Thông điệp về phát triển Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng, Việt Nam sẽ làm chủ các sản phẩm của hệ sinh thái an ninh mạng hoàn chỉnh, để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần đề cập tại các sự kiện hội thảo, hội nghị của ngành trong thời gian qua.
Tại tọa đàm đối thoại chuyên đề “Nguy cơ cuộc xung đột kỹ thuật số toàn cầu- Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, khi bàn về các yếu tố để xác định một cường quốc về an ninh mạng, ông Trịnh Ngọc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội An toàn thông tin VNISA phía Nam đã tham chiếu khái niệm cường quốc về quân sự. Thế giới khi xem xét một quốc gia có phải là cường quốc quân sự không và xếp vị trí thứ bao nhiêu về tiềm lực quân sự thường thông qua 3 yếu tố: ngân sách cho quốc phòng, số lượng các vũ khí quan trọng và số lượng quân đội.
Những yếu tố quyết định một cường quốc An ninh mạng
Theo ông Minh, để trả lời thế nào là cường quốc về an ninh mạng cũng phải xem xét ba yếu tố. Thứ nhất là ngân sách dành cho an toàn thông tin trong ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Thứ hai là các sản phẩm, giải pháp, công cụ “vũ khí” nội địa cho an ninh mạng mà quốc gia đó có (ví dụ phần mềm phát hiện, chống mã độc, firewall, các công cụ có thể cho phép phát hiện tấn công cao hơn theo hành vi…). Thứ ba là số lượng chuyên gia an ninh mạng, đặc biệt chuyên gia giỏi. Đó là những người được thế giới tham chiếu đến, có những đề xuất ảnh hưởng đến xu hướng, bức tranh an toàn thông tin; có những chứng chỉ về an toàn thông tin...
Từ thực tế hiện nay so với cách đây 5 năm, lực lượng về an toàn thông tin của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Người Việt đã xuất hiện trên nhiều danh sách về an toàn thông tin thế giới. Đây là những tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ nhiều và mức độ phân bổ chưa đồng đều. Ông Minh cho biết, theo chia sẻ của một chuyên gia an ninh mạng Israel về vấn đề này, một quốc gia được gọi là cường quốc về an toàn thông tin phải có khả năng ảnh hưởng tới bức tranh an toàn thông tin của thế giới. Mỹ, Nga và Israel là những quốc gia như vậy.
Từ trước tới nay, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam chưa đặt vấn đề trở thành cường quốc. Bình luận thêm về mục tiêu và cơ sở để Việt Nam có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav đánh giá, đây là những mục tiêu khá khả thi dựa trên các yếu tố về nguồn nhân sự, nhân lực và sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Việt Nam đã có đội ngũ nhân lực an ninh mạng có năng lực, có quy mô toàn cầu. Chuyên gia Việt Nam đã phát hiện ra những lỗ hổng của các ứng dụng phổ biến như Google Chrome, hoặc tìm được và chỉ rõ nguồn gốc các cuộc tấn công mạng vào trang web của Mỹ, Hàn Quốc. Điều này đã khẳng định năng lực của chuyên gia an ninh mạng Việt Nam...
Với con số tỷ lệ dành cho an toàn an ninh mạng trong đầu tư công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Chính phủ ban hành các quy định, trong đó, các dự án về công nghệ thông tin dành tối thiểu 10% cho đảm bảo an toàn thông tin an minh mạng. Đây là những dấu hiệu đáng mừng.
Về các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này, phát triển giải pháp, dịch vụ an ninh mạng. Theo thống kê hiện nay Việt Nam đáp ứng trên 90% các giải pháp phục vụ đảm bảo an toàn an ninh mạng trong nước. Việt Nam cũng là một trong số không nhiều quốc gia có thể tự chủ được các giải pháp về an toàn an ninh mạng.
Ở góc nhìn thứ hai, theo ông Ngô Tuấn Anh, một cường quốc về an ninh mạng phải có tác động đến thế giới. Điều này có nghĩa phải có năng lực, có sản phẩm an toàn an ninh mạng trong nước nhưng muốn tạo sự ảnh hưởng với thế giới thì phải có thị phần tối đa tại Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng Việt Nam đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước cùng thâm nhập vào thị trường quốc tế, tạo sự ảnh hưởng. Điều đó cũng khẳng định Việt Nam sẽ là cường quốc về an ninh mạng trong tương lai.
Kích hoạt hệ sinh thái doanh nghiệp và nguồn lực An ninh mạng
Để Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng cần phải đảm bảo 3 yếu tố: thị trường phát triển, nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ. Phân tích những yếu tố này, ông Ngô Tuấn Anh đánh giá yếu tố thị trường là quan trọng nhất. Người Việt đã được khẳng định là có năng lực. Việt Nam cũng đã có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công… Do đó, nếu có thị trường tốt, đúng nghĩa sẽ giúp cho số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, đồng thời có nguồn lực đủ lớn để phát triển các doanh nghiệp lớn mạnh, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Người Việt đã được khẳng định có năng lực. Việt Nam cũng đã có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công… Do đó, nếu có thị trường tốt, đúng nghĩa sẽ giúp cho số lượng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Thời gian qua, cơ quan Nhà nước đã đưa ra các quy định đảm bảo an ninh mạng nhưng có những nơi thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm. Yêu cầu đầu tư an ninh mạng nhưng các đơn vị lại không sử dụng chuyên nghiệp đúng nghĩa mà thuê các đơn vị công nghệ thông tin thông thường triển khai an ninh mạng.
Đầu tư cho an ninh mạng được ví như xây một ngôi nhà. Có những doanh nghiệp nhận thức tốt thì có thể thuê các đơn vị chuyên nghiệp về an ninh mạng để tư vấn, đầu tư xây dựng các giải pháp đảm bảo, hợp lý. Nhưng cũng có những đơn vị lại chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến hậu quả mất nhiều tiền nhưng hệ thống an ninh mạng không đảm bảo.
Phân tích thực tế trên, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng khi thực hiện nghiêm và có cơ chế giám sát quy định bảo đảm an toàn, an ninh mạng thì sẽ tạo ra môi trường, thị trường đúng nghĩa. Thị trường đó sẽ tự động kích hoạt làm cho hệ sinh thái các doanh nghiệp và nguồn lực về an ninh mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững. Theo ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), mục tiêu Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng tạo động lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nói tính khả thi mà không có mốc thời gian sẽ thiếu một vế rất quan trọng. Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng là một hành trình dài, không thể xong trong 5-10 năm. An ninh mạng là một phần trong ngành công nghệ thông tin, phục vụ cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cường quốc về an ninh mạng nếu đạt được sẽ phải đi theo một số mục tiêu cường quốc khác như chuyển đổi số…, ông Lượng khẳng định.
Israel là một cường quốc an ninh mạng trên thế giới. Hệ sinh thái an ninh mạng nước này rất hoàn chỉnh từ viện nghiên cứu, trường đại học, nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp rất lớn. Số lượng doanh nghiệp làm về an ninh mạng ở Israel có thể gấp 20 lần Việt Nam. Về chất lượng, trong 3-4 năm các quỹ đã đầu tư cho an ninh mạng 11 tỷ USD. Cùng với môi trường tốt thì nguồn lực hỗ trợ cho an ninh mạng ở nước này rất đầy đủ. Singapore cũng đã tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp. Mặc dù số lượng chuyên gia an ninh mạng Singapore không nhiều so với Việt Nam nhưng họ có nhiều chuyên gia giỏi.
Cần có hệ sinh thái đầy đủ bền vững cho an toàn thông tin, an ninh mạng. Đây là thành tố rất quan trọng để Việt Nam đi đến con đường trở thành cường quốc an ninh mạng. An ninh mạng là một con đường dài.
Do đó, ông Lượng cho rằng cần có một hệ sinh thái đầy đủ bền vững cho an toàn thông tin, an ninh mạng. Đây là thành tố rất quan trọng để Việt Nam đi đến con đường trở thành cường quốc về an ninh mạng. An ninh mạng là một con đường dài. Cường quốc về an ninh mạng phải là vấn đề toàn dân chứ không chỉ trong một số ngành như tài chính ngân hàng, chính phủ hay doanh nghiệp.
Cơ hội lớn đang mở ra khi Việt Nam đang có nhiều thách thức cần phải giải quyết. VSEC cho biết đang cùng một số đối tác sắp xếp một quỹ hơn 1 triệu USD cho các dự án khởi nghiệp liên quan đến vấn đề an toàn an ninh mạng.
Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tỷ lệ đầu tư của các tổ chức doanh nghiệp cho an ninh mạng trong các dự án công nghệ thông tin. Điều này thể hiện sự chung tay của Nhà nước trong thúc đẩy thị trường an toàn thông tin mạng.
Việt Nam không thiếu chuyên gia an ninh mạng nhưng để tạo ra thị trường rất cần các doanh nghiệp, cần những người có tư duy về thị trường, về kinh doanh. Từ đó sẽ tạo ra một thị trường đa dạng, tạo môi trường chia sẻ phát triển an ninh mạng. Chúng ta không nên phụ thuộc vào nguồn lực của một vài công ty mà cần tạo ra một hệ sinh thái. Một doanh nghiệp khổng lồ cũng không thể đầu tư được toàn bộ nguồn lực cho lĩnh vực an ninh mạng. Trong an ninh mạng có rất nhiều mảng nhỏ cần nỗ lực lớn trong R&D mới có thể làm chủ công nghệ. Điều đó cần nguồn lực dài hạn trong nhiều năm, chứ không chỉ trong một vài năm.
Nhấn mạnh điều này, ông Lượng mong muốn Việt Nam sẽ có khoảng hơn 100 doanh nghiệp làm thực sự về an ninh mạng, nghiên cứu bài bản và tạo ra các sản phẩm nghiêm túc. Như thế Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về an ninh mạng, ít nhất là top 10 thế giới.