Giải bài toán hệ thống mà nền tảng VioEdu gặp phải
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu cho biết, đội ngũ phát triển đã xây dựng sản phẩm từ tháng 7/2017 và ra mắt vào tháng 8/2019. Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực giáo dục 14 năm qua cũng như kinh nghiệm về CNTT đã giúp đội ngũ phát triển thực hiện hệ thống một cách nhanh nhất.
Hiện hệ thống này đã hỗ trợ gần 10 triệu người dùng là các học sinh, phụ huynh, giáo viên toàn quốc trong dạy và học trực tuyến. "Trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19, VioEdu đã giúp gần 40.000 trường học thực hiện việc kiểm tra đánh giá trên hệ thống", bà Ngọc chia sẻ.
Đồng thời, đội ngũ VioEdu cũng tự hào là đơn vị duy nhất tổ chức thành công sân chơi đấu trường toán học với 200.000 học sinh tham gia.
Cũng theo VioEdu, vào những giai đoạn trọng điểm của năm học, khi học sinh các cấp ôn thi và làm bài kiểm tra trên VioEdu, hệ thống phải giải quyết bài toán về lưu trữ và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ khi lượng người dùng tăng cao trong thời gian ngắn. Ông Trần Anh Sơn Tùng, Trưởng phòng Công nghệ, VioEdu, cho biết khi lượng người dùng tăng lên một cách đột biến như vậy, đã có khá nhiều thách thức đối với đội ngũ kỹ thuật. Trong đó, thách thức đầu tiên là phải cải tiến cũng như xây dựng chức năng làm sao để phù hợp với đa dạng người dùng. Thách thức thứ hai là khi lượng người dùng tăng lên thì lượng dữ liệu lưu trữ và xử lý cần phải rất lớn. Vì vậy, VioEdu cần một hệ thống hạ tầng ổn định.
Theo ông Tùng, để giải quyết vấn đề đầu tiên, VioEdu phải khảo sát ý kiến của phụ huynh, học sinh và giáo viên nhà trường để có thể đưa ra những chức năng và cải tiến phù hợp. Để giải quyết về vấn đề hạ tầng, đơn vị này đã tìm kiếm và thử nghiệm một số dịch vụ cung cấp hạ tầng của các công ty trong nước và nước ngoài nhằm lựa chọn giải pháp hiệu quả cho chiến lược phát triển dài hạn. "Với mục tiêu phát triển lâu dài, đáp ứng yêu cầu về khả năng mở rộng, tốc độ phát triển nhanh cũng như lượng truy cập tăng cao khi dạy học trực tuyến, nền tảng buộc phải có tính "co giãn" linh hoạt, sẵn sàng trước những rủi ro và biến động trong thực tế", đại diện đơn vị cho hay.
Ngoài việc phải đối mặt với các rào cản, thách thức về xây dựng chiến lược phát triển, lựa chọn giải pháp số tối ưu, các nhà quản lý giáo dục còn cần tìm được đơn vị cố vấn tin cậy để có được lộ trình chuyển đổi số đúng đắn, nhanh chóng và hiệu quả.
"Chúng tôi chọn sử dụng dịch vụ của FPT Cloud cho hệ thống vì họ có chất lượng dịch vụ tương đương với đối tác nước ngoài, sở hữu lợi thế về đường truyền trong nước, khả năng hỗ trợ cũng như chi phí hợp lý", anh Trần Anh Sơn Tùng, Trưởng phòng Công nghệ, VioEdu cho hay.
Hiện tại VioEdu đang sử dụng 2 hệ thống của FPT Cloud, bao gồm: hệ thống máy chủ ảo FPT Cloud Server để có thể tạo ra số lượng máy chủ mà đơn vị này mong muốn; hệ thống sao lưu dữ liệu FPT Cloud Backup & DR FPT Storage. Hệ thống này đã giúp VioEdu sao lưu và phục hồi kho dữ liệu khổng lồ trong trường hợp có sự cố, đảm bảo an toàn và biện pháp kiểm soát cần thiết để giám sát và bảo vệ thông tin quan trọng.
Hệ thống cũng có thể khôi phục lại dữ liệu dễ dàng và nhanh chóng, liên tục bổ sung kho tư liệu bài giảng, tư liệu học tập, xóa bỏ mọi nỗi lo về an toàn thông tin và độ ổn định của hệ thống khi có sự tư vấn và hỗ trợ 24/7 của các chuyên gia FPT Cloud.
Hiện tại, sau khi sử dụng các giải pháp của FPT Cloud, việc chịu tải của hệ thống VioEdu đã được giải quyết. Hiện tại, hệ thống VioEdu có thể chịu tải được hơn 100.000 người dùng truy cập đồng thời mà vẫn hoạt động ổn định. Chưa kể, sau một thời gian sử dụng, đơn vị này còn thấy đội ngũ, chuyên gia của FPT Cloud đã chủ động đưa ra những giải pháp giúp VioEdu tối ưu hóa hệ thống cũng như chi phí vận hành, tăng năng suất cho hệ thống.
Theo đại diện FPT Smart Cloud, đơn vị phát triển nền tảng FPT Cloud, công nghệ cloud đem lại lợi thế cho các tổ chức giáo dục về tốc độ triển khai, tiết kiệm chi phí và nguồn lực CNTT cho việc tập trung phát triển các tầng ứng dụng cao cấp. Đồng thời, việc xây dựng phần mềm học tập trên cloud cho phép người học truy cập dữ liệu mọi lúc mọi nơi, bảo mật thông tin, sẵn sàng mở rộng và tùy biến.
Đem lại lợi thế cho doanh nghiệp nhờ tốc độ triển khai, khả năng tùy biến cao
Hệ thống VioEdu chỉ là một trong số hơn 100 doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực kinh doanh đã và đang lựa chọn nền tảng của FPT là đối tác tin cậy trên hành trình chuyển dịch thông minh nhờ công nghệ.
Theo ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, để thành công, theo ông Việt, doanh nghiệp cần chớp cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đổi mới để cách làm cũ không còn phù hợp có thể thay đổi kịp thời, sáng tạo để những phương thức hoạt động mới được đưa vào một cách hiệu quả.
Những doanh nghiệp đã và đang thành công trong cuộc chuyển mình này có điểm chung là đã và đang ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên Cloud native enterprise - một nền tảng công nghệ mà mọi doanh nghiệp đều cần có. Bởi vì, cloud đem lại lợi thế về tốc độ triển khai cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, với cách làm truyền thống, doanh nghiệp thường phải đi thuê/mua máy chủ, sau đó gửi vào các trung tâm dữ liệu, quá trình này sẽ mất nhiều tháng để thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, với công nghệ cloud, các đơn vị có thể giản lược quá trình này xuống còn vài ngày, thậm chí vài giờ để có một hạ tầng đầy đủ đáp ứng mục tiêu kinh doanh.
Chưa kể, hệ thống cloud cũng cho phép doanh nghiệp đầu tư linh hoạt tùy theo nhu cầu, chuyển đổi từ mô hình đầu tư sang mô hình vận hành. Ví dụ, thay vì bỏ ra khoảng 20 tỷ mua cơ sở hạ tầng, thì hiện nay doanh nghiệp có thể khởi đầu hàng tháng với mức vài trăm triệu đồng, sở hữu một hạ tầng tiêu chuẩn, dữ liệu bảo mật theo chuẩn quốc tế ISO 27001, 27017... Thậm chí, các đơn vị còn có thể cân đối hạ tầng cần sử dụng tùy vào các chương trình, sự kiện theo nhu cầu, trả tiền theo nhu cầu sử dụng, khi không sử dụng dịch vụ nữa, thì trả lại cho nhà cung cấp.
"Mục tiêu của FPT Cloud là biến mọi doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp công nghệ, đem đến một phương án đầu tư thông minh, một môi trường công nghệ thông tin linh hoạt, bảo mật, cùng hệ sinh thái đa dạng đi kèm", ông Việt nhấn mạnh.
Do đó, có thể nói, với hàng triệu doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số thì cloud chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, nhờ vậy, nền kinh tế số có thể tăng trưởng một cách đột biến và đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 20% vào năm 2025./.