Giải pháp ATM mềm giúp Lạng Sơn giải bài toán tiếp cận ATM tại các vùng miền núi

TH| 20/04/2022 13:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Lạng Sơn là tỉnh duy nhất đã phát triển, triển khai được nền tảng số ATM mềm, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, kinh tế số, cửa hàng số và giúp cho giáo viên, nhân dân thuận tiện trong cuộc sống.

Chuyển đổi số (CĐS) cho ATM

Lạng Sơn nằm tại miền núi phía Đông Bắc Việt Nam, phía Đông giáp Quảng Ninh, phía Tây giáp Cao Bằng, phía Nam giáp Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, dân cư không tập trung, với địa giới hành chính gồm 200 xã.

Trên địa bàn tỉnh, số lượng điểm ATM do các ngân hàng triển khai rất ít và hầu hết tập trung tại địa bàn thành phố và trung tâm huyện. Mỗi huyện chỉ có từ 1-2 cây ATM. Tại địa bàn cấp xã chưa có điểm ATM phục vụ cho đối tượng người dân, cán bộ, công chức… trong khi nhu cầu của người sử dụng là tương đối lớn, đặc biệt trong thời điểm đẩy mạnh phát triển kinh tế số hiện nay.

Do đó, mỗi lần cần rút tiền, chuyển tiền, người dân và giáo viên tại các xã, điểm trường thôn, bản ở Lạng Sơn phải đi quãng đường hàng chục km đường rừng để ra trung tâm huyện. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người dân phải đi cả quãng đường xa nhưng khi đến nơi cây ATM lại hết tiền hoặc bị trục trặc. Hiện trạng này không chỉ diễn ra một đôi lần, mà kéo dài nhiều năm. Làm sao để người dân và các giáo viên thoát khỏi cảnh vất vả này và mong muốn mỗi xã có ít nhất 01 cây ATM là nỗi suy tư của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn.

Từ thực tế của tỉnh có 200 xã, thị trấn, kinh phí đầu tư mỗi cây ATM khoảng 500 triệu đồng, chi phí duy trì 200 triệu đồng/cây/năm, như vậy, cần 300 tỷ đồng để có 200 cây ATM duy trì trong 5 năm. Con số đầu tư quá lớn. Chưa kể, về mặt thời gian, xin phép đầu tư 01 cây ATM mất 2 năm có khi chưa được duyệt, để triển khai 200 cây thì thời gian là quá lâu. 

Bắt nguồn những khó khăn từ trong thực tiễn và nhu cầu cấp thiết của người dân, Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn đã xác định cần phải CĐS cho ATM. Giải pháp ATM mềm ứng dụng trên nền tảng số ra đời, cho phép người dân sử dụng ứng dụng ngân hàng di động của Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MB Bank) để nạp/rút tiền từ các ngân hàng tại các điểm bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh.

CĐS cho ATM đến 100% các xã vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư vừa giúp công chức, viên chức, người dân, đặc biệt là những người có tài khoản điện tử, có thể nhanh chóng và dễ dàng thực hiện các chức năng nạp, rút tiền mặt tài khoản ngân hàng tại điểm bưu điện văn hóa xã (BĐ-VHX).

Giải quyết vấn đề tiếp cận ATM tại các vùng miền núi của Lạng Sơn

Giải pháp ATM mềm giúp Lạng Sơn giải quyết bài toán tiếp cận ATM tại các vùng miền núi - Ảnh 1.

Với giải pháp ATM mềm, người dân có thể dùng điện thoại di động thông minh và thực hiện các thao tác đơn giản từ app MB Bank, mở tài khoản bằng eKYC (phương thức xác thực, định danh người dùng từ xa, không cần người dân đến ngân hàng), liên kết ngân hàng thẻ ATM của ngân hàng bất kỳ (thuộc nhóm 40 ngân hàng đã liên kết với ngân hàng MB Bank) vào ứng dụng và nạp tiền. 

Khi muốn rút tiền, người dùng sẽ tạo mã rút tiền, tại điểm BĐ-VHX, nhân viên sẽ quét mã rút tiền, kiểm tra thông tin khách hàng và xuất tiền.

Từ tháng 12/2021 đến nay, giải pháp ATM mềm đã chính thức được tỉnh Lạng Sơn đưa vào vận hành, cung cấp dịch vụ tại 68 điểm BĐ-VHX. Việc nạp/rút tiền của người dân vô cùng thuận tiện, không cần phải di chuyển khoảng cách quá xa để đến được cây ATM truyền thống. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích, dịch vụ trên app MB Bank để phục vụ nhu cầu thanh toán phí, chuyển tiền hằng ngày một cách an toàn, tiện lợi.

CĐS cho ATM tại điểm BĐ-VHX (điểm phục vụ bưu chính của Bưu điện Việt Nam) để thực hiện được chức năng thu hộ, chi hộ tiền mặt từ các tài khoản ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng công chức, viên chức, người dân trên địa bản tỉnh, góp phần giải quyết khó khăn cho hàng trăm ngàn người dân vùng nông thôn và 20.000 giáo viên có tài khoản điện tử không phải đi hàng chục km đường rừng, núi để rút tiền. Thông qua đó thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Việc mở rộng triển khai ATM mềm 200/200 xã còn giúp tỉnh dự kiến tiết kiệm được 300 tỷ đồng trong 05 năm kinh phí đầu tư, triển khai, duy trì; đồng thời, góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen sử dụng tài khoản thanh toán cho người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Câu chuyện về ATM mềm tại tỉnh Lạng Sơn cho thấy CĐS không phải chỉ bắt nguồn từ tầm vĩ mô, từ những vấn đề lớn lao mà CĐS bắt nguồn từ những vấn đề thiết thực của người dân trong cuộc sống hằng ngày. Những vấn đề khó nhưng nếu thay đổi tư duy, thay đổi cách làm một cách phù hợp thì việc khó có thể trở thành việc dễ. Câu chuyện của Lạng Sơn đã chỉ ra một cách làm hay, hiệu quả và là bài học quý báu để các địa phương khác tham khảo.

Ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch 135/KH-UBND về thực hiện chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Sau một năm thực hiện, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật về triển khai chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, triển khai xây dựng chính quyền số, 100% dịch vụ công đủ điều kiện trong năm 2021 đã được nâng lên trực tuyến mức độ 4.

Về kinh tế số, cửa khẩu số, trong năm 2021, toàn tỉnh đã phát triển được 116.000 cửa hàng số (chiếm 60% tổng số hộ dân toàn tỉnh), 102.000 tài khoản thanh toán điện tử, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước 4 năm. 200 cây ATM mềm cũng được triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các xã thực hiện các giao dịch. Nền tảng của khẩu số được đưa vào hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp ATM mềm giúp Lạng Sơn giải bài toán tiếp cận ATM tại các vùng miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO