Nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt đời sống vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật
Là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm gần 50% dân số), trong những năm qua, hưởng ứng Chương trình Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế phát động, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Kon Chiêng là một trong những xã vùng khó của huyện Mang Yang. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt vào mùa khô, nhiều sông, suối, mạch nước ngầm khô cạn khiến người dân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Trước tình trạng này, nhiều công trình nước sạch đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết cơ bản những vấn đề về nước sinh hoạt trên địa bàn.
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đã có 7 công trình nước sạch, nước tự chảy được xây mới và sửa chữa tại 5 làng trên địa bàn xã; nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên gần 80%. Từ khi các công trình nước sạch được đưa vào sử dụng, người dân vô cùng phấn khởi và đã chủ động được nguồn nước cho mình, từ đó tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, để công tác quản lý, khai thác sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã phát huy hiệu quả, phục vụ lâu dài, ổn định, tại mỗi làng đều thành lập các tổ tuần tra để kịp thời phát hiện, sửa chữa khi phát sinh các vấn đề.
Chị Đinh Đơnh, Làng Đak Klăh, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang cho biết: “Trước kia không có nước, nhất là mùa khô rất là vất vả. Phải đi lấy nước cách xa nơi ở 2-3 km. Giờ có nước này rồi, bà con rất vui mừng, đi làm không cần phải lo nước sinh hoạt nữa”.
Trong khi đó, ghi nhận tại huyện Kbang, địa phương hiện còn 3.832/17.354 hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề vệ sinh môi trường, chậm thay đổi tập quán sinh hoạt… Xã Đak Rong (hiện đạt 9 tiêu chí) và Krong (đạt 10 tiêu chí) là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện, rất khó có khả năng đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020 nếu không có giải pháp thực hiện cụ thể.
Vì vậy, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương huyện, tỉnh đoàn Gia Lai cũng đã chủ động vào cuộc để giúp người dân giải quyết vấn đề thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh. Cụ thể, từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của Trung ương Đoàn, tháng 4-2019, Tỉnh Đoàn Gia Lai đã tiến hành khảo sát, quyết định hỗ trợ cho 32 hộ thanh niên nghèo trên địa bàn xã Sơn Lang (huyện Kbang) làm nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng kinh phí 110 triệu đồng. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 3,4 triệu đồng (bao gồm ngày công thực hiện), phần còn lại do gia đình đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm giúp các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn quy định…
Được biết, trong những năm qua, để giải quyết bài toán nước sạch và vệ sinh môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể, chính trị tiếp tục tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước sinh hoạt; hướng dẫn việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh.
Người dân xã Ia Lang (huyện Đức Cơ, Gia Lai) dọn vệ sinh đường làng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo huy động nguồn lực hỗ trợ 1.863 hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện xây dựng công trình vệ sinh; vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, xây dựng tường rào, cổng ngõ; xây dựng phương án thu gom rác thải rắn, rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng xã để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường…