Giải bài toán năng suất lao động Việt Nam

Thủy Linh| 13/11/2022 13:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì giáo dục và đào tạo giữ vai trò quyết định. Nhưng một khi ngành giáo dục và đào tạo còn chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước thì năng suất lao động thấp vẫn sẽ là lực cản lớn đối với sự phát triển”- PGS.TS Vũ Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Thách thức lớn của nâng cao năng suất lao động là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vừa qua, liên quan đến vấn đề tăng năng suất lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn…

Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp.

Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả, hội nhập; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Bên cạnh đó, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Liên quan đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, PGS.TS Vũ Hoàng Ngân bày tỏ quan điểm đồng tình. Theo bà, tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) là nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của một quốc gia. Thách thức lớn trong việc nâng cao NSLĐ ở Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng và có mức tăng khá. Giai đoạn 1996 - 2016, NSLĐ ngành công nghiệp gấp khoảng 4 - 7 lần NSLĐ ngành nông nghiệp, NSLĐ ngành dịch vụ gấp khoảng 3 - 5 lần NSLĐ ngành nông nghiệp. Nếu năm 2000 NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 Singapore, nước có mức NSLĐ cao nhất châu Á, thì năm 2014 đã tăng lên mức 1/14. Đây là tín hiệu tương đối tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách giữa NSLĐ của Việt Nam và Singapore, nền kinh tế dẫn đầu khu vực, ngày một xa hơn trong quá trình cố gắng "bắt kịp".

PGS.TS Vũ Hoàng Ngân cho rằng: Thách thức lớn trong việc nâng cao NSLĐ ở Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và nếu so với các nước trong khu vực thì khoảng cách còn khá lớn. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 trong bảng xếp hạng các quốc gia châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,76 điểm, Malaysia 5,59 điểm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì giáo dục và đào tạo giữ vai trò quyết định. Nhưng một khi ngành giáo dục và đào tạo còn chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước thì NSLĐ thấp vẫn sẽ là lực cản lớn đối với sự phát triển.

Kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, tăng NSLĐ của nội bộ các ngành mới là nguồn chính của tăng trưởng NSLĐ tổng thể nền kinh tế. Giai đoạn 1990 - 2005, tăng NSLĐ nội bộ các ngành đóng góp trung bình 88%, chuyển dịch cơ cấu đóng góp 12% cho tăng trưởng NSLĐ ở Malaysia. Các tỷ lệ này lần lượt là 85% và 15% ở Philippines. Việt Nam và Thái Lan là hai trong số ít quốc gia mà những cải thiện về NSLĐ được hưởng lợi đáng kể từ chuyển dịch cơ cấu.

Ở hai nước này, khoảng cách lớn về NSLĐ giữa các ngành đã hướng luồng lao động dịch chuyển đến các hoạt động có năng suất cao hơn và do đó nâng cao NSLĐ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong xu hướng tăng NSLĐ chung của khu vực châu Á, khi tăng năng suất của các ngành có ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối tốc độ tăng NSLĐ chung của toàn khu vực, thì tốc độ tăng năng suất chậm chạp và thiếu bền vững của các ngành kinh tế ở Việt Nam làm nảy sinh nhiều lo ngại.

Nâng cao năng lực của các ngành

PGS.TS Vũ Hoàng Ngân lo ngại: Những thách thức về năng suất cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật có thể làm mờ nhạt hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí đe dọa sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam.

Các hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới

Các hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới

Theo đánh giá của WB và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đang đứng ở ngã ba, nơi phía trước có hai con đường. Trong đó, một con đường hướng tới tốc độ tăng trưởng cao liên tục, tương ứng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng 7 - 8%/năm trong hai thập kỷ vừa qua, dẫn đến một nền kinh tế công nghiệp hiện đại trong tương lai. Con đường kia là tăng trưởng chậm và kéo dài do các rào cản về cơ cấu cùng với sự chậm trễ trong việc đem đến những lợi ích thực sự của tăng trưởng cho các thế hệ tương lai.

Theo nhận định của nhà khoa học này: Đặc trưng quyết định con đường tăng trưởng thứ nhất của Việt Nam chính là tăng trưởng về NSLĐ và thách thức đặt ra là NSLĐ phải liên tục tăng với tốc độ 6,3 - 7,3%, tức là tăng khoảng 1,4 lần so với hiện nay, tốc độ tăng NSLĐ năm 2016 là 5,31%. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ, NSLĐ của Việt Nam đã từng tăng với tốc độ 6,96% năm 1996.

Bởi vậy, theo PGS.TS Vũ Hoàng Ngân, giải bài toán năng suất, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực của các ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp và dịch vụ. Mức NSLĐ bình quân của nền kinh tế vẫn thấp, giai đoạn 1996 - 2016 chỉ cao hơn năng suất của ngành nông nghiệp và kém hơn hẳn so với năng suất của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Thực tế này làm nảy sinh những lo ngại đối với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam do tốc độ tăng NSLĐ chậm, thậm chí còn có biểu hiện tăng trưởng âm, của khu vực công nghiệp. Nhiều khả năng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển chậm của lao động ra khỏi nông nghiệp. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của ngành dịch vụ đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, tính từ năm 2011. Việt Nam không thể tiếp tục nâng cao đóng góp của NSLĐ cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ vào dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ như trước đây, mà phải dựa vào sự gia tăng NSLĐ mạnh mẽ của các ngành kinh tế.

"Các hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra sự thay đổi hoàn toàn mới, các nước trong khu vực sẽ phải cạnh tranh dựa trên NSLĐ, không phải dựa vào chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, nên cần đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam nắm bắt được những cơ hội do hội nhập đem lại?" - PGS.TS Vũ Hoàng Ngân đặt câu hỏi./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán năng suất lao động Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO