Truyền thông

"Đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi ngày càng tinh vi vào các sản phẩm văn hoá

Ngọc Anh 02/08/2023 10:26

Sự tinh vi của "đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi vào các sản phẩm văn hoá.

duong_luoi_bo_netflix_flight_to_you_co_gach_cheo_1.jpg.jpeg
Một cảnh trong tập 30, phim ''Flight to you'' (Hướng gió mà đi) của Trung Quốc - bị cấm chiếu ở Việt Nam.

Tháng 7/2023, một loạt sự kiện văn hóa-giải trí được cho là đình đám phải đối mặt với lệnh cấm hoặc bị tẩy chay do có liên quan đến hình ảnh “đường lưỡi bò phi pháp”.

Thời buổi bùng nổ các phương tiện thông tin giải trí, với sự hỗ trợ của vô số thiết bị và nền tảng mạng xã hội, hình ảnh “đường lưỡi bò phi pháp” theo một cách đầy kỹ xảo đã len lỏi vào các sản phẩm văn hoá.

Khi thì núp vào dưới bóng những cảnh phim rời rạc, cách xa nhau theo kiểu thoắt ẩn, thoắt hiện như ở bộ phim truyền hình lê thê "Flight to you" (đầu đề tiếng Việt: Hướng gió mà đi). Khi thì tình cờ xuất hiện trên trang web của nhà tổ chức show diễn của thương hiệu BlackPink. Hoặc như ở một thế giới không có thật, ngắt đường 9 đoạn thành 18, 21 khúc nhỏ...đầy ngây thơ, vô tội trong phim Barbie.

Trước đó nữa, Việt Nam cấm chiếu phim Thợ săn cổ vật vào tháng 3/2022, khi mà hình ảnh "đường lưỡi bò phi pháp" rõ nét trong bộ phim Mỹ có Tom Holland đóng.

Thậm chí cả ở những bộ phim chiếu rạp, cũng đã có những lần chúng ta để lọt "đường lưỡi bò phi pháp" như trường hợp bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (Abominable, 2019) và “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea, 2018) đã ra rạp mới phát hiện ra.

Ở bộ phim truyền hình dài tập "Flight to you", bản đồ có "đường chín đoạn phi pháp" xuất hiện ở tập 30 trong những phút đầu tiên sau phần giới thiệu, có thể thấy khá rõ trên màn hình ghế hành khách.

Bối cảnh phim là các nhân vật đang trên một chuyến bay đang từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Singapore thì gặp sự cố, cần chuyển hướng tới một sân bay hư cấu tên Sigorn. Theo hình ảnh, sân bay này được đặt ở khu vực miền Trung Việt Nam. Tên Việt Nam và một số quốc gia khác cũng không xuất hiện trên bản đồ.

Phải khẳng định rằng việc quảng bá sử dụng các ấn phẩm, sản phẩm có "đường 9 đoạn" tại Việt Nam là vi phạm pháp luật và không được chấp nhận tại Việt Nam".

Khi phim Barbie bị Cục Điện ảnh cấm chiếu tại Việt Nam, sáng ngày 3/7, báo chí nước ngoài như The Guardian, Variety, CNN, BBC... đã đồng loạt đưa tin. Những động thái này đã có thể giúp Việt Nam phần nào truyền tải thông điệp cho toàn thế giới, rằng chúng ta không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, một lần nữa củng cố vị trí pháp lý và bằng chứng từ phía Việt Nam trong lịch sử đối mặt với yêu sách biển Đông từ Bắc Kinh.

Càng ngày bài học cảnh giác về sự cài bẫy “đường lưỡi bò” phi pháp len lỏi ở khắp các lĩnh vực càng phải được nâng cao, “đường lưỡi bò” phi pháp luôn được cài cắm tinh vi khi thì ở cái áo phông du lịch, khi ở cái mũ lưỡi trai, lúc thì ở cái đèn lồng đỏ, khi ở cái màn hình trước ghế ngồi trên một chuyến bay trong một bộ phim…

Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, là luôn thường trực trong mỗi trái tim người Việt Nam yêu nước. Đáng mừng trong trong vài năm trở lại đây, rất nhiều vụ hình ảnh đường lưỡi bò “thoắt ẩn, thoắt hiện” trên một số tựa game, phim ảnh, fanpage… đã bị cộng đồng mạng Việt Nam phát hiện và bóc trần (như vụ website tiếng Trung của thương hiệu H&M, Louis Vuiton, Gucci, UNIQLO, Channel vào tháng 4/2021…; trò game di động Purrfect Tale của nhà phát triển BadMouse hồi tháng 8/2021).

Điều đó cho thấy sức mạnh to lớn của cộng đồng mạng Việt Nam, ý thức về chủ quyền biển đảo đất nước trong đông đảo lớp trẻ đã được nâng cao rõ rệt và điều này là vô cùng quan trọng thời đại thông tin bùng nổ như vũ bão hiện nay.

Những cơ quan có trách nhiệm về văn hóa, giáo dục lại càng không thể mất cảnh giác. Như trường hợp lãnh đạo Cục Điện ảnh thẩm định và cấp phép phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” có “đường lưỡi bò” phi pháp đã bị xử lý kỷ luật.

Sự tinh vi của "đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi vào các sản phẩm văn hoá phải trở thành bài học cảnh giác nhắc tất cả chúng ta không thể lơ là. Đồng thời cũng cho thấy sự khó khăn trong quản lý các nền tảng trực tuyến phổ biến các sản phẩm văn hoá như trường hợp nền tảng Netflix thỉnh thoảng lại xuất hiện một bộ phim xuyên tạc lịch sử và chủ quyền Việt Nam. Quản lý các nền tảng trực tuyến là một thách thức không nhỏ.

barbie.jpg.jpeg
Phim Barbie bị Cục Điện ảnh cấm chiếu tại Việt Nam.

Điều đáng nói những vi phạm trong các phim online này chủ yếu đến từ các dịch vụ OTT không có giấy phép hoặc từ nước ngoài vào.

Tháng 10/2022, Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được ban hành. Nghị định 71 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và được đánh giá là hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng, đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam; tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Nghị định số 71 đã khẳng định, quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Yêu cầu OTT nước ngoài buộc đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam đồng thời tự đảm bảo về kiểm duyệt đối với nội dung của mình.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước không chỉ là nhiệm vụ của những cán bộ ngoại giao, hay các lực lượng đang ngày đêm ghì chắc tay súng trên khắp nẻo biên cương của Tổ Quốc mà còn ở mỗi công dân, họ cần sự tỉnh táo và dứt khoát trong bất kỳ sự kiện thông tin nào trên không gian mạng, khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội.

Phát biểu về những phát hiện của khán giả thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét khán giả và các diễn đàn về phim ảnh đã rất chủ động phát hiện, báo cáo về các phim vi phạm pháp luật. Như vậy, khán giả vừa hưởng thụ văn hóa vừa đóng một vai trò quan trọng trong quản lý xã hội.

Theo ông, đây là điều rất đáng hoan nghênh và là yếu tố thúc đẩy quản lý, ngăn chặn triệt để phim có sai phạm. “Những yêu cầu đến từ khán giả cũng là những yêu cầu đối với cơ quan quản lý, để vừa tăng cường hiệu lực giám sát kiểm tra, hạn chế và ngăn chặn hoàn toàn, xử lý các vi phạm; vừa xây dựng một văn hóa hưởng thụ trên không gian mạng có trách nhiệm, mà ở đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ," ông Lâm nói.

Tuy vậy, việc ngăn chặn những sản phẩm văn hoá vi phạm pháp luật, truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử và chủ quyền biển đảo Việt Nam trên nền tảng trực tuyến vẫn là một cuộc chiến thường trực, khi mà "đường lưỡi bò" phi pháp vẫn len lỏi ngày một tinh vi.

Theo ông Bùi Hoài Sơn (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp, chúng ta cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp. Trong đó, điều đầu tiên cần triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Cùng với đó, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.

Ngoài ra, cần tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa. Đồng thời tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.

Tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa, nhất là về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ./.

Bài liên quan
  • Game có đường lưỡi bò bị Google và Apple gỡ bỏ trên kho ứng dụng
    Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, hai nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới Google và Apple vừa gỡ bỏ trò chơi điện tử (game) “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” trên kho ứng dụng Google Play và App Store, do game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi ngày càng tinh vi vào các sản phẩm văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO