Từ những người làm việc ở đơn vị cung cấp thực phẩm cho đến trợ lý sản xuất với hy vọng việc giao thực phẩm sẽ giúp anh chi trả được các dịch vụ thiết yếu, họ đều phải đối mặt với sự bất ổn về mặt kinh tế. Dưới đây là những câu chuyện của họ.
Josh Taylor, 26 tuổi
Trong vài năm qua, Josh Taylor đã tìm được một công việc ổn định là trợ lý sản xuất cho các bộ phim và chương trình truyền hình. Công việc của Josh là giữ các loại giấy tờ, trông coi thiết bị hoặc yêu cầu người đi đường không đến gần địa điểm đang ghi hình. Mọi thứ đã thay đổi từ vài tuần trước khi nhiều dự án sản xuất bị đình chỉ vì thành phố tạm thời "đóng cửa".
Dù luôn có một số công việc phụ trong lĩnh vực gig để kiếm thêm tiền, nhưng công việc của anh chỉ là đạp xe qua những con phố vắng vẻ ở Manhattan, giao đồ cho Uber Eats vào buổi tối. Josh chia sẻ: "Tôi nên ở trong nhà. Tôi cố gắng giữ khoảng cách với người khác khi ra ngoài mỗi ngày. Tôi đang kiếm tiền nhưng lo lắng hơn về việc bà tôi có thể bị ốm."
Josh tìm đến công việc trợ lý sản xuất kể từ khi chị gái anh gợi ý, ở thời điểm cô tham gia sản xuất bộ phim "Người Nhện". Mọi thứ trở nên thuận lợi hơn với Josh và trong vài năm, anh đã tìm được công việc ổn định ở các dự án cho NBC, Comedy Central và Netflix. Nhưng 3 tuần trước, mọi công việc đã biến mất. Một trong những công việc khác của anh – dắt chó đi dạo, giờ cũng không còn.
Dẫu vậy, cho đến hiện tại, Josh không quá lo lắng về việc trả tiền thuê nhà, nhờ sự hỗ trợ từ Uber và số tiền tip đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, công việc vẫn là một câu hỏi dai dẳng với Josh: "Tôi có thể làm công việc giao hàng mỗi ngày. Trừ khi thành phố bị phong toả, thì kiếm tiền qua đó sẽ là điều không thể."
Jen Abbate, 36 tuổi
Sau khi Jen Abbate ly hôn cách đây 4 năm, chị vẫn ở lại căn hộ 2 phòng ngủ họ chung sống ở Park Slope. Abbate là một giáo viên ở trường tư thục tại Brooklyn. Chị biết rằng sẽ rất khó để trả khoản tiền thuê nhà 3.000 USD/tháng, do đó chị đã tìm một người để thuê cùng. Sau đó, Abbate bắt đầu dạy thêm online qua các ứng dụng gig và trông trẻ để kiếm thêm tiền. Cuối cùng, chị vẫn phải tìm thêm một người khác để chia sẻ tiền thuê nhà. Abbate chia sẻ: "Kể cả ở cùng với 1 người vẫn là không đủ, khi bạn đang sống ở thành phố New York."
1 tuần sau đó, một người bạn cùng phòng của chị rời đi dù sau đó đã trả 1 phần tiền nhà cho tháng 4. Khi Abbate cảm thấy an tâm phần nào vì trường học vẫn trả lương hàng tháng, thì mối lo khác về tương lai bất ổn lại đến, đặc biệt là khi các công việc làm thêm bên ngoài cũng không còn.
Abbate không biết sự tồi tệ này sẽ diễn ra trong bao lâu. Chị đã nộp đơn hỗ trợ liên bang đề nghị trợ giúp về khoản vay sinh viên và dự kiến sẽ tiết kiệm 450 USD/tháng trong các khoản thanh toán bắt đầu từ tháng 5, dù cuối cùng Abbate vẫn phải thanh toán các khoản đang bị hoãn. Tuy nhiên, chị vẫn mong muốn chủ nhà sẽ giảm giá cho thuê nếu tình hình hiện tại kéo dài.
Abbate cho hay: "Lo ngại lớn nhất của tôi là lại rơi vào cảnh nợ nần. Vì tôi đã làm những công việc bán thời gian, nên tôi đã thanh toán đủ các khoản nợ thẻ tín dụng. Ở tuổi 36, điều tôi muốn làm là có tiền để ở riêng và có một quỹ khẩn cấp phòng khi những trường hợp như hiện tại xảy ra."
Boyvi, 35 tuổi
Boyvi là một thợ phụ đến từ Guatemala. Gần 3 tuần nay, anh đã không nhận được công việc nào ở công trường xây dựng. Ngay cả trước khi Thống đốc Andrew Cuomo yêu cầu đóng cửa các khu xây dựng, thì ông chủ dự án của Boyvi cũng thu hẹp quy mô. Đầu tiên, ông giảm giờ làm, sau đó nói với đội thợ rằng dự án này không cần đến họ nữa. Giờ đây, Boyvi và những công nhân khác đang chờ đợi để tiếp tục xây dựng toà nhà 30 tầng ở Manhattan. Tuy nhiên, số tiền còn lại của anh không thể đợi được đến lúc đó.
Boyvi không có hợp đồng lao động và được trả thù lao bằng tiền mặt. Anh lo lắng về việc không đủ điều kiện để nhận được viện trợ liên bang. Phần còn lại trong khoản tiết kiệm của anh đã được sử dụng để mua đồ tạp hoá, và chỉ có thể trang trải trong 1 tuần nữa. Sau đó, anh cũng không chắc về những bữa ăn của mình và làm thế nào để thanh toán tiền thuê nhà. Hoá đơn dịch vụ của Boyvi hàng tháng lên đến 2.000 USD.
Nếu nhiễm Covid-19, anh không biết mình sẽ làm gì để trả viện phí. Cũng như hầu hết người nhập cư không giấy tờ, anh không có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để giúp đỡ những lao động như Boyvi, Dự án Công lý cho Công nhân (WJP) – một tổ chức tại Brooklyn đại diện cho các lao động thời vụ và người giúp việc, đã thiết lập một quỹ cứu trợ.
David Kirschner, 35 tuổi
Sau 5 năm điều hành dineDK – một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống cao cấp, David Kirschner cho rằng 2020 sẽ là 1 năm đột phá của mình. Ông và nhiều đầu bếp tự do có kinh nghiệm đã làm việc với khách hàng để tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, từ bữa tối tại nhà cho 2 người đến phục vụ đoàn khách 200 người. Công việc kinh doanh cực kỳ thuận lợi, David dự định thuê một không gian 1.800 m2 ở trung tâm thành phố Jersey để xây dựng một nhà bếp lớn và không gian tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên, sau khi các sự kiện trong 2 tháng tới bị huỷ bỏ do các biện pháp hạn chế Covid-19 lây lan, David đang sử dụng 30.000 USD tiền đặt cọc để duy trì hoạt động. Anh chia sẻ: "Chúng tôi làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, nhưng giờ đây lại phải đưa ra những quyết định khó khăn. Doanh thu của chúng tôi có thể trở về con số 0."
Anh và vợ hiện đang phải dùng đến tiền tiết kiệm và phải thắt lưng buộc bụng. Họ phải tìm đến các khoản hỗ trợ doanh nghiệp liên bang, dù lo ngại rằng những khoản nợ không biết khi nào mới có thể thanh toán.
Tham khảo New York Times