Không có cách nào phản biện việc kinh tế toàn cầu đang suy thoái (suy thoái được IMF định nghĩa là tăng trưởng dưới 2% mỗi năm). Hiện nay, chung ta đang đối diện với một mối đe dọa thậm chí còn đen tối hơn: hiện tượng trầm cảm kinh tế toàn cầu.
Trầm cảm kinh tế là hiện tượng GDP sụt giảm quá 10% ở một vài, hoặc nhiều nền kinh tế lớn và kéo dài trong hai năm trở lên. Đây chính là "bóng ma" mà các chính phủ đang cố gắng ngăn chặn.
Ở Mỹ và châu Âu, họ đang hành động nhanh hơn và dồn nhiều tài nguyên hơn vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Câu hỏi là liệu họ có thành công? Câu trả lời xoay quanh việc hiểu rõ chúng ta đang ở giữa suy thoái kinh tế hiện tại, và trong tương lai còn phải đối diện với "trầm cảm kinh tế" - hiện tượng thảm khốc hơn.
Sự tàn phá kinh tế do Covid-19 gây ra bắt đầu bằng sự gián đoạn nguồn cung nhanh chóng và làm suy yếu nhu cầu. Phần lớn tác động kinh tế của Covid-19 là do chính các biện pháp cách ly cần thiết để kiểm soát đại dịch gây ra.
Khi các thành phố thực hiện cách ly và mọi người ở nhà để tránh tiếp xúc với người khác, mọi hoạt động kinh tế trong các ngành liên quan đến tiếp xúc vật lý sẽ dừng lại. Chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm vì mọi người quá sợ hãi hoặc không sợ nhưng cũng không thể ra ngoài và chi tiêu. Hậu quả là các doanh nghiệp lâm nguy; doanh thu của họ đang cạn kiệt nhanh hơn mức cắt giảm chi phí, và nhiều người sẽ không còn cách nào khác ngoài việc sa thải công nhân hoặc thậm chí là đóng cửa.
Suy thoái kinh tế hiện tại sẽ trở nên tồi tệ hơn việc kinh doanh đóng cửa và sa thải không được kiểm soát. Tình hình sẽ thay đổi từ suy giảm tạm thời thành sự sụp đổ hoàn toàn về nhu cầu và làm "trật bánh" nền kinh tế. Sau đó, các công ty sẽ đói doanh thu, các hộ gia đình thiếu lương. Tất cả vào một vòng xoáy đi xuống, một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Mấu chốt để ngăn kinh tế toàn cầu rơi vào "trầm cảm" là sự sống sót của khu vực kinh doanh. Do đó, các nỗ lực của chính phủ phải tập trung vào việc hỗ trợ khu vực kinh doanh bằng các chính sách trực tiếp, kịp thời và hiệu quả. Các chính phủ nên miễn giảm thuế, tái đầu tư các khoản vay và đình chỉ thanh toán lãi ngân hàng, tiền thuê đất và lệ phí.
Điều thực sự cần thiết là các chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trả một phần tiền lương để các công ty không phải sa thải công nhân khi doanh thu bị thu hẹp. Điều này sẽ phá vỡ một hiệu ứng dây chuyền giữa sự suy giảm nhu cầu ban đầu và sự sụp đổ kinh tế trên toàn thế giới.
Các công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ cần sự giúp đỡ như nhau. Các công ty lớn chính là khách hàng chủ chốt của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Nếu các công ty lớn đi xuống, các doanh nghiệp nhỏ sẽ đi xuống theo.
Thời gian không còn nhiều, thất nghiệp đang tăng nhanh. Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo ngày 26/3 rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đã tăng lên mức kỷ lục 3,3 triệu, tăng so với mức 282.000 của tuần trước đó.
Các chính phủ nào cũng có thể ném tiền ra giải quyết, nhưng kết quả tốt hay xấu sẽ phụ thuộc vào cách thức, thời gian và nơi tiền được chi tiêu. Sự tồn tại của khu vực kinh doanh là hy vọng tốt nhất trong việc tránh khỏi trầm cảm toàn cầu. Chúng ta phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp còn sống.