Truyền thông

Giải pháp nâng cao nguồn lực tài chính cho truyền thông chính sách

Trường Thanh 08:32 22/01/2024

Giải quyết được bài toán kinh tế cho truyền thông chính sách sẽ góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả, cách thức cũng như truyền thông chính sách ở Việt Nam, từ đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Giải quyết kinh tế cho truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Chỉ thị nêu rõ, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

Như vậy, công tác truyền thông chính sách không chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống báo chí truyền thông mà còn là vấn đề trọng yếu đối với chính quyền các cấp. Trên thực tế, nếu báo chí và hệ thống truyền thông đại chúng không sẵn sàng tiên phong trong vai trò cầu nối giữa Chính phủ và công chúng để giám sát và định hướng thông tin thì hoạt động truyền thông chính sách sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra, quyết định đến hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách là kinh phí cho hoạt động này.

Chia sẻ vấn đề này, PGS. TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế truyền thông chính sách ở Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn cả về nội dung, cách thể hiện và nhất là vấn đề kinh phí.

“Do đó, giải quyết được bài toán kinh tế cho truyền thông chính sách sẽ góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả, cách thức cũng như truyền thông chính sách ở Việt Nam, từ đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

3.jpg
Các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông chính sách cho đồng bào vùng cao, biên giới. (Ảnh: tienphong.vn)

Tăng nguồn kinh phí cho công tác truyền thông chính sách

Từ thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua, nhà báo Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: Để thông tin truyền thông chính sách đến với người dân một cách chủ động, kịp thời, có tính lan tỏa, trước hết các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện và trung thực liên quan đến nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức có chức năng nắm giữ thông tin tạo điều kiện bảo đảm và tăng cường hợp tác với cơ quan báo chí theo tinh thần của Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2018, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cung cấp thông tin và xử lý các phản ánh của báo chí trong phạm vi chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình.

“Đặc biệt, cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn về nguồn lực cho các cơ quan báo chí, có cơ chế hỗ trợ các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành đang thực hiện tự chủ toàn bộ tài chính. Tăng cường đặt hàng để thực hiện thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách từ nguồn NSNN”, nhà báo Vũ Hoài Nam đề nghị.

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trương ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan chủ quản. Vì vậy, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách, các cơ quan chủ quản cần quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí và bố trí tăng dự toán kinh phí cho công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách.

Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí, căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị xem xét bố trí dự toán giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc theo các điều kiện cụ thể hiện hành; tăng cường điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách.

Đồng thời, căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Bộ ban hành, các cơ quan chủ quản tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách.

2.jpg
Công tác truyền thông chính sách không chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống báo chí truyền thông mà còn là vấn đề trọng yếu đối với chính quyền các cấp. (Ảnh: baodantoc.vn)

Giải pháp nâng cao nguồn lực tài chính cho truyền thông chính sách

Để đổi mới cơ chế tài chính, ngân sách cho hoạt động truyền thông chính sách, PGS. TS. Bùi Chí Trung đề nghị: Tiếp tục làm rõ hơn nữa khái niệm, vai trò, định hướng, yêu cầu, mô hình và phương pháp truyền thông chính sách trong giai đoạn hiện nay.

Cần nhân thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của truyền thông chính sách đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, coi đây là một phần cấu thành bắt buộc của quy trình ban hành chính sách. Cần phân biệt rạch ròi giữa việc truyền thông chính sách với tuyên truyền chính sách vì đây là hai nội dung khác nhau...

Đồng thời, xây dựng chiến lược truyền thông chính sách một cách toàn diện, từ cấp độ quốc gia, khu vực, lĩnh vực và tới những trọng tâm cụ thể; Điều chỉnh cơ cấu dự chi NSNN và sửa đổi Luật Ngân sách; Tập trung ngân sách cho các cơ quan báo chí chủ lực, gắn với yêu cầu mới về chất lượng nội dung và hiệu quả tác động xã hội.

Bên cạnh đó cần thay đổi nhận thức về cơ chế “đặt hàng” báo chí. Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật tham gia thực hiện truyền thông chính sách. Trong đó, có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ thường xuyên, thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững và có hiệu quả.

Ngoài ra, cần huy động vai trò của các kênh truyền thông ngoài báo chí và lực lượng xã hội khác nhau để truyền thông chính sách.

Nhấn mạnh vấn đề này, PGS. TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Để truyền thông chính sách thực sự mở ra những ảnh hưởng sâu rộng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên quyết, đặc biệt là nguồn lực tài chính.

Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, cả nguồn lực vật chất lẫn nguồn lực tinh thần, cả ở tất cả các khâu từ trước trong và sau quá trình truyền thông chính sách.

"Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm,... mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra những động lực, nguồn lực to lớn khác trong thực thi chính sách, góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững", PGS. TS. Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nâng cao nguồn lực tài chính cho truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO