Chiến lược chuyển đổi số lấy khách hàng làm trung tâm
Theo Chungta.vn, đợt đào tạo này nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án tư vấn xây dựng lộ trình CĐS cho Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC). Đợt đào tạo đầu tiên đã diễn ra vào ngày 23/3, các cán bộ của EVN HCMC đã được đào tạo chung về khái niệm CĐS và phương pháp luận chuyển đổi số FPT Kaizen. Nội dung đi từ định nghĩa, phương pháp luận của riêng FPT đến tình hình CĐS đang diễn ra trên thế giới cùng một số câu chuyện thành công và thất bại.
Đối tượng tham gia nội dung đào tạo trải rộng từ lãnh đạo Tổng công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty thành viên, Trưởng ban chức năng, các cán bộ quản lý cấp trung cùng chuyên gia, kỹ sư của EVN HCMC. Trên kế hoạch ban đầu, có tới 538 cán bộ EVN HCMC tham gia buổi đào tạo này, bao gồm khoảng 200 người trực tiếp tại hội trường và hơn 300 người tại 22 cầu truyền hình tới các công ty thành viên và trung tâm.
Theo ông Nguyễn Minh Tùng, thành viên HĐTV kiêm Phó Trưởng Ban thường trực, đây sẽ là những nòng cốt cho EVN HCMC để CĐS thành công, hướng tới mục tiêu Ban lãnh đạo đề ra là cơ bản hoàn thành CĐS vào năm 2022 và hoàn thiện tới năm 2025.
Đợt thứ hai diễn ra trong 3 ngày mới đây, tập trung đào tạo về các công nghệ mới phục vụ CĐS, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), các giải pháp ứng dụng dựa trên nền tảng AI như Voicebot, chatbot, OCR, eKYC; Công nghệ chuỗi khối Blockchain; VMWareCloud, Bảo mật và Chống thất thoát dữ liệu; Dữ liệu lớn Big Data và khoa học dữ liệu.
Mỗi nội dung đều thu hút tới hơn 70 cán bộ, chuyên gia EVN HCMC tham dự. Song song với việc giới thiệu công nghệ, FPT cũng đưa ra cách thức ứng dụng thực tế vào EVN HCMC trong lộ trình CĐS.
Khép lại chương trình 4 ngày đào tạo, lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ EVN HCMC đã có nhận thức rõ nét về quá trình CĐS, hướng tới chiến lược kinh doanh “Đảm bảo sự hài lòng và tương tác tích cực từ khách hàng thông qua việc cung cấp điện một cách tin cậy, an toàn và hiệu quả đồng thời đồng bộ với các kế hoạch, mục tiêu của TP HCM và Tập đoàn EVN” cũng như chiến lược CĐS “Lấy khách hàng làm trung tâm, người lao động làm trung tâm, tài sản làm trung tâm và dữ liệu làm trung tâm” của EVN HCMC".
Dự án Tư vấn xây dựng lộ trình CĐS cho Tổng công ty Điện lực TP HCM khởi động đầu năm 2021 do FPT ký kết cùng EVN HCMC. Sau đó FPT chuyển giao cho FPT IS thực hiện, cụ thể, FPT IS ERP là đơn vị phụ trách triển khai dự án. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong vòng 100 ngày và nghiệm thu vào cuối tháng 4 năm nay.
CĐS ảnh hưởng đến tự tồn vong của doanh nghiệp
Trước đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số trong sự kiện cùng tên tại TP HCM vào đầu tháng 4/2021 nhấn mạnh: "CĐS cho phép một lãnh đạo ‘mù’ thành lãnh đạo ‘sáng’ và ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của doanh nghiệp".
Mấu chốt của CĐS là doanh nghiệp có thể vận hành theo thời gian thực hay không. Ông Bình lấy ví dụ FPT có mặt tại 26 quốc gia, nhưng bất kỳ đâu ở Việt Nam, chỉ với một ứng dụng trên smartphone, lãnh đạo công ty vẫn có thể kiểm tra mọi thông tin về lợi, doanh thu, chi phí vận hành, so sánh tăng trưởng với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán các tháng tiếp theo của từng văn phòng. Đó là vận hành doanh nghiệp theo thời gian thực. Nhờ CĐS trong các quy trình, năm 2020, FPT tối ưu gần 170 tỷ đồng chi phí vận hành.
Lãnh đạo FPT cho rằng, thực trạng của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là tách rời hệ thống CNTT với hệ thống quản trị. Khi nào cả hai điều này kết hợp với nhau, CĐS của doanh nghiệp mới thật sự có hiệu quả.
Ông Trương Gia Bình ví CĐS như một cuộc cách mạng. "Sẽ không có cách mạng nếu không có người muốn làm cách mạng. Việc đầu tiên của doanh nghiệp muốn làm CĐS là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo đến từng nhân viên trong tổ chức".