Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam, ông Trương Bá Toàn - Giám đốc điều hành Western Digital Việt Nam - nhận định quá trình này cần thực hiện từng bước, nhắm mục tiêu cụ thể, vào những lĩnh vực ưu tiên.
Chuyển đổi số giúp gia tăng an toàn cho thành phố du lịch
Ông Trương Bá Toàn cho rằng tiềm năng du lịch tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang dần mở lại các chuyến bay quốc tế để chào đón khách du lịch toàn cầu. Theo ông Toàn, một trong những yếu tố quan trọng giúp hút khách du lịch là sự an toàn của điểm đến. Hội An, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang... sẽ càng trở thành những điểm sáng du lịch nếu du khách tin tưởng vào tình hình an ninh trật tự địa phương.
“Tôi có nhiều dịp đi Hàn Quốc và cảm nhận được sự an toàn tại đây, nhất là trên các chuyến tàu điện ngầm. Nếu hành khách để quên bất kỳ tài sản nào trên tàu sẽ rất hiếm có trường hợp bị mất, hầu hết có thể tìm lại được ở khu vực tìm đồ thất lạc”, ông Toàn cho hay.
Để mang lại cảm giác an toàn tại một địa phương, ngoài việc nâng cao ý thức người dân, đại diện Western Digital cho rằng chính quyền cần gia tăng những biện pháp giám sát an ninh thông minh. Như tại Hàn Quốc, Western Digital hợp tác với các đối tác để lắp đặt camera an ninh tại các tàu điện ngầm, giúp dự báo các hành vi tiền bạo lực.
Chẳng hạn, nếu camera phát hiện một nhóm người tụ tập, dựa trên phân tích hành vi, camera sẽ phát cảnh báo để lực lượng chức năng ngăn chặn sớm các hành động bạo lực.
Nhờ có camera thông minh, kết hợp với thiết bị lưu trữ có thể xử lý lượng dữ liệu cực lớn, truy xuất nhanh chóng cận thời gian thực, các giải pháp giám sát sẽ giúp khu vực tàu điện ngầm hay bất kỳ địa điểm công cộng cộng nào trở nên an toàn hơn.
“Tôi cho rằng một trong những nền tảng của thành phố thông minh là những camera giám sát thông minh”, ông Toàn nhận định. “Tại Việt Nam, tất cả những yếu tố về công nghệ đã rất chín muồi để thực hiện những biện pháp giám sát như vậy”, ông Toàn nói thêm.
Cần có mục tiêu rõ ràng khi chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một khái niệm rất rộng, do đó doanh nghiệp hay địa phương khi số hoá cần có mục tiêu cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực. Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều địa phương tại Việt Nam hiện nay chọn một số lĩnh vực chủ đạo để chuyển đổi, như du lịch, y tế, giáo dục. Trong mảng du lịch, địa phương có thể chọn yếu tố an toàn, giao thông thuận lợi, thanh toán tiện nghi,...
Riêng mảng y tế, ông Toàn nhận định nhiều bệnh viện và cơ sở y tế đang có hạ tầng khá tốt để chuyển đổi số. Tuy vậy, không nên cho rằng chuyển đổi số là một thứ gì to tát, đôi khi những thay đổi nhỏ có thể góp những viên gạch đầu tiên cho toàn bộ quá trình.
Ví dụ, khá nhiều bệnh viện ở khu vực phía Nam hiện nay đã số hoá phim chụp X quang tại bệnh viện. Thay vì cung cấp cho bệnh nhân một tấm phim như trước, nhiều bệnh viện hiện nay chọn số hoá nó, lưu trữ hình ảnh này trong kho dữ liệu. Việc này thuận tiện cho quá trình lưu trữ giúp chẩn đoán về sau, nhất là khi các cơ sở y tế liên thông dữ liệu với nhau.
Ông Toàn dẫn thống kê của Bộ Y tế cho hay, nếu chuyển đổi thành công từ phim sang hình ảnh kỹ thuật số đúng chuẩn sử dụng cho y tế, có thể giúp khối bệnh viện tiết kiệm được khoảng 50 triệu USD, tương đương hơn 1.143 tỷ đồng. Nếu việc chuyển đổi này được thực hiện thêm ở khối phòng khám tư nhân và dịch vụ sẽ gia tăng khoản tiết kiệm này hơn nữa.
Ngay tại các tập đoàn lớn, việc chuyển đổi cũng đều dựa trên mục tiêu và thực hiện từng phần. Chẳng hạn, nhà máy Western Digital ở Thái Lan chọn số hoá đầu tiên ở mảng logistics, với mục tiêu tiết kiệm khoảng 100 triệu USD/năm.
Trong giai đoạn giao thương bị ngưng trệ do giãn cách, nhờ hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhà máy này đã thực hiện thành công việc điều chuyển nguồn nguyên liệu và hàng hoá, bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ sản xuất lẫn hàng hoá bán ra toàn cầu. Bên cạnh việc tiết kiệm được 100 triệu USD/năm, nhà máy này cũng giảm 30% lượng khí thải ra môi trường, cũng như gia tăng năng suất nhân viên lên 40%.
“Tóm lại, doanh nghiệp hay chính quyền cần xác định rõ mục tiêu của mình ngay từ ban đầu khi muốn số hoá dữ liệu hay chuyển đổi số”, ông Toàn nêu ý kiến.
Không có dữ liệu nào phải bỏ đi
Đối với doanh nghiệp, thứ tài sản quý giá nhất là con người. Điều này đúng hoàn toàn trong mọi thời đại. Nhưng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, hầu hết đều đồng ý rằng dữ liệu là một dạng tài sản sống còn.
Trong kỷ nguyên mới, doanh nghiệp cần đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Trước đây, các quyết định dựa trên kinh nghiệm của lãnh đạo, song nếu vị lãnh đạo rời đi hoặc nghỉ hưu, thế hệ kế nhiệm sẽ mất đi phần lớn sự am hiểu công ty, và phải xây dựng từ đầu. Do đó, nếu doanh nghiệp xây dựng được cơ sở dữ liệu, số hoá được kinh nghiệm từ hế hệ trước, bồi đắp bởi thế hệ sau, thì sẽ có kho tàng dữ liệu đủ hữu ích để bất kỳ ai kế nhiệm cũng có thể vận hành công ty hiệu quả.
Ông Toàn cho rằng, để tiết kiệm chi phí lưu trữ dữ liệu, doanh nghiệp có thể chia dữ liệu thành hai dạng: dữ liệu lạnh và dữ liệu nóng. Dữ liệu lạnh là loại cần lưu trữ nhưng không phải truy xuất nhanh, sử dụng hàng ngày, do đó có thể ghi trên các loại ổ cứng có dung lượng lớn nhưng tốc độ truy xuất thấp để tối ưu chi phí. Ngược lại, dữ liệu nóng đòi hỏi sử dụng thường xuyên thì cần thiết bị lưu trữ có tốc độ truy xuất nhanh hơn, nhưng dung lượng thấp hơn.
“Có những dữ liệu lạnh tưởng không cần thiết nhưng sẽ cực kỳ hữu ích trong một giai đoạn cần đưa ra quyết định nào đó. Vì vậy dữ liệu nào cũng cần được lưu trữ”, ông Toàn phân tích. Ngoài ra, đại diện Western Digital cho rằng so với cách đây 5 năm, chi phí lưu trữ đã giảm khoảng một nửa, do đó các doanh nghiệp ngày càng dễ dàng số hoá dữ liệu hơn.