"Gắn kết và chủ động thích ứng" là phương châm hành động trong tuyên truyền ASEAN

Lan Phương| 03/11/2020 21:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN chiều 3/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã đề nghị các cơ quan báo chí lấy chủ đề "gắn kết và chủ động thích ứng" làm phương châm hành động.

Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cho biết: Trong năm 2020, do dịch Covid-19, truyền thông về ASEAN đã được đẩy mạnh trên môi trường điện tử. Số lượng các tin, bài về ASEAN trong năm 2020 rất lớn. Số liệu 6 tháng đầu năm là 30.000 bài, trong đó nhiều nhất là mảng hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.

Cũng theo ông Long, Bộ TT&TT đã thiết lập được đầu mối tuyên truyền ASEAN. Mạng lưới các bộ ngành và các cơ quan báo chí tuyên truyền về ASEAN có 110 đầu mối của 32 báo đài trung ương và 12 bộ, ngành thuộc Ban chỉ đạo. "Việc thiết lập được mạng lưới giúp đưa tin nhanh, đặc biệt là các thông báo mới, bổ sung của các trụ cột. Thông tin đã được chuyển qua email, các nhóm đầu mối nên công tác tuyên truyền đã được được đẩy nhanh", ông Long cho biết.

Vụ trưởng Triệu Minh Long: Ưu tiên tuyên truyền ASEAN tại các địa phương là một trong những ưu tiên trong thời gian tới của Ban chỉ đạo

Các ấn phẩm tuyên truyền tiếp tục được được xuất bản. Bộ TT&TT phát hành bộ tem ASEAN, các cuốn sổ tay nhỏ. Cổng thông tin ASEAN do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT chủ trì đã được nâng cấp thường xuyên. 8 tháng đầu năm 2020 đã có 2000 tin, trong đó 1200 tin tiếng Việt, 800 tin tiếng Anh, 300 video clip.

Hình thức tuyên truyền qua các hoạt động quảng bá, triển lãm ảnh giới thiệu ASEAN đã được tổ chức lần lượt tại các địa phương và nhận được hưởng ứng tốt. 20 tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền ASEAN tại địa phương và tiếp tục sẽ đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này. "Ưu tiên tuyên truyền ASEAN tại các địa phương là một trong những ưu tiên trong thời gian tới của Ban chỉ đạo", ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng cho biết: Năm 2020, Bộ TT&TT đã chủ trì đảm bảo đường truyền, hình ảnh, âm thanh cho các sự kiện, Hội nghị ASEAN được tổ chức trực tuyến với sự hỗ trợ của Cục Viễn thông, Cục ATTT. Các nước đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Việt Nam.

Việt Nam tích cực đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác ASEAN

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã thông tin về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ được tổ chức trực tuyến từ ngày 12 - 15/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội. Đây là Hội nghị quan trọng cuối cùng của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Thủ tướng dự kiến chủ trì hội nghị cấp cao, trong đó có Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối tác, Hội nghị cấp cao ASEAN+3, hội nghị Mekong - Nhật Bản, hội nghị Mekong - Hàn Quốc…

Một điểm mới được ông Trung chia sẻ là trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 sẽ có Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, theo đó, mỗi nước ASEAN sẽ cử một lãnh đạo nữ tham dự Hội nghị này. Hội nghị cũng sẽ có các nữ lãnh đạo của một số nước trên thế giới, Liên Hợp Quốc tham dự. Bên lề hội nghị cấp cao ASEAN, sẽ có hội nghị đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Ông Trung cũng cho biết: Việt Nam đã có một năm Chủ tịch ASEAN thành công, đặc biệt là tất cả các sáng kiến của Việt Nam đề ra trong năm nay cơ bản đã hoàn tất, trong đó 3/4 sáng kiến đã hoàn tất.

Đặc biệt bên cạnh thực hiện các sáng kiến mới, Việt Nam đã có các sáng kiến chống Covid-19 do Việt Nam hoặc Việt Nam đồng sáng kiến với các nước, trong đó có sáng kiến Quỹ ứng phó Covid-19 do Việt Nam, Thái Lan đề xuất. Hiện nay, các sáng kiến Quỹ này đạt được hơn 10 triệu USD từ các nước đối tác và các nước ASEAN, Hiệp hội. Sáng kiến quan trọng nữa do Việt Nam đề xuất là kho lưu trữ vật tư chống Covid-19 và sẽ công bố thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37,v.v..

Việt Nam cũng đã đề xuất khung phục hồi tổng thể ASEAN và sẽ có văn bản hành động cụ thể. Theo đó, Việt Nam đề xuất tiếp cận chống Covid-19 bằng cả cộng đồng với sự tham gia của 3 trụ cột, tập trung chính vào người dân, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất tự đại dịch Covid-19.

Chia sẻ về những sáng kiến của Việt Nam trong trụ cột hợp tác kinh tế, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, các cuộc họp đã được tổ chức trực tuyến đảm bảo tiến độ triển khai hợp tác kinh tế không bị chậm trễ. Nhiều sáng kiến đã kịp thời được đưa ra, thích ứng nhanh với tình hình. Trụ cột hợp tác kinh tế đã đưa ra 13 ưu tiên hợp tác, trong đó đã có 8 ưu tiên hoàn thành và đảm bảo các ưu tiên hợp tác khác triển khai theo đúng tiến độ.

Ngoài các ưu tiên hợp tác kinh tế trong kế hoạch, bà Nga cho biết dù Covid-19 nhưng Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng, chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng những sáng kiến mới để kịp thời ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 gây ra trong lĩnh vực kinh tế.

Dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị đình trệ do các nước đều áp dụng biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy cùng các nước ASEAN đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, cụ thể để ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp tháng 3/2020 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã chủ động đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận thông qua Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19 và khôi phục chuỗi cung ứng.

Tiếp theo đó, về hợp tác ngoại khối với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN+3, Việt Nam đã phối hợp với ASEAN, các nước đối tác đưa ra các tuyên bố ứng phó với dịch Covid-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế, chuỗi cung ứng trong khu vực và đã thông qua được 5 tuyên bố cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN với các đối tác.

Cụ thể, bà Nga thông tin thêm, Việt Nam đã xây dựng được các chương trình hành động cụ thể để thực hiện các chương trình hành động với các đối tác như Chương trình hành động với đối tác Nhật Bản, ASEAN+3 và sáng kiến ASEAN - Hàn Quốc về thúc đẩy, đưa ra những định hướng cụ thể cho thương mại, đầu tư, nhằm củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực, khắc phục những hậu quả, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khu vực và góp phần vào việc triển khai kế hoạch tổng thể của ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và các nhà lãnh đạo xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể ở cả 3 trụ cột cho giai đoạn sau đại dịch.

Trong phiên kinh tế, Việt Nam đóng góp nội dung cụ thể và xây dựng dự thảo cuối và trình lên Hội nghị 37 này để thông qua. "Việt Nam đã thể hiện tinh thần thích ứng nhanh để giảm thiểu tiêu cực tới kinh tế, bảo đảm cung ứng mặt hàng thiết yếu người dân ASEAN và còn tiến tới phục hồi tổng thể, duy trì chuỗi cung ứng".

Một trong những sáng kiến cụ thể có giá trị thực tiễn là Việt Nam đã ban hành Thông tư để chấp nhận các tờ khai xuất xứ bảng điện tử, chữ ký điện tử để giúp cho quá trình thủ tục thông quan được nhanh chóng. Công việc này đã được các nước ASEAN, đối tác ASEAN như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Ấn Độ… hết sức hoan nghênh.

Đây rõ ràng đây là một bước tạo thuận lợi thương mại có giá trị thực tế để hỗ trợ cho DN, luân chuyển thương mại trong khu vực. Sắp tới, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các nước ASEAN đang thảo luận một Biên bản ghi nhớ về xử lý các biện pháp phi thuế đối với các mặt hàng thiết yếu. Dự kiến nếu thống nhất trước Hội nghị 37 thì tại Hội nghị sẽ ký kết – nhằm thực hiện hành động Hà Nội về ứng phó với dịch Covid-19.

Tập trung tuyên truyền trọng tâm, điểm nhấn về Hội nghị cấp cao ASEAN 37

Kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã đề nghị các đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị cho các hoạt động Hội nghị cấp cao ASEAN 37 sắp diễn ra và các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền báo chí. Đặc biệt, tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các bộ ngành chủ trì 3 trụ cột hợp tác ASEAN phải cử đại diện tham dự để cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí. Các cơ chủ trì 3 trụ cột phải tổng hợp ý kiến các bộ ngành liên quan để thông tin cho báo chí về cái mới, trọng tâm, điểm nhấn của Hội nghị và các lưu ý cho báo chí tuyên truyền.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Đẩy mạnh tuyên truyền về Hội nghị cấp cao ASEAN với trọng tâm, điểm nhấn

Thứ trưởng cũng cho biết: Do dịch Covid-19, trong khó khăn đã thúc đẩy phải có những thích ứng mới, sáng kiến mới, theo đó, Việt Nam đã chủ động phát huy công nghệ trong các công tác để đảm bảo các hoạt động của ASEAN.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa các bộ/ngành trong tuyên truyền và cần có cách phát huy mạng lưới tuyên truyền ASEAN, trang web ASEAN kịp thời để cung cấp thông tin về ASEAN.

Bên cạnh tuyên truyền tích cực ASEAN, Thứ trưởng cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo kiểm soát các bình luận, các thông tin lợi dụng để chống phá, đảm bảo an ninh thông tin mạng nhất là trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ban chỉ đạo nên có cơ chế thông tin đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực trong trong công tác tuyên truyền ASEAN. Các cơ quan báo chí cũng phải xây dựng kịch bản, đề xuất các bộ, ngành trả lời báo chí, nhất là các nội dung mà bộ ngành chủ trì các trụ cột.

"Trong tất cả các hoạt động tuyên truyền của báo chí về ASEAN, báo chí nên lấy chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng" làm phương châm hành động. Các cơ quan báo chí cần chú trọng tuyên truyền về ASEAN phải đến được với người dân, địa phương cơ sở thì mới trở thành hành động thiết thực", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Năm 2024, 28 cơ quan báo chí đạt "Xuất sắc" về mức độ chuyển đổi số
    Kết quả đánh giá, xếp hạng này là cơ sở để các cơ quan báo chí theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, từ đó các cơ quan báo chí xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và mục tiêu hướng tới của đơn vị.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Gắn kết và chủ động thích ứng" là phương châm hành động trong tuyên truyền ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO