Giải pháp nào giảm thiệt hại của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong mùa mưa lũ?
Năm 2024, Việt Nam hứng chịu một trận bão lịch sử. Nhưng điều đáng nói là thiệt hại về người và của lại đến từ vùng núi phía Bắc do sạt lở đất và lũ cuốn. Bài toán đặt ra từ lâu càng phải được làm quyết liệt hơn là xây dựng hệ thống cảnh báo hiện đại và đảm bảo an toàn cho đồng bào mà bản làng đang ở khu vực nguy cơ bị sạt lở.
Những trận sạt lở vùi lấp cả bản làng
Đi qua cơn bão Yagi hồi trung tuần tháng 9/2024, có lẽ nhiều người vẫn còn ám ảnh bởi câu chuyện của thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Trận lũ quét và sạt lở ngày 10/9 đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 33 hộ dân sinh sống. Chỉ trong tích tắc, lớp đất đá dày đặc đã vùi lấp hàng chục ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Ngôi làng từng yên bình dưới chân núi Con Voi sau đó đã chỉ còn là đống hoang tàn.
Trước đó, tại Hà Giang, ngày 13/7/2024, một trận sạt lở bất ngờ xảy ra trên Quốc lộ 34, vùi lấp một chiếc ô tô khách đang di chuyển. Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 11 người và làm 4 người bị thương.
Trong hai ngày 4 và 5/8, liên tiếp các vụ sạt lở đất tại Lạng Sơn và Sơn La khiến 3 người tử vong và 2 người khác bị thương.
Tháng 10/2024, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực tại các huyện miền núi Thanh Hóa và Nghệ An rơi vào tình trạng sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng.
Nhiều bài học đã được rút ra sau những trận lũ quét, sạt lở đất đầy thương tâm. Nhưng việc chủ động ứng phó với thiên tai vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ và triệt để. Trong khi ở nhiều nước đã xây dựng được hệ thống cảnh báo thiên tai, di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.
Việt Nam có đủ năng lực xây dựng hệ thống cảnh báo
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ví dụ trong việc ứng phó với thiên tai từ kinh nghiệm các quốc gia khác: "Ngay ở Thái Lan, người ta làm rất là đơn giản là cung cấp từng xã 1 bình đo mưa, trên đó khắc ngưỡng, ví dụ mưa ở đó vượt quá ngưỡng 100ml thì tự khắc người ta báo động để người dân ở khu vực nhỏ ý thức sơ tán, phòng tránh".
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất, cho biết, hiện nay có nhiều công nghệ và phương pháp cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu là do quy mô hẹp và chưa thể áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Về cảnh báo sạt lở đất, có thể lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động để đo sự dịch chuyển của khối trượt. Khi sự dịch chuyển này vượt quá giới hạn an toàn, hệ thống sẽ tự động cảnh báo cho chính quyền và người dân để họ kịp thời sơ tán. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của phương pháp này là do Việt Nam có rất nhiều vùng miền núi với vô số sườn núi có nguy cơ sạt lở, trong khi nguồn kinh phí và nhân lực để lắp đặt thiết bị quan trắc ở tất cả các khu vực này còn hạn chế. Thêm vào đó, ở một số nơi không có sóng điện thoại di động, internet hay điện lưới, việc truyền tín hiệu cảnh báo cũng gặp khó khăn.
Đối với lũ quét, việc cảnh báo sớm còn khó khăn hơn do đặc điểm xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Lũ quét thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 40 phút đến 1 giờ 30 phút, khiến việc cảnh báo trở nên vô cùng thách thức. Một số nghiên cứu và công nghệ đang được thử nghiệm, nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu. Các nhà khoa học khuyến nghị một phương pháp đơn giản để cảnh báo sớm lũ quét là vào mùa mưa, khi mực nước suối thay đổi bất thường, như nước suối cạn bất ngờ hoặc trở nên đục, thì đây có thể là dấu hiệu lũ quét sắp xảy ra và cần phải di dời ngay.
TS Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng dự báo tình trạng sạt lở đất. Nhiều đề án, dự án đã được triển khai để nghiên cứu và điều tra hiện trạng sạt lở đất, qua đó xác định các điểm có nguy cơ sạt lở lớn, trung bình và nhỏ. Những kết quả nghiên cứu này đã được chuyển giao cho 25 tỉnh thành trên cả nước. Các dự án này giúp các địa phương nắm bắt hiện trạng, đồng thời có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó hiệu quả hơn với các thảm họa thiên nhiên.
Tháng 10/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du. Đến nay, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét ở nhiều tỉnh đã hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ mỗi bản đồ thì chưa đủ.
Ví dụ, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét, bàn giao đến Ủy ban nhân dân cấp xã từ tháng 8/2023. Đây là dữ liệu giúp chính quyền và người dân địa phương biết được những nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét. Tuy nhiên, vì không có thông tin cụ thể về lượng mưa tại từng thời điểm nên bản đồ chưa phát huy tác dụng.
Khó khăn trong di dời bản làng
Tại Việt Nam, việc di dân khỏi vùng sạt lở trước đây đã từng được thực hiện ở một số địa phương nhưng triển khai trên diện rộng không dễ vì thiếu quỹ đất và vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà cửa, đất canh tác. Chưa kể, theo nhu cầu của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, họ với kinh nghiệm, thói quen và nhu cầu gìn giữ tập tục, vẫn không sẵn lòng với việc di chuyển bản làng. Họ vẫn sẽ tìm đến những khu vực có thể phù hợp với cuộc sống và công việc của họ như trồng trọt, mùa màng thuận lợi để sinh sống và sản xuất.
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn khi sống tại những vùng thường xuyên xảy ra sạt lở rất cần một hệ thống phân tích được các nguy cơ, rủi ro trên cơ sở lập bản đồ thiên tai, quy hoạch vùng nguy hiểm. Từ đó đưa bản đồ này xuống từng địa phương để có thể kịp thời cảnh báo người dân. Thậm chí cũng cần phải có những biện pháp cưỡng chế bắt buộc, di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Kèm theo đó là những chính sách an sinh phù hợp để những người dân an cư tại nơi ở mới.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nhà nước cần bổ sung các quy định về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ở những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự nguyện di chuyển vào các làng bản gần đường giao thông. Dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp và có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời.
"Việc cơ quan nhà nước cần làm ngay sau cơn siêu bão số 3 là phải xem xét, kiểm tra lại tất cả bản làng, đưa ra chính sách định cư, di dời phù hợp để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất", ông Chính nói.
Theo nhiều chuyên gia, bài toán di dời bản làng chỉ có thể thực hiện nếu đảm bảo cho đồng bào có nhà ở và điều kiện sản xuất canh tác, có không gian đủ để bảo tồn được phong tục, tập quán. Hơn nữa, việc di dời, xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi, những khu vực có nguy cơ cao hoàn toàn có thể tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội mà Nhà nước đang triển khai. Vì bản chất chính sách nhà ở là dành cho đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là một chính sách công bằng. Thế nhưng hiện nay, chính sách nhà ở xã hội được đề cập nhiều ở thành phố mà chưa nhắc đến các khu dân cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, thầy giáo, cô giáo vùng sâu, vùng xa.
Bản làng miền núi phần lớn là tự phát. Người dân thường bám theo nguồn nước là sông, suối để ở và canh tác. Suối lại là dòng chảy của lũ. Người dân sống ở khu vực đó rủi ro rất lớn, khi lũ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Làng Nủ là một ví dụ điển hình, nên công tác di dời được thực hiện chủ động, mô hình làng bản an toàn được nhân rộng hơn thì thiệt hại do thiên tai sẽ bớt nặng nề.
Cơ quan quản lý nhà nước cần khảo sát địa chất để có giải pháp cụ thể đối với từng khu dân cư. Những khu vực nào nguy hiểm, nguy cơ cao cần di dời người dân. Nhà nước cần bố trí tái định cư với hạ tầng đáp ứng được yêu cầu đời sống và canh tác của khu dân cư, trước hết là giao thông.
Những khu dân cư nguy cơ thấp hơn, có thể xây dựng kè, đê ngăn lũ, ngăn xói lở. Giải pháp có thể làm ngay là xây dựng nhà cộng đồng chống thiên tai bằng bê tông cốt thép, nơi này sẵn sàng trở thành nơi lưu trú của người dân bản địa khi có nguy hiểm.TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam.