Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án) trong đó xác định rõ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS quốc gia.
Mặc dù, việc triển khai Đề án tại các bộ, ngành và địa phương bước đầu có kết quả nhất định nhưng nhìn chung còn tương đối chậm so với yêu cầu đặt ra. Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án. Một số hoạt động triển khai Đề án mới dừng ở việc nâng cao nhận thức về CĐS nói chung, nội dung về phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS chưa được các bộ, ngành và địa phương chú trọng triển khai.
Nhằm thống nhất nhận thức để cùng hành động triển khai CĐS quốc gia, từ tháng 4/2022, Bộ TT&TT đã khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC), với tên gọi One Touch (tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn) và tổ chức khóa bồi dưỡng về CĐS đầu tiên cho đội ngũ lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành và địa phương. Từ tháng 9/2022, Bộ TT&TT bắt đầu tổ chức phổ cập kỹ năng số cho tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) và người dân tại 63 địa phương và bồi dưỡng về CĐS cho lãnh đạo UBND cấp xã theo Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về CĐS của Bộ trong năm 2022. Đến nay, đã có gần 6 triệu lượt truy cập nền tảng One Touch.
Phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS
Cũng theo Bộ TT&TT, tổng cộng đã có 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng, tập huấn về CĐS. Trong đó, có 30 bộ ngành với 810 CBCCVC đã được bồi dưỡng, tập huấn về CĐS của các bộ, ngành.
Số lượt CBCCVC được bồi dưỡng, tập huấn về CĐS của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao nhất là Quảng Ngãi với tổng số 14.680 lượt cán bộ, tiếp theo là Hà Giang (7.227 lượt), Bình Phước (6.791 lượt), Hưng Yên (6.411 lượt), Lạng Sơn (6.050 lượt) CBCCVC được bồi dưỡng. Tổng cộng 63 tỉnh/thành có 116.348 lượtCBCCVC được tập huấn.
Về tập huấn cho tổ CNSCĐ và phổ cập kỹ năng số cho người dân, tính đến ngày 30/9/2022 đã có: 61/63 địa phương đã thành lập tổ CNSCĐ. Còn 02 tỉnh chưa thành lập Tổ CNSCĐ là TP. Hà Nội và Hà Tĩnh. Tổng số đã có 61.063 tổ CNSCĐ với 277.881 thành viên.
Việc phổ cập kỹ năng số cho tổ CNSCĐ trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà đã có tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn, trong đó bồi dưỡng trực tiếp cho tổ CNSCĐ tại 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kinh nghiệm triển khai đào tạo CĐS
Quảng Ninh triển khai quyết liệt nhiều hình thức
Để truyền thông, nâng cao nhận thức về CĐS, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt với nhiều hình thức bao gồm trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, qua 03 kênh Zalo "CĐS Quảng Ninh", "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" và của Sở TT&TT. Các tin, bài được cập nhật thường xuyên, trung bình 20 tin, bài/tuần.
Ngoài ra, tỉnh đã tích hợp kênh Zalo "CĐS quốc gia" của Bộ TT&TT vào kênh Zalo "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" để thuận tiện cho người dân tiếp cận thông tin. Tỉnh đã biên tập bộ Flashcard với 30 hình ảnh cung cấp các thông tin, kiến thức về CĐS đến người dân trên địa bàn tỉnh. Về thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tháng 9/2022 đã thực hiện 834 bài thời sự, 26 chuyên đề, 67 clip và tờ rơi hướng dẫn kỹ năng số từ cơ bản đến chuyên sâu cho từng đối tượng.
Việc triển khai tích cực và quyết liệt của tỉnh đã làm cho nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng nâng cao, tích cực tham gia, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, kế hoạch, nội dung triển khai CĐS của tỉnh.
Về bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 146. Đến nay, tỉnh đã chủ động triển khai được một số nội dung bồi dưỡng, tập huấn cụ thể bao gồm: tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về CĐS tại Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Trường Đại học Hạ Long, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn... Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức bồi dưỡng chuyên đề về CĐS cho 123 đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
11 lớp tập huấn được tổ chức, hướng dẫn triển khai số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho toàn bộ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên tham gia trong quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC; tổ chức 03 hội nghị tập huấn bao gồm trực tiếp và trực tuyến cho các sở, ngành, thành viên tổ công tác, tổ giúp việc thực hiện Đề án 06 từ tỉnh đến xã cho khoảng 250 cán bộ của tỉnh.
Trong năm 2022, tỉnh đã chủ động đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ Nền tảng học trực tuyến mở đại trà để tổ chức 02 khóa học trên nền tảng (CĐS cơ bản và Chương trình bồi dưỡng kỹ năng CĐS) cho CBCCVC trong toàn tỉnh, dự kiến hoàn thành triển khai bồi dưỡng cho khoảng 31.000 lượt CBCCVC trong năm 2022.
Ngoài các khóa bồi dưỡng, tập huấn do tỉnh chủ động tổ chức thực hiện nêu trên, tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ TT&TT để cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng về CĐS do Bộ TT&TT tổ chức: 27 cán bộ chuyên trách CNTT của Sở TT&TT thông tham gia Chương trình bồi dưỡng về CĐS cho đơn vị chuyên trách CNTT và khóa cho đội ngũ nòng cốt về CĐS; 240 cán bộ bao gồm các người đứng đầu và đội ngũ nòng cốt về CĐS tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tham gia khóa bồi dưỡng "Cách tiếp cận nền tảng trong CĐS"; 55 cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối; 192 cán bộ Lãnh đạo UBND cấp xã tham gia khóa bồi dưỡng về CĐS cho đối tượng lãnh đạo UBND cấp xã.
Về tập huấn cho tổ CNSCĐ, tính đến ngày 21/9/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 tổ CNSCĐ (1.462 tổ CNSCĐ địa phương, 11 tổ CNSCĐ của DN) bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên đã hoạt động. Tổ CNSCĐ được giao các nhiệm vụ hết sức cụ thể gắn với các chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2022, bảo đảm có thể đo lường được, tránh hình thức.
Cụ thể, 100% công dân từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn được cấp mã định danh điện tử cá nhân và sử dụng mã định danh cá nhân hiệu quả trong giao dịch TTHC và các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục…; 100% công dân trưởng thành biết và hiểu địa chỉ truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh và có kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng; 100% hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP được đưa lên 3 sàn thương mại điện tử gồm Voso, Posmart, Sendo; 100% hộ gia đình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực biết mở gian hàng số để giao dịch trực tuyến.
100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản mobile money hoặc tài khoản giao dịch tại ngân hàng, có điện thoại di động thông minh và cài đặt, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như VNEID, sổ sức khỏe điện tử, VssID...; tham gia, tương tác với chính quyền thông qua nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân; 100% hộ gia đình có kỹ năng số, biết sử dụng Internet an toàn.
Người dân được vận động sử dụng DVCTT, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi có TTHC cần giải quyết.
Để tổ CNSCĐ có tài liệu hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT, Công an tỉnh cùng các ngành và Trung tâm truyền thông tỉnh thống nhất xây dựng 8 tài liệu để triển khai trong cộng đồng dân cư năm 2022 tương ứng với những chỉ tiêu nói trên. Các tài liệu được biên soạn, xây dựng dưới dạng các clip ngắn, Infographic đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận để chuyển tới người dân thông qua Tổ CNSCĐ trên nền tảng miễn phí, thông dụng Zalo.
Một số địa phương trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo để khuyến khích, động viên tổ CNSCĐ như huyện Vân Đồn tặng mỗi tổ một máy điện thoại di động thông minh có gắn sẵn SIM đã được kích hoạt. Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động nhưng bước đầu có thể khẳng định tổ CNSCĐ đã có đóng góp tích cực trong triển khai CĐS của tỉnh, điển hình có thể kể đến tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của tỉnh đến hết tháng 9/2022 đã đạt 76,1%.
Hải Phòng: sự tham gia tích cực của cơ quan báo chí, truyền thanh
Về truyền thông, nâng cao nhận thức về CĐS, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 30/3/2022 về triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 05/4/2022 về truyền thông CĐS trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2022 và khoảng 20 văn bản chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về CĐS, cung cấp 20 tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan báo chí của Thành phố Hải Phòng đã đăng tải khoảng 1.300 tin, bài tuyên truyền về CĐS, công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Hệ thống truyền thanh quận, huyện, xã, phường, thị trấn ưu tiên thời lượng phát sóng, tiếp sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng về CĐS, đồng thời tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 03-NQ/TU, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch CĐS năm 2022, hướng dẫn thực hiện mục tiêu CĐS năm 2022, tuyên truyền về sàn thương mại giao dịch điện tử (trung bình 2-3 lượt/tuần).
Thành phố đã phối hợp các DN BKAV, Savis, Viettel,... tổ chức được 05 hội thảo lớn trong Thành phố với các chủ đề: "Chữ ký số, lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng Chính quyền số và công dân số", "An toàn thông tin cho CĐS", "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong CĐS lĩnh vực giáo dục và đào tạo", "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong CĐS lĩnh vực y tế", "Phương pháp luận về CĐS" cho tổng số khoảng 1.000 công chức, viên chức của Thành phố.
Đồng thời bồi dưỡng, tập huấn CĐS và triển khai tổ CNSCĐ đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Đến tháng 9/2022, Hải Phòng đã thành lập 2.656 tổ CNSCĐ tại toàn bộ 217 xã, phường, thị trấn và 2.439 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của gần 20.000 thành viên; tập huấn, hướng dẫn sử dụng Cổng DVCTT thành phố bằng hình thức trực tuyến tới 217 điểm cầu của các xã, phường, thị trấn và 2.439 tổ CNSCĐ thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.
Tổ chức 17 lớp tập huấn, hướng dẫn cho hơn 700 cán bộ chuyên trách CNTT, CBCCVC trong các cơ quan nhà nước thành phố về sử dụng chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, ký số cá nhân khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và ký số kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa điện tử; triển khai mã QR-code truy cập Cổng DVCTT Thành phố tới 100% các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện để giúp người dân, DN truy cập nhanh.
Hải Phòng cũng tổ chức Chương trình tập huấn, hướng dẫn vận hành phần mềm Thông tin phản ánh hiện trường thuộc hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng.
Từ tháng 8/2022, Bộ TT&TT đã hỗ trợ Hải Phòng triển khai sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch để bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho CBCCVC của Thành phố. Đến nay Hải Phòng đã tổ chức khóa bồi dưỡng "CĐS cơ bản" - Haiphong.onetouch.edu.vn: đã tạo tài khoản học đợt 01 cho gồm 7.892 CBCCVC tại các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức chính trị, xã hội. Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn thành bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho 30.000 cán bộ trong toàn Thành phố. Ngoài ra, theo kế hoạch, Thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng trực tuyến về CĐS cho khoảng 5.000 DN./.