Biện pháp cứng rắn với game đưa bản đồ đường lưỡi bò phi pháp
Theo đó, Cục PTTH & TTĐT yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, kiểm tra các trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 và gửi báo cáo về Cục. Đồng thời yêu cầu các nhà phát hành game tạm dừng hợp tác với đối tác đưa vào bản đồ đường lưỡi bò phi pháp.
Trước đó, phát hiện trò chơi Âm Dương Sư có chứa bản đồ hình lưỡi bò phi pháp. Doanh nghiệp phát hành trò chơi sau đó đã tuyên bố đóng cửa.Trước sự việc gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp cung cấp game online trên cả nước.
Văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát, kiểm tra nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là các trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Cục PTTH & TTĐT yêu cầu các doanh nghiệp phát hành game phải rà soát, kiểm tra và báo cáo chi tiết về các nội dung đã thay đổi, cập nhật, nâng cấp so với phiên bản trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp phép phát hành (nếu có).
Cục PTTH &TTĐT cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam không để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng đưa vào nội dung game bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp và những thông tin xuyên tạc lịch sử, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục.
Cục PTTH &TTĐT yêu cầu tạm dừng hợp tác với các doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm về nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game. Đồng thời, các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về đơn vị kết nối thanh toán và các hình thức thanh toán đang sử dụng trong trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4.
Yêu cầu tất cả các website bán hàng rà soát, gỡ bỏ bản đồ “đường lưỡi bò”
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề nghị các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng các sản phẩm đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên biển Đông nếu có.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, gần đây Cục nhận được phản ánh về việc một số website thương mại điện tử bán sản phẩm đồ chơi trẻ em là bản đồ cắm cờ thế giới trong đó sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên biển Đông.
Liên quan vấn đề trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng các sản phẩm đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ nếu có.
Đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai các biện pháp kỹ thuật, bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như phản ánh và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác (nếu có) trên website và ứng dụng thương mại điện tử theo quy định.
Cảnh báo, phát hiện kịp thời thiết bị di động có cài đường lưỡi bò
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM trả lời báo chí cho biết phát hiện một số smartphone xuất xứ Trung Quốc tích hợp bên trong các thông tin tranh chấp chủ quyền, có bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương lập ra phi pháp…
Đại diện truyền thông Xiaomi tại Việt Nam gửi thông báo về phần mềm bản đồ trên các mẫu điện thoại của Xiaomi. Thông báo cho biết phần mềm Google Maps không thể truy cập được tại Trung Quốc, do đó, Baidu Maps là ứng dụng bản đồ mặc định tại đây, và được đa số các nhà sản xuất thiết bị hàng đầu sử dụng.
Do đó Xiaomi “luôn khuyến cáo khách hàng đặt mua thiết bị qua các kênh phân phối chính thức, nhằm đảm bảo thiết bị được cài đặt phần mềm phiên bản quốc tế”. Tại Việt Nam, Digiworld đang là nhà phân phối chính thức của Xiaomi và hãng khuyên nên mua hàng có dán tem của nhà phân phối này.