty mẹ của tựa game Axie Infinity có phần lớn nhân sự là người Việt Nam, thế nhưng startup này đặt trụ sở tại Singapore bởi sự thân thiện với các công ty khởi nghiệp FinTech của quốc gia này.

Khi công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm đều đã thay đổi, chính sách cũng cần phải thay đổi. Lấy ví dụ về sự thành công của tựa game Axie Infinity, ông Đào Quang Bính cho rằng, công nghệ đang thay đổi nhanh hơn rất nhiều so với sự thay đổi của chính sách.

Ngay khi Việt Nam chưa có những hành lang pháp lý rõ ràng cho blockchain, Sky Mavis - công ty mẹ của tựa game Axie Infinity đã được định giá hàng tỷ USD và gọi vốn thành công 150 triệu USD.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý cũng đã đưa ra nhận định rằng, các công ty về blockchain Việt Nam không hề thua kém so với các nước khác. Vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đồng hành để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, phát triển lĩnh vực này lên một bước tiến mới. 

Theo Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021, điều này sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí nguồn lực khi mà nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công nghệ mới của Việt Nam đã phải sang các nước khác để khởi nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đừng để startup Việt Nam phải sang nước ngoài khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO