FPT đưa ra chiến lược DC5
FPT đang có vị thế và cơ hội lớn chưa từng có trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn cầu, trong bối cảnh công ty đang có văn phòng tại nhiều quốc gia với nguồn nhân lực nói tiếng bản địa của khách hàng.
Thông tin trên được ông chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của FPT tổ chức ngày 6/4. ĐHĐCĐ FPT 2023 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược giai đoạn 2023 - 2025 và kế hoạch 2023…
Chiến lược DC5 mở ra cơ hội không giới hạn cho FPT
Theo dự báo mới nhất của Gartner, nhu cầu chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 3% của 2022 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu triển khai các sáng kiến số thúc đẩy kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế. Nhu cầu chi tiêu cho CĐS cũng được IDC dự báo sẽ đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 5 năm là 16,3%.
Trong bối cảnh đó, FPT đưa ra Chiến lược DC5 - Digital Conglomerate 5.0 hướng đến mục tiêu trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và cao hơn nữa là hưng thịnh cho quốc gia. Chiến lược này của FPT hướng đến các mục tiêu lớn bao gồm:
Đầu tiên, FPT sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, giải pháp CĐS kết hợp các sản phẩm tự xây dựng (Made by FPT) với giải pháp của đối tác giúp nâng cao hiệu suất công việc của các tổ chức và cá nhân.
Tiếp theo, sẽ hình thành Tổ hợp số đem đến trải nghiệm, sản phẩm và dịch vụ tốt nhất và đúng nhất tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN), với 5 thành phần cốt lõi: AI - các dịch vụ thông minh; Dữ liệu – hồ dữ liệu đa dạng và dịch vụ tích hợp, liên kết nhau của FPT và đối tác; Định danh – mỗi người dùng cuối là một cá nhân được định danh; Giao tiếp - đa kênh; Điểm chạm - cổng giao tiếp thông minh, tiện lợi giữa Nhà cung cấp và người dùng.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ, bước vào tuổi 35, FPT đã công bố sự mệnh mới, đó là kiến tạo hạnh phúc. Đồng thời, đơn vị này cũng đang đứng trước những cơ hội lớn.
Cụ thể, FPT đang có một vị thế lớn. Điều này không phải do con số 1 tỷ USD đem lại từ thị trường nước ngoài mà là vì vị thế trong công cuộc CĐS toàn cầu. Ông Bình đã kể lại câu chuyện trong chuyến công tác tại Tokyo (Nhật Bản) mới đây, khi gặp công ty điện tử hàng đầu, họ quyết định ủy quyền vận hành hệ thống ERP tại Nhật cho FPT. "Lý do vì FPT có thể giao tiếp tiếng Nhật và giúp họ cắt giảm đến 50% chi phí vận hành. Kế hoạch tiếp theo là công ty đó sẽ giao hệ thống toàn cầu cho FPT", ông Bình lý giải.
Hiện FPT cũng đang ở vị thế có thể bảo trì các hệ thống lớn cho các tập đoàn toàn cầu.
Cơ hội tiếp theo của FPT là việc là chuyển từ ngôn ngữ lập trình Cobol chạy trên máy tính lớn lên hệ thống hiện đại. Theo đó, nhiều công ty đang mắc kẹt ở việc phần mềm dựa trên ngôn ngữ Cobol được viết từ giữa thế kỷ trước, trong khi phần cứng sắp dừng sản xuất và hỗ trợ. "Đây là công việc khổng lồ trong nhiều năm và nhiều tập đoàn, công ty lớn đang lúng túng không biết làm thế nào", ông Bình cho biết thêm.
Cơ hội lớn nữa đến từ phần mềm cho ô tô điện, trong bối cảnh nhóm làm xe thì không thạo công nghệ số, còn nhóm tin học thì không thạo kỹ thuật ô tô. FPT là đã làm việc với hầu hết các hãng trên cả 3 tầng sản xuất từ chip đến phụ tùng và các hãng xe.
Ông Trương Gia Bình cũng đã chia sẻ ba điều quan trọng với FPT hiện nay: Kiến tạo hạnh phúc là nắm bắt cơ hội lớn chưa từng có trước mắt; Kiến tạo hạnh phúc là chiến lược DC5 (Tổ hợp số 5.0) với trí tuệ dữ liệu và điều quan trọng nhất, hạnh phúc của mỗi người FPT.
Kế hoạch tăng trưởng thách thức trong năm 2023
Năm 2023, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), vẫn là một năm “mong manh” với nền kinh tế toàn cầu.
Trước bối cảnh đầy thách thức trên, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 18,8% về doanh thu và 18,2% về lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tương đương 52.289 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng. Trong đó, khối Công nghệ, tiếp tục đóng vai trò đầu tầu tăng trưởng với doanh thu dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 4.166 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững trong năm 2023. Các khối, lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ dồn mọi nguồn lực, chắt chiu từng cơ hội để đảm bảo tăng trưởng ổn định. Khối Công nghệ, hướng đến hợp đồng vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật, châu Âu và đầu tư mỗi năm từ 35 - 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng lãnh thổ; Đẩy mạnh CĐS để kiến tạo hạnh phúc cho chính phủ, DN, người dân.
Khối Viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, có thêm cáp quang biển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hơn các nhà cung cấp dịch vụ khác. Lĩnh vực Giáo dục tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam và thế giới.
Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn đạt lần lượt 44.010 tỷ đồng và 7.662 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 20,9% so với năm 2021, vượt kế hoạch đã đề ra./.