Báo chí

Giả danh giáo viên, nhân viên ý tế báo người thân đang cấp cứu

PV 01/11/2023 12:06

Lợi dụng điểm yếu tâm lý, kẻ xấu tự xưng là giáo viên/nhân viên ý tế liên hệ cho phụ huynh báo con em bị tai nạn bất ngờ phải cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí để chiếm đoạt tài sản.

Chị V.T.M (Long Biên, Hà Nội) cho biết cách đây không lâu chị nhận được cuộc gọi từ một số lạ, tự xưng là giáo viên của cậu con trai học lớp 4, báo rằng bé bị tai nạn bất ngờ phải đi cấp cứu, hiện nhà trường đã đưa học sinh đến cơ sở y tế nhưng phải đóng viện phí. Thấy đầu dây bên kia nói chính xác tên tuổi, trường lớp của con mình, chị M lo lắng vội vàng chuyển khoản theo yêu cầu để con trai được kịp thời chữa trị.

Tuy nhiên sau khi gọi lại cho nhà trường, lúc này chị M mới ngã ngửa bản thân đã bị lừa, và con trai thì vẫn an toàn ở lớp.

Không chỉ chị M, hiện nay đã có rất nhiều người đã dính bẫy chiêu trò này bởi nó đánh mạnh vào tâm lí của nạn nhân, khiến nạn nhân không còn thời gian suy tính mà thực hiện chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

online-doctor-concept_23-2148533917.jpg

Dấu hiệu nhận biết:

Gây áp lực về mặt thời gian: Các đối tượng giả danh sẽ thay phiên nhau gọi liên tục cho phụ huynh thúc giục chuyển tiền viện phí. Nếu không chuyển hoặc chuyển chậm thì con em sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sử dụng các ngôn từ tiêu cực: Để đánh vào tâm lí người nhà, đối tượng lừa đảo thường sẽ sử dụng các ngôn từ tiêu cực nhằm gây kích động cảm xúc nhằm khiến nạn nhân không tỉnh táo mà chui vào tròng như: Nguy kịch, không qua khỏi, bị thương nặng.

Thông tin cung cấp không rõ ràng: Trong nhiều trường hợp, các đối tượng lừa đảo sẽ không dám nói rõ ràng về danh tính cá nhân nhằm tránh lộ sơ hở, chúng sẽ giả bộ vội vàng cấp bách để tránh những câu hỏi liên quan đến thông tin cá nhân.

Thời gian hoạt động: Thông thường các đối tượng sẽ lựa chọn những khung giờ mà các bậc cha mẹ học sinh sẽ bị bận, không thể tiếp xúc với con em hoặc không kịp xử lý như giờ hành chính, giờ tan tầm, giữa trưa.

young-female-doctor-wearing-medical-robe-stethoscope-sitting-desk-with-medical-tools-holding-hiding-heart-shape-isolated_141793-68677.jpg

Làm sao để tránh bị rơi vào tròng?

Để tránh bị lừa đảo một cách đáng tiếc, các bậc cha mẹ học sinh cần lưu ý:

Tại bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh luôn có phương án trả phí sau đối với các trường hợp cấp cứu, nguy kịch. Do đó phụ huynh có thể yên tâm nếu con em thực sự gặp các vấn đề tai nạn nguy hiểm, bệnh viện sẽ luôn đặt an toàn và tính mạng lên hàng đầu.

Bình tĩnh xác minh độ chính xác của thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như giáo viên chủ nhiệm, bạn bè của con và nắm rõ quy trình làm việc của nhà trường.

Hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, hình ảnh và thông tin của con cái trên các nền tảng xã hội nhằm không cho kẻ gian có cơ hội nắm bắt thông tin và có cơ hội thực hiện các hành vi phạm tội.

Trong trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dùng cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời./

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giả danh giáo viên, nhân viên ý tế báo người thân đang cấp cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO