Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) ngày 16/12 cho biết, cơ quan này đã gửi đơn kiện Facebook lên tòa án liên bang vì cho rằng trong giai đoạn từ 2/2016 cho đến 10/2017, công ty Facebook và công ty Facebook con tại Israel cũng như công ty Onavo đã cố tình đánh lừa để người tiêu dùng Australia tin rằng, ứng dụng Onavo Protect có thể giữ và bảo vệ các thông tin cá nhân, các bí mật mà không bị chuyển cho các đơn vị khác.
Tuy nhiên, thông qua Onavo Protect, Facebook đã thu thập và sử dụng dữ liệu hoạt động cá nhân rất chi tiết và có giá trị của hàng nghìn người tiêu dùng cho các mục đích thương mại của riêng mạng xã hội này.
Cụ thể, các thông tin chi tiết và mang tính cá nhân về các ứng dụng mà người dùng đã truy cập, thời gian sử dụng các ứng dụng này đã được Onavo Protect thu thập phục vụ cho việc nghiên cứu thị trường cũng như xác định các mục tiêu tiềm năng trong tương lai của Facebook.
Onavo Protect là một ứng dụng phần mềm mạng cá nhân ảo được Facebook mua lại từ một công ty của Israel vào năm 2013 và hiện đã không còn tồn tại.
Vào năm 2018, Onavo bị chính Facebook gỡ bỏ khỏi thị trường cung cấp ứng dụng trực tuyến Apple Store do vi phạm chính sách liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ một ứng dụng không phải là Facebook.
Trong cùng năm, ứng dụng này cũng đã bị loại khỏi cửa hàng trực tuyến Google Play sau một loạt tiết lộ của TechCrunch về việc Onavo Protect được sử dụng trong một ứng dụng nghiên cứu của Facebook nhắm vào những người dùng ở độ tuổi 13 - 35, để cài đặt ứng dụng Facebook Research, một ứng dụng thu thập dữ liệu về lịch sử website, lịch sử tìm kiếm, lịch sử địa phương, tin nhắn cá nhân, ảnh, video và thư điện tử.
(Ảnh minh họa)
Ông Rod Slim, Chủ tịch ACCC cho biết, thông qua ứng dụng Onavo Protect, Facebook đã thu thập dữ liệu của hàng nghìn người tiêu dùng Australia và việc làm này vi phạm các cam kết về bảo vệ, giữ bí mật và riêng tư mà Facebook đã đề cập khi quảng bá ứng dụng này.
ACCC tin rằng hành vi của Facebook và Onavo Protect đã tước đi cơ hội đưa ra lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng, nhờ nắm bắt được các thông tin và sở thích, cũng như hoạt động cá nhân của họ. Ông Sims chia sẻ các hình phạt dựa trên quy định và luật pháp của Australia đối với các hành vi vi phạm tương tự sẽ có mức phạt lên đến 1,5 triệu AUD (1,12 triệu USD) cho mỗi vi phạm. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng sẽ phải chờ tới khi Tòa án Liên bang thụ lý và phán xử.
Tin tức về quá trình tố tụng Facebook/Onavo được đưa ra một tuần sau khi Chính phủ Liên bang đưa ra Bộ luật Thương lượng do ACCC đề xuất tại Quốc hội, trong đó đặt ra những bước bắt buộc mà cả các tổ chức truyền thông tin tức và nhà cung cấp nền tảng phải thực hiện, để thương lượng thanh toán cho nội dung nổi bật trên những nền tảng do Google và Facebook quản lý.
Hiện Facebook Australia chưa đưa ra thông báo phản hồi nào về vụ kiện của ACCC. Mạng xã hội Facebook đã từng nhiều lần bị các quốc gia khác nhau kiện về việc vi phạm quyền riêng tư, như thu thập dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn trái phép, sử dụng tính năng tự nhận diện khuôn mặt để gắn thẻ tự động mà chưa có sự đồng ý của người dùng.
Tại Australia, Facebook Australia cũng đã từng công khai chống lại một vụ kiện khác của Tòa án Liên bang, do Ủy viên Thông tin Australia đệ trình, liên quan đến vi phạm quyền riêng tư trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica vào năm 2018.