Chiều ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử".
Tới dự Lễ tổng kết và trao Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử" có Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Nhà báo Việt Nam.
Các tác phẩm đều có chất lượng tốt, tính thời sự cao
Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử" được chính thức phát động từ tháng 8/2019. Lần đầu tiên tổ chức, Giải đã nhận được 358 tác phẩm gửi về dự thi ở 5 thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh và ảnh báo chí của gần 70 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 60 cơ quan báo chí và đông đảo nhà báo, cộng tác viên trên cả nước.
Các tác phẩm đều có chất lượng tốt, tính thời sự cao, phản ánh thực tiễn đời sống sinh động, cách ứng xử văn hóa đối với các vấn đề xã hội đang quan tâm như: Văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, trường học, nơi công cộng…, tạo hiệu ứng và tác động tốt trong xã hội.
Qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng giám khảo đã xem xét, lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao Giải.
Kết quả, thể loại báo in có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Trong đó, Báo Hà nội mới được trao giải Nhất cho loạt bài Văn hóa công sở - Văn hóa người Hà Nội và giải Khuyến khích cho loạt bài Xây dựng nếp sống văn minh sau dịch Covid-19: Định hình tư duy mới.
Thể loại báo điện tử có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích, trong đó tác phẩm Cuộc sống lên tầng, văn hóa "lên" đâu? của Báo Hànộimới giành giải Ba.
Thể loại báo hình có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Thể loại báo nói có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Thể loại báo ảnh có 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm giành giải cao tại giải. Ở nội dung này, Báo Hànộimới giành giải Nhất tập thể.
Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa ứng xử; khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Nhân rộng kết quả tốt đẹp của giải
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, đây là lần đầu tiên Giải báo chí về văn hóa ứng xử được tổ chức, là hoạt động có ý nghĩa trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tham dự giải là các tác phẩm thuộc các thể loại bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí tuyên truyền về văn hóa ứng xử, được đăng, phát trên các loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng nhấn manh, nội dung các tác phẩm tham gia giải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện. Phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Đối tượng phản ánh là những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử, trên các lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng...
Để có được những tác phẩm báo chí tiêu biểu về các chủ đề trên, phải kể đến công sức lao động không biết mệt mỏi của các anh, chị, em phóng viên, biên tập viên đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, báo chí thực sự đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, khơi dậy, phát huy tinh thần và truyền thống nhân ái trong toàn xã hội.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ghi nhận những đóng góp đầy tâm huyết của các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đã tích cực tham gia sáng tạo các tác phẩm báo chí về chủ đề văn hóa ứng xử. Đồng thời, đề nghị, nhân rộng kết quả tốt đẹp của giải được tổ chức lần đầu và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian tới.
"Tôi mong rằng các cơ quan báo chí, các nhà báo luôn nhiệt huyết và trách nhiệm, tiếp tục đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Trong những lần tổ chức tới, Ban tổ chức cũng cần tăng cường công tác truyền thông về giải để các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên thấy được ý nghĩa thiết thực và tham gia đông đảo hơn nữa".