Giãn cách xã hội tại TP.HCM: Ứng dụng gọi xe giao hàng thành cứu cánh

Vinh Hồng| 20/07/2021 16:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những ngày TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội, giao hàng qua ứng dụng và giao hàng từ các trang thương mại điện tử đã trở thành "cứu cánh" cho người dân.

Có thể chưa bao giờ những người đưa ra ý tưởng về hình thức vận chuyển chia sẻ dựa trên ứng dụng di động như Uber, Grab, Be... lại nghĩ tới viễn cảnh rằng một ngày thế giới sẽ trải qua đại dịch - như đại dịch Covid-19 lần này, và khi ấy, các ý tưởng của họ sẽ là "cứu cánh" cho cộng đồng khi đại đa số người dân phải ở trong nhà, tránh tiếp xúc đông người... 

Giãn cách xã hội: ứng dụng gọi xe giao hàng thành cứu cánh - Ảnh 1.

Khu vực giao hàng dành cho các tài xế dịch vụ giao hàng qua ứng dụng tại một chung cư trong những ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM.

Giờ đây, hình thức đặt xe qua ứng dụng đi động không chỉ là một phương thức vận chuyển mới mà nó còn phát huy tác dụng chưa từng thấy, và là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân dân trong những ngày cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là ở những nơi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. 

Quá tải vì nhu cầu tăng cao đột biến 

Từ các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng đơn thuần như Be, Grab, Gojek... đến các dịch vụ thương mại điện tử có lực lượng xe giao hàng riêng như Lazada, Postmart.vn... đều cho biết họ đã và đang hoạt động quá công suất trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. 

Ngày 10/7/2021, theo thông tin từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), do nhu cầu gửi hàng hóa tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM tăng rất cao, BĐVN đã tăng cường năng lực mạng lưới, phương tiện vận chuyển, bố trí lao động, tổ chức các tuyến phát hợp lý để đảm bảo hàng hóa trong ca, trong ngày phát chính xác, an toàn tới người nhận trong thời gian nhanh nhất.

Trong khi đó, anh Tô Hồng Tài - nhân viên giao hàng lâu năm của Lazada cho PV của Tạp chí TT&TT biết: "Các đơn hàng trong tháng 7/2021 tại khu vực tôi giao ở TP. HCM đã tăng so với thường lệ khoảng 15 - 20%. Đa số là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ các khách hàng ở nhà phòng chống dịch bệnh như mỹ phẩm, đồ dùng làm vườn, trồng cây, nguyên liệu nấu ăn và thức uống".

Do nhu cầu tăng cao nên tại nhiều thời điểm, nhiều khu vực tại TP.HCM khách hàng đã không thể gọi được các dịch vụ giao hàng, điều vốn ít khi xảy ra trong thời điểm không giãn cách xã hội. Theo tài xế Đào Công Tuấn đang chạy xe cho ứng dụng Grab tại TP.HCM, trong những ngày này, lực lượng tài xế giao hàng của Grab đã phải chạy hết công suất, làm ngày làm đêm, một phần do nhu cầu tăng cao đột biến, phần khác là do nhiều tài xế đã ngưng việc vì lo sợ nhiễm Covid-19.

Qua ghi nhận của phóng viên, trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 (từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7/2021), các dịch vụ gọi xe giao đồ đã hoạt động hết công suất, hầu hết việc vận chuyển đồ của người dân thành phố đều được được thực hiện qua các dịch vụ này. Họ đóng vai trò nòng cốt trong việc mua sắm và vận chuyển hàng hoá nhỏ lẻ cho người dân. Điều đặc biệt, do đại dịch, nhu cầu vận chuyển tăng cao nhưng cước phí vận chuyển của những dịch vụ này khá ổn định, chưa thấy bất cứ phàn nàn nào của người dân về vấn đề này.

"Phao cứu sinh" trong giãn cách xã hội

Trong đại dịch, nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm gia tăng, việc tự vận chuyển và các hình thức vận chuyển truyền thống đã gặp nhiều khó khăn do các qui định về giãn cách xã hội. Nắm bắt cơ hội này, các ứng dụng gọi xe công nghệ đã nhanh chóng triển khai thêm dịch vụ gọi nôm na là "đi chợ", sau đó vận chuyển những món hàng này đến tận cửa nhà khách hàng. 

Các trang thương mại điện tử có sẵn đội ngũ giao hàng như Postmart.vn lại càng phát huy được ưu thế, nhằm gia tăng doanh thu và đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân trong các vùng có dịch bệnh. Vẫn theo vnpost.vn, trong tháng 6 và tuần đầu tháng 7, Bưu điện TP.HCM đã cung cấp và chuyển tới tận địa chỉ người dân thành phố hơn 140 tấn trái cây các loại và hơn 3,5 tấn gạo.

Tại TP.HCM, sau khi chính quyền công bố sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố vào thời điểm đầu tháng 7/2021 vừa qua, một trong những câu hỏi được người dân thành phố đặt ra là có cho phép dịch vụ giao hàng hoạt động không? Nhiều người tỏ ra lo lắng khi có tin đồn là dịch vụ giao hàng sẽ bị ngưng hoạt động. Sau khi lãnh đạo Thành phố có câu trả lời dứt khoát rằng, vẫn cho phép dịch vụ giao hàng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì người dân đã bớt đi rất nhiều lo lắng.

Thực tế chứng minh, trong những ngày giãn cách xã hội, khi đại đa số dân chúng phải ở nhà, việc giao nhận nhu yếu phẩm thiết yếu đã tăng cao, từ người nhà gửi nhu yếu phẩm cho nhau, từ các dịch vụ bán đồ thiết yếu chuyển đến cho người mua... tất cả đều phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng qua ứng dụng di động... 

Theo bà Cao Thị Nhàn, ở quận Tân Phú, TP.HCM: "Để đề phòng sự lây lan của dịch bệnh, chúng tôi hầu như không ra khỏi nhà trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Và những ngày tháng này, dịch vụ giao hàng bằng xe công nghệ đã là cầu nối giữa gia đình tôi với những người thân ở nơi khác, chúng tôi gửi đồ ăn cho nhau thông qua họ, đồng thời cũng nhờ họ đi chợ giúp. Thực sự không có dịch vụ giao đồ, chúng tôi sẽ phải ra đường, như thế là đáng lo ngại vì sợ nhiễm Covid-19. Dịch vụ giao đồ qua ứng dụng công nghệ là cứu cánh cho chúng tôi trong những ngày thành phố phòng chống dịch bệnh".

Về phía các dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng và các dịch vụ chuyển đồ cho các trang thương mại điện tử, sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, nhiều đơn vị đã nhanh chóng triển khai các dịch vụ giao hàng, như Grab là GrabExpress và GrabMart, hay Be là Giao hàng, Đi chợ... và tạm dừng các dịch vụ như vận chuyển người hay giao đồ ăn trên ứng dụng của mình do các dịch vụ này không được phép hoạt động.

Và để bảo vệ cho tài xế, nhân viên giao hàng tránh lây nhiễm Covid-19 từ khách hàng và ngược lại, tất cả các dịch vụ giao hàng đều áp dụng triệt để nguyên tắc 5K, ngoài ra việc tiêm vắc-xin cho lực lượng này cũng đã được chú ý, quan tâm. Theo Bưu điện TP.HCM gần 5.400 cán bộ công nhân viên người lao động, đặc biệt là lực lượng bưu tá, giao dịch viên, lái xe của họ đã được tiêm vắc-xin phòng chống dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò và sức mạnh của công nghệ hơn bao giờ hết. Điều đó càng thôi thúc con người trong hành trình nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh, biến mọi thứ trở nên thông minh và hữu dụng hơn. Ứng dụng gọi xe công nghệ và các trang thương mại điện tử chủ động được đội ngũ giao hàng, những sáng kiến như vậy cần được nhanh chóng triển khai ở mọi nơi, mọi ngõ ngách tại Việt Nam, nhằm giúp cho cuộc sống của nhân dân khi thực hiện giãn cách xã hội trở nên dễ dàng hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giãn cách xã hội tại TP.HCM: Ứng dụng gọi xe giao hàng thành cứu cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO