Giải bài toán kinh doanh đa cấp "trá hình"

Trang Trang| 02/11/2021 15:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Phỏng vấn ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

PV:. Xin ông cho biết đâu là dấu hiệu nhận biết các mô hình kinh doanh đa cấp "trá hình" để cảnh báo rủi ro đối với người dân tham gia?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Mặc dù kinh doanh theo phương thức đa cấp là mô hình kinh doanh đã được pháp luật thừa nhận, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tuy nhiên, trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội. Một số dấu hiệu cơ bản để nhận diện một doanh nghiệp đa cấp trá hình:

- Kinh doanh đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Theo quy định, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo luật định và đã được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, khi được giới thiệu, mời chào, tuyển dụng để tham gia vào bất cứ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào, người tham gia cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chưa.

Danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cập nhật thường xuyên và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Cục CT&BVNTD tại địa chỉ: http://vcca.gov.vn/.

- Kinh doanh đa cấp với đối tượng hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Một số loại hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Thuốc; Trang thiết bị y tế; Các loại thuốc thú y (Bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); Thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;

Sản phẩm nội dung thông tin số.

- Yêu cầu đặt cọc, nộp một khoản tiền nhất định hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định.

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản chi phí để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình, xem như là chi phí gia nhập hệ thống. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau như nộp tiền để làm thủ tục tuyển dụng hay đào tạo; Mua một lượng hàng nhất định; Làm thẻ thành viên; Mua tài liệu kinh doanh…

Thực hiện hành vi trên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp vừa thu được khoản lợi nhuận bất chính, vừa khiến người tham gia có động cơ để lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp đa cấp bất chính nhằm gỡ gạc, bù đắp lại khoản chi phí đã bỏ ra.

- Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp

Từ khoản chi phí ban đầu do người muốn gia nhập mạng lưới bán hàng đa cấp nộp, người giới thiệu hoặc người tuyển dụng có thể được hưởng hoa hồng, coi như là phần tiền công cho việc giới thiệu, tuyển dụng đó. Khoản tiền hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia mạng lưới.

- Cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn để dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp

Cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc nói quá, quảng cáo gian dối là hình thức cơ bản để các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính thu phục, tuyển dụng người mới, khiến họ mờ mắt trước những thông tin không có thật. Việc nói quá của đối tượng bán hàng đa cấp bất chính có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:

- Nói quá về cơ hội làm giàu: Người bị dụ dỗ tham gia vào các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường được nghe những lời quảng cáo về khả năng có thể giàu lên nhanh chóng sau một thời gian tham gia vào mạng lưới.

- Nói quá về công dụng sản phẩm: Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo các sản phẩm của họ như những sản phẩm thần thánh, có thể chữa các bệnh hiểm nghèo, kể cả bệnh nan y như ung thư. Họ có thể sử dụng ví dụ thực tế qua các hình ảnh, thậm chí các video clip có người bệnh trình bày. Tuy nhiên, các hình ảnh và clip này đều không có căn cứ khoa học, thậm chí là dàn dựng, không có thật.

- Nói quá về quy mô, sức mạnh của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp đa cấp bất chính chỉ là doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, lấy tên giống một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng để lấy niềm tin của người khác, họ thường quảng cáo họ là doanh nghiệp đa quốc gia, có nhà máy, trụ sở, văn phòng và hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Hình thức nói quá này thường nhằm nhắm đến những người có nhận thức hạn chế, nghĩ rằng mình được làm việc cho doanh nghiệp quốc tế, cảm thấy tự hào và càng tin tưởng là không bị lừa.

Giải bài toán kinh doanh đa cấp

- Kinh doanh đa cấp nhưng không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng

Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường chỉ tập trung vào tuyển dụng người mới để thu tiền mà không quan tâm đến việc kinh doanh hàng hóa, do đó, họ thường không có hàng hóa hoặc nếu có cũng chỉ là các hàng hóa giá rẻ, thô sơ để làm bình phong cho hoạt động thu tiền.

Các doanh nghiệp này thường dụ dỗ người tham gia nộp tiền, xuất hóa đơn nhưng không giao hàng. Để ngụy trang cho việc này, họ thường cho người tham gia ký vào các giấy tờ như phiếu gửi lại hàng, phiếu xuất kho khống, hoặc đóng dấu "đã nhận hàng" vào hóa đơn xuất cho người nộp tiền.

Một số doanh nghiệp có giao hàng nhưng hàng hóa giá trị rất thấp so với số tiền thu được từ người tham gia, ví dụ như thực phẩm chức năng, đồ gia dụng thông thường nhưng được bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Sau một thời gian, người nộp tiền không được trả hoa hồng như hứa hẹn, muốn đến đòi lại tiền thì không thể đòi lại được vì giấy tờ thể hiện họ đã nhận hàng, hoặc việc mua bán đã được thực hiện trên cơ sở thuận mua vừa bán, dù đắt nhưng người mua đã đồng ý bỏ tiền mua nên không thể đòi lại.

PV: Các sàn giao dịch trên đều được mở tại nước ngoài và không đăng ký hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, vậy làm sao để kiểm soát được các hoạt động đó ? Chế tài xử phạt với các hoạt động này như thế nào và biện pháp nào để ngăn chặn ?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Theo thẩm quyền, việc điều tra, xử lý các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng đã được giao cho Bộ Công an theo Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp: "Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, gian lận thương mại buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép... trên phạm vi cả nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội."

Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp).

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và bán hàng đa cấp, Cục CT&BVNTD một mặt sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh công tác cảnh báo, tuyên truyền về những biểu hiện biến tướng của những hành vi bán hàng đa cấp trái phép hiện nay để người dân nhận thức được những rủi ro cả pháp lý và tài chính khi tham gia, hạn chế được những thiệt hại không đáng có. Các thông tin cảnh báo được đăng công khai trên website của Cục sau đó được hàng loạt các trang thông tin, báo điện tử đưa tin lại nên đã tạo ra được hiệu ứng rất tích cực.

Đối với các trường hợp có đầy đủ thông tin chứng cứ cần thiết, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển tới các cơ quan công an để theo dõi, điều tra và xử lý theo thẩm quyền.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán kinh doanh đa cấp "trá hình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO